Dậy sóng mạng chuyện mẹ đơn thân gửi con 9 tháng tuổi cho bà ngoại để theo chồng
Một người mẹ đơn thân sau 1 thời gian dài ly hôn đã tìm được hạnh phúc bên người đàn ông mới nên chị đã bất khả kháng phải để con lại cho bà ngoại trông để theo chồng về làm dâu, làm vợ.
Người mẹ trẻ này kể lại, ngày đầu gặp chồng thứ 2 của mình, khi nghe cô thú nhận về đứa con gái đã 9 tháng tuổi, người đàn ông này hơi chững lại. “Rồi gia đình anh phản đối. Mẹ anh cố gắng tìm cách mai mối cho anh với cô gái khác. Nhưng cuối cùng, chúng tôi vẫn bên nhau sau khi cả hai bên gia đình thống nhất: con gái tôi sẽ ở lại nhà bà ngoại”.
Vì tìm được hạnh phúc của đời mình, nên người mẹ này đã bất khả kháng phải để con lại cho bà ngoại trông mon để theo chồng về làm dâu, làm vợ. Ảnh minh họa.
|
Đám cưới của họ diễn ra nhanh chóng: “Tôi hân hoan trong niềm hạnh phúc, mải mê chọn váy cô dâu, mải mê tìm kiểu tóc đẹp mà không để ý nếp nhăn trên đuôi mắt mẹ tôi dường như trũng sâu hơn một chút. Những ngày chuẩn bị đám cưới tất bật khiến thời gian tôi dành cho con đã ít lại càng ít hơn.
Nhiều khi, tôi chỉ có thời gian nhìn con một lát khi bé đã say ngủ nhưng miệng bỗng mếu trong giấc ngủ mơ. Tôi sẽ cố gắng kiếm tiền gửi về cho con đủ đầy hơn, tôi tự nhủ. Chồng tôi cũng hứa sẽ chu cấp cho bé mỗi tháng để tôi có thể an tâm làm vợ, làm mẹ của các con anh sau này. Đấy đã là điều tốt nhất rồi, tôi còn phải có cuộc đời của mình, tôi nghĩ vậy”.
|
Người mẹ đơn thân chia sẻ câu chuyện của mình trên mạng |
Trong ngày cưới, người mẹ đơn thân này như biến thành nàng công chúa trong bộ váy cưới trắng muốt tinh khôi. Thế nhưng hôm nay, cô con gái 9 tháng của cô cứ quấy khóc, chẳng ngoan như thường lệ: “Ôm con vào lòng cho bú, bé bú no nhưng vẫn ngậm ti mẹ nhất quyết không chịu nhả ra. Bà ngoại phải dỗ dành mãi, bé mới chịu rời mẹ để theo bà, nước mắt vẫn còn đọng lại thành vệt trên đôi má bầu bĩnh, và ánh mắt vẫn nhìn theo mẹ chẳng rời. Tôi bận bịu trang điểm, làm tóc, giục bà bế con đi nhanh nhanh kẻo chật chội. Xe hoa đã sắp đến rồi.
Nhà trai đến. Con gái tôi đang ngồi chơi trong cũi bỗng dưng khóc ré lên từng hồi. Loay hoay với chiếc váy cưới vướng víu để bế con lên, tôi bỗng nhận ra khuôn miệng xinh xinh đang mếu của con hóa ra lại giống tôi đến vậy. Ôm con vào lòng, nỗi xót xa kỳ lạ bỗng dưng trào dâng trong lòng. Bé dụi đầu vào ngực tôi, nức nở, đôi bàn tay nhỏ bé túm lấy ngón tay tôi, nắm chặt. Tôi khóc. Tình mẫu tử bấy lâu bị che lấp bởi thù hận dường như vỡ òa ra. Tình mẫu tử mà hôm nay tôi mới nhận ra, khi tôi sắp phải bỏ con lại đây, lên xe hoa về nhà người.
Tiếng lao xao bên ngoài cửa phòng phá vỡ dòng tâm tư cuồn cuộn trong lòng tôi. Vài người vội vã bước vào phòng, giục giã: “Cô dâu nhanh nhanh lên, đến giờ lành rồi kìa”, “Bà ngoại bế con cho nó đi”, “Ơ kìa con bé này mọi hôm ngoan lắm mà nay quấy thế”… Con gái bị gỡ ra khỏi tay tôi, bàn tay tôi đang chơi vơi được túm chặt bởi bàn tay một người đàn ông.
Chồng của tôi - anh phong độ trong bộ vest đen sang trọng, đặt vào tay tôi bó hoa cưới đỏ rực đầy kiêu hãnh. Tôi được dắt đi hay kéo đi trong tiếng cười nói lao xao, tiếng bàn tán, tiếng chúc tụng… nhưng bên tai chỉ vọng rõ nhất tiếng khóc nức nở của con gái mình. Dường như, bé biết mình đã bị mẹ bỏ lại đây. Bé biết từ mai mỗi chiều mẹ sẽ chẳng về đây nữa. Bé biết từ mai mỗi khi đói bụng, sẽ chẳng còn dòng sữa mẹ ngọt ngào, chẳng còn bầu ngực mẹ ấm nóng, chẳng còn tiếng ầu ơ…
Tai tôi như ù đi, bước chân từng bước từng bước nặng trĩu. Quãng đường từ nhà ra đến nơi chiếc xe hoa đang đỗ dường như dài không có điểm dừng. Phải chăng tôi đã sai? Phải chăng tôi đã quá nhẫn tâm và ích kỷ khi đành lòng bỏ lại con mình để đi tìm chút hạnh phúc riêng tư”.
