Mẹ gói tình thương trong nắm cơm

26/05/2023 - 07:38

PNO - Cái mùi cơm quyện mùi lá chuối thơm lừng ấy vẫn vấn vít, khiến tôi nhớ như in. Nhớ những giọt mồ hôi, nước mắt, những hy sinh một đời của mẹ, nhịn ăn nhịn mặc cho con đến trường.

 

đều đặn tuần 6 ngày, ròng rã suốt 7 năm trời, nắm cơm của mẹ đồng hành cùng chúng tôi đến trường (ảnh minh họa)
Đều đặn tuần 6 ngày, ròng rã suốt 7 năm trời, nắm cơm của mẹ đồng hành cùng chúng tôi đến trường (ảnh minh họa)

Thuở bé, nhà tôi nghèo, nhà 4 người chỉ có mẹ tôi là lao động chính. Mẹ ốm yếu từ nhỏ, vậy mà cái thân hình còm cõi đó phải gồng gánh nuôi anh em tôi ăn học. Chỉ với 2 bàn tay trắng, không có mảnh vườn miếng ruộng nào làm tài sản. 

Sợ anh em tôi thua thiệt, khổ một đời như mẹ, nên mẹ ráng chắt chiu, đói khổ mấy cũng cho 2 anh em đến trường. Lúc ấy chúng tôi thuộc diện nghèo, học phí được giảm một nửa. Tập viết lãnh thưởng đủ xài, sách thì anh học trước để lại cho em. Chúng tôi tự học ở nhà. Quần áo mặc lại của chị em họ ở thành phố. Thế mà mỗi mùa tựu trường, tôi thấy mẹ thêm gầy gò, mất ăn mất ngủ…

Chúng tôi vào trường trung học trên Bà Rịa (bấy giờ là thị xã). Thời đó học sinh học một buổi, nhưng tôi học chuyên toán nên học cả sáng lẫn chiều. Nhà xa, buổi trưa tôi ở lại trường, giở cơm ra ăn, đến đầu giờ chiều học tiếp. Khi đó, đĩa cơm khoảng 2.000 đồng. Trong khi, cả nhà một ngày chi tiêu khoảng 4.000 đồng thì đâu có tiền mà ăn quán. Thế là mẹ “cùng đi học với chúng tôi”. 

Mỗi sáng 2 anh em dậy học bài, mẹ dậy cùng, nhóm bếp củi nấu cơm. Nhà không có sẵn củi, những ngày nghỉ học anh em tôi vào rừng cao su nhặt về, mẹ dùng rất tiết kiệm. Khi nồi cơm đã yên vị trên bếp lửa bập bùng, mẹ ra sau nhà rọc vài miếng lá chuối, đem hong trên nắp nồi cơm cho hơi héo.

Cơm chín, mẹ bới ra tấm lá chuối đã lau sạch, cho thức ăn vào giữa, phủ cơm rồi ép lại chặt tay, gói vuông vức trông như chiếc bánh chưng vậy. Thức ăn thì lúc là mấy con cá hay cua đồng chúng tôi bắt được ở những thửa ruộng mới gặt xong. Lúc là khô, lúc mắm ruốc xào sả ớt - món này mẹ tôi làm ngon tuyệt. Có ngày mẹ kèm trái dưa leo ăn cho mát miệng.

Mẹ còn chu đáo chuẩn bị thêm cho mỗi đứa một chai nước. Mẹ đem chai dầu ăn súc sạch, ngâm nước lâu ngày cho bay hết mùi dầu rồi rót nước vào. Cái nắp chai vàng chóe cứ ngoi lên khỏi miệng cặp, như tố cáo “tui không có tiền nè”. 

Vài phụ huynh trong lớp biết chuyện, thương, nói tôi về nhà họ nghỉ trưa cho đỡ mệt. Tôi về ở 2 gia đình tốt bụng của bạn học, chỉ tá túc chỗ ở chứ không nhờ miếng ăn. Mẹ vẫn gói cho con gái nắm cơm, dặn dò, ngon dở chi cũng của mình, mang ơn người ta vậy đủ rồi, đừng có thành nợ rồi khó trả nghe con. 

Cứ thế, đều đặn tuần 6 ngày, ròng rã suốt 7 năm trời, nắm cơm của mẹ đồng hành cùng chúng tôi đến trường. Chúng tôi lớn lên nên vóc nên hình là nhờ nắm cơm ấy, học được bằng này bằng nọ cũng nhờ nắm cơm ấy.

Sau này đi làm, anh em tôi hay đưa mẹ ra ngoài ăn món nọ món kia, nhưng thỉnh thoảng vẫn thèm mùi vị của cơm nắm, của món ruốc hay món cá khô mẹ làm. Cái mùi cơm quyện mùi lá chuối thơm lừng ấy vẫn vấn vít, khiến tôi nhớ như in. Nhớ những giọt mồ hôi, nước mắt, những hy sinh một đời của mẹ,  nhịn ăn nhịn mặc cho con đến trường. Mẹ đã gói cả tình thương yêu vào trong nắm cơm đó. 

Mẹ tôi ngày càng già yếu, khổ cực bao năm trời khiến tuổi già của mẹ bị nhiều thứ bệnh hành hạ. Có món ngon không ăn được, ép mẹ ăn, mẹ chép miệng, lúc trẻ ước có cái mà ăn, giờ có thì không ăn được. 

Giờ mẹ tôi đã về với cát bụi. Rũ bỏ mọi đau đớn nhọc nhằn của một kiếp người. Thỉnh thoảng, tôi làm cơm nắm, để nhớ về những ngày xưa khổ cực, để nhớ mẹ sống một đời giản dị mà vô cùng vĩ đại trong tâm tưởng của chúng tôi.

Hoàng Ngọc Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI