Ngồi giữa căng-tin bệnh viện, vừa kêu đĩa cơm chưa kịp ăn, nước mắt chị dâu tôi đã rơi lã chã: “Thiệt xấu hổ không dám nhìn ai”. Hóa ra, chồng chị vừa gọi điện thoại cho vợ, nghe phong thanh người ta đồn cô con gái chuẩn bị thi đại học có bạn trai, lại là một anh chàng có họ hàng chưa qua khỏi ba đời.
Bít lối hay vẽ đường cho hươu?
Nhìn vẻ mặt hoảng hốt của chị, tôi xì một tiếng: “Em thấy có gì đâu mà xấu hổ. Hai đứa còn nhỏ, nó thương vì nó không biết họ hàng. Có gì về nhà tìm hiểu rồi phân tích cho con nghe. Chừng nào chị xúi hai đứa cưới nhau rồi hãy xấu hổ”. “Cô làm cô nó mà nói vậy hả? Chuyện vậy không xấu hổ thì thế nào mới xấu hổ? Học hành chưa tới đâu, lo yêu với đương. Đã vậy còn yêu tào lao”, sẵn cơn tức giận, chị “phang” tôi tới tấp.
Bởi vì xấu hổ, nên một chuyện cỏn con là hai đứa trẻ yêu nhau (lớn chăng là có vướng phải quan hệ họ hàng), với chị trở nên hết sức trầm trọng. Trong khi đó, cô gái mới lớn vừa biết yêu, thấy thái độ của mẹ thì sợ quá, nghĩ mình đã gây chuyện tày trời nên tìm mọi cách để chối tội.
“Con chơi thân với em gái của ảnh nên hay đi chung rồi mọi người đồn vậy chớ quen đâu mà quen”. Như người sắp chết đuối bắt được phao, chị tin con ngay. Thế rồi trời yên bể lặng, không khí ngột ngạt trong gia đình nhanh chóng tan đi.
Ai đồn cứ đồn, còn chị, cục xấu hổ to quá đã lấn át lý trí của một người mẹ. Chị tin con và phản ứng gay gắt với những lời chị cho là “đồn nhảm”. Thế rồi, qua mắt được mẹ để yêu trong bóng tối, tâm trí con gái chị dồn hết cho việc lo lắng một ngày câu chuyện của mình bị lôi ra ánh sáng hơn là việc chuẩn bị thi đại học. Đôi trai gái còn tính đến phương án đặt các bậc phụ huynh trước việc “đã rồi” để được ở bên nhau.
Cũng có cô con gái đến tuổi được “dòm ngó”, chị Ngân Anh, một đồng nghiệp của tôi, hay than phiền: “Có con gái trong nhà như bom nổ chậm”. Chị thường xuyên tham gia các diễn đàn, rồi lên mạng tìm hiểu thông tin, kiểu “dạy con thời hiện đại”, “nên giáo dục giới tính cho con ở tuổi nào?”.
|
Ảnh minh họa |
Một ngày, con gái dẫn bạn trai về ra mắt. Thấy thằng nhóc mà con ngọt xớt gọi “anh yêu”, tóc vàng hoe lọn lọn như mì gói, tai bấm lỗ chỗ, ăn mặc chẳng khác thần tượng xứ Hàn, chị hoảng quá. Nhưng kinh nghiệm đã khiến chị nhanh chóng thay đổi sắc mặt bằng nụ cười đon đả: “Con học ở đâu? Nhà quận mấy?”…
Buổi ra mắt diễn ra trong không khí vui vẻ. Người yêu của con vừa về, chị quay phắt sang con, cố giữ giọng bình tĩnh: “Con quen nó bao lâu rồi? Có làm gì chưa? Mẹ không cấm, nhưng con phải biết cách làm sao cho an toàn”.
Nhớ đến kinh nghiệm học được từ diễn đàn của các “hội bà mẹ” trên mạng, người ta khuyên nhau rằng: “Thà vẽ đường hươu chạy, còn hơn để nó chạy sai đường”, nên bao nhiêu cách trách thai chủ động, chị chỉ hết cho con. Sẵn tiện, chị ném luôn cho con vỉ thuốc tránh thai khẩn cấp mình đang xài dở.
Dạy con biết trân trọng bản thân
Con trẻ bước vào tuổi yêu, ứng xử thường thấy của các bậc phụ huynh vẫn ở hai thái cực: hoặc tức giận mắng chửi “mới mở mắt mà bày đặt yêu đương”, hoặc để con thoải mái “trải nghiệm”, miễn sao an toàn. So với phản ứng gay gắt và sai lầm của phụ huynh ở nhóm đầu tiên, thì cách ứng xử của phụ huynh nhóm sau là hệ quả của cách nhìn cởi mở hơn trong thời đại ngày nay.
|
Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, đó cũng không phải là cách ứng xử mà các bậc cha mẹ nên làm, bởi nó mang xu hướng giải quyết hậu quả hơn là ngăn chặn nó. Sau hàng loạt vụ xâm hại trẻ liên tục xảy ra, đã có nhiều buổi nói chuyện ở trường học, mà một trong những nội dung quan trọng là giúp học sinh biết cách làm gì khi có nguy cơ bị xâm hại. Theo bác sĩ Nguyễn Lan Hải, điều đầu tiên trong giáo dục giới tính cho trẻ, là dạy con phải biết quý trọng thân thể và sinh mạng của mình cũng như của người khác.
Công tác tại trường đại học, cũng là mẹ của năm đứa con hoàn toàn được giáo dục tại nhà, bà Karen Hilton cho biết, một trong những lý do bà không cho con đến trường, ngoài chương trình học tập nặng nề, còn do vấn đề giáo dục đạo đức cho trẻ bị xem nhẹ tại các trường học hiện nay.
“Xem vấn đề tự do tình dục là “phù hợp” với lối sống hiện đại, nên cả giáo viên và phụ huynh ngày nay quan trọng việc dạy trẻ cách phòng tránh thai hơn là dạy các con phải biết sống đúng chuẩn mực đạo đức xã hội và yêu một cách có trách nhiệm”, bà Karen nói.
|
Bọn trẻ có vô số cách để qua mặt cha mẹ. Hình minh họa |
Theo bà Karen, bắt đầu của từ “trách nhiệm” là việc giáo dục con trẻ biết trân trọng, yêu quý bản thân, biết sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và cả với người khác. Chỉ khi ý thức được điều đó, trẻ mới thật sự lớn để chịu trách nhiệm về cuộc đời mình, cũng như trong bất kỳ sự lựa chọn nào.
Ngọc Mai