Ngay sau khi chia sẻ câu chuyện trên, người mẹ đơn thân này đã nhận được vô số gạch đá. Ai cũng cho rằng, đã làm mẹ mà người mẹ trên quá nhẫn tâm chỉ biết lo cho bản thân. Cả chồng mới của người phụ nữ này cũng quá ích kỷ.
Ai cũng cho rằng, đã làm mẹ mà người mẹ trên quá nhẫn tâm chỉ biết lo cho bản thân khi gửi con gái cho mẹ đẻ. Ảnh minh họa.
|
Thậm chí nhiều người còn cho rằng, bỏ con 9 tháng lại cho bà ngoại nuôi là một sai lầm lớn của người phụ nữ này. Họ phỉ báng người mẹ trên quá nhẫn tâm và không thể chấp nhận một người mẹ bỏ con để lo cho hạnh phúc của mình.
Nhiều phụ nữ khác còn bức xúc khẳng định rằng, dù họ cũng đang làm mẹ đơn thân và phải sống vất vả, khổ cực nhưng họ sẽ không bao giờ bỏ con. Nếu có lấy chồng mới, họ sẽ đợi con lớn khôn hơn mới lấy hoặc sẽ đem con đi theo mình để con luôn được bên cạnh mẹ. Hoặc nếu người đàn ông kia không chấp nhận, họ sẽ không bao giờ lấy chồng mà phải bỏ con.
Gởi con 9 tháng tuổi cho ông bà nuôi để lấy chồng thì đã sao?
Cũng là một phụ nữ từng lở dở 1 lần đò, sau khi đọc được bài viết của mẹ đơn thân phải bỏ con 9 tháng tuổi lại cho bà ngoại chăm sóc để đi lấy chồng, tôi rất đồng cảm.
Tôi thấy rằng hành động mẹ đơn thân để con nhỏ cho bà ngoại chăm sóc và nuôi dạy là quá khôn ngoan và thông minh. Theo tôi, đây cũng là một người mẹ biết nghĩ xa cho con nhất, không hề ích kỷ vì những lý do sau:
Thứ nhất, nếu như mẹ mang con theo chồng trong cuộc hôn nhân mới, con sẽ phải có 1 thời gian thích nghi với môi trường mới và những con người xa lạ, chẳng hề có máu mủ ruột thịt, dễ khác máu tanh lòng với con trong mọi hoàn cảnh.
Đành rằng, trẻ con dễ thích nghi với môi trường và người lạ, nhất là khi có mẹ bên cạnh. Nhưng về nhà chồng, mẹ của con còn chưa lo liệu được tốt cho bản thân của mẹ, cho cuộc sống mới của mẹ thì làm sao có thể bảo vệ, lo tốt cho cuộc sống của con đây? Chưa kể nếu chồng mới và nhà chồng không thông cảm cho con có thể nói và hành động khiến con bị tổn thương hoặc đối xử với con chẳng ra gì. Khi ấy, con sẽ là người thiệt thòi nhất và bị tổn thương nhiều nhất.
Thứ 2, khi mới kết hôn, chẳng cô dâu nào có thể cam kết cuộc hôn nhân của mình sẽ hạnh phúc lâu dài. Và không ai biết cuộc sống sau hôn nhân của mình là khổ hay sung sướng. Vì thế, việc không mang con gái 9 tháng theo có thể hiểu được. Sau khi mẹ về chung sống với chồng, nhà chồng 1 thời gian, nếu cuộc sống sung sướng, an nhàn, mọi người đều thoải mái thì có thể mang con theo cũng chưa muộn. Nhưng nếu cuộc sống khổ cực và vất vả thì sao? Mang con đi theo khác gì để con phải chịu chung khổ cực với mình.
Lại thêm, khi có cuộc sống hôn nhân quá vất vả, tình cảm vợ chồng sẽ theo tháng năm nhạt nhòa. Khi ấy, mẹ cũng chẳng có thời gian mà dồn hết yêu thương vào đứa con tội nghiệp mà phải dồn hết tâm sức kiếm tiền. Vậy con ở bên mẹ thật nhưng vẫn cô đơn trong chính vòng tay mẹ, lại phải sống khổ sống sở, thiếu trước hụt sau cùng cuộc sống của mẹ và bố dượng.
Thêm một lý do nữa mà tôi tin chắc mẹ đơn thân này có khả năng đã lường tới trước được đó chính là cô ấy đang nghĩ xa hơn. Con gái cô hiện mới 9 tháng tuổi, và con sẽ lớn lên, nếu như cha dượng không tốt thì nguy cơ con bị xâm hại tình dục sẽ xảy ra.
Phụ nữ à, bạn sinh con ra trên đời nhưng không phải cứ ở bên cạnh con 24/7 mới là chăm sóc con tốt nhất. Ảnh minh họa.
|
Đành rằng nhiều người khẳng định “Lấy chồng lãi mỗi đứa con”, “Đàn ông có thể không có nhưng không thể bỏ con”. Nhưng thử hỏi, con trẻ rồi cũng sẽ lớn lên, sẽ lấy chồng lấy vợ và sinh con. Chỉ có người vợ, người chồng mới ở bên mình mãi mãi và chăm sóc nhau đến ngày cuối đời. Vì thế người ta thường nói: “Con chăm cha không bằng bà chăm ông” vì lẽ đó.
Phụ nữ à, bạn sinh con ra trên đời nhưng không phải cứ ở bên cạnh con 24/7 mới là chăm sóc con tốt nhất. Cũng chẳng ai có thể trách cứ, mẹ đi bước nữa là phải mang con theo. Chỉ là mẹ không thể mang con theo cùng chứ không phải mẹ bỏ rơi con để lo cho hạnh phúc riêng.
Phương Hà