Mẹ giờ nói chuyện với người trong gương...

26/02/2020 - 05:37

PNO - Mẹ cứ ngồi mãi bên gương, giận hờn vì "bà già trong ấy" không nói chuyện với mẹ.

Hai năm trước, chị ngồi thêu số điện thoại chị lên vạt áo của mẹ. Hàng xóm qua chơi, cười bảo chị cẩn thận quá, bà còn minh mẫn thế mà.

Mẹ chị có nụ cười hồn hậu, những bức ảnh chụp gia đình nhà chị, nhìn khuôn mặt bà, tôi nghĩ, đó thật sự là một người già hạnh phúc. Tôi ít nhìn thấy người già nào mà cười rạng rỡ như cười từ trong mắt đến như thế. Chị chăm mẹ chu đáo, lại khéo ăn khéo nói, lúc nào cũng biết cách làm bà vui. 

Giờ thì, số điện thoại trên vạt áo bà đã phát huy tác dụng. Một buổi chiều đi làm về, chị không thấy mẹ đâu. Sang nhà những hàng xóm thân quen đều không thấy, có người bảo hình như thấy bà ra ngõ mua gì đó, rồi cũng không để ý. Cái ngõ phố, ra hết con hẻm nhỏ là đến đường lớn rồi.

Chị kiểm tra lại camera trong nhà, thấy bà đội nón ra khỏi cửa từ đầu giờ chiều. Camera an ninh khu phố cũng ghi lại hình ảnh bà rời khỏi con hẻm nhỏ, rồi không thấy quay trở lại.

Cả nhà cuống cuồng, điện thoại báo tin nhau khắp nơi từ Nam chí Bắc. Bà có điện thoại, nhưng gọi thì đã tắt máy. Vào lúc chị hoảng loạn thì nhận cuộc gọi lạ, người ta báo đang giữ một người già đi lạc và có số điện thoại trên vạt áo...

Nếu một ngày mẹ thành người đi lạc...ảnh - internet
Nếu một ngày mẹ thành người đi lạc...Ảnh - internet

Mẹ chị về nhà ngồi thần thừ. Nói nhà gần vậy mà sao bà lại không nhớ ra. Bà đi bộ ra đường lớn, muốn mua ít đậu xanh về nấu chè nha đam cho tụi nhỏ ăn cho mát. Đang mùa nóng nực. Vậy mà rồi mẹ đi loanh quanh lại không nhớ ngõ về. Bà nói với người ta, chỗ bà ở tên đường có ba chữ. Mà, Sài Gòn này, tên đường có ba chữ thì nhiều...   

Chị nói, từ tết đến giờ bà hay lẫn. Nhiều lúc nói chuyện với chính mình trong gương. Rồi lại giận vì "bà ấy không thèm nói chuyện" với mình. Lúc đầu, chị hay cười trêu mẹ. Nhưng rồi có hôm, chị nhìn mẹ mà rơi nước mắt. Mẹ giờ hay nói chuyện với người trong gương, rồi đến lúc nào sẽ không còn nhận ra con cháu? Năm tháng đã làm mái đầu mẹ bạc trắng, nụ cười đã móm mém răng thưa. Tuổi già được vui vầy cùng con cháu đã là bình yên, nhưng tuổi già cũng đã ngày càng lấy đi ký ức của mẹ. 

Tôi nghĩ về người già trong ngôi nhà mình. Mẹ tôi cũng đã già lắm rồi, thật mừng vì bà còn minh mẫn dẻo dai, đôi chân vẫn còn đi được cùng con cháu đến những điểm tham quam, du lịch trong và ngoài nước, và vẫn còn nhớ như in những chuyện ngày xưa để nhắc nhớ cùng con cháu.

Hôm qua, mẹ tôi còn bắt xe một chuyến về quê thăm người chị gái - dì tôi - đang trong những ngày bệnh không biết sẽ ra đi vào lúc nào. Hai người già cúi đầu bên nhau, một người bệnh nặng gần đất xa trời, một người tóc bạc, chỉ nói nhau nghe những chuyện ngày xưa thời ông bà ngoại của tôi còn sống. Mẹ và dì đã nói mãi, rồi thi thoảng lại cười vì những ký ức thời còn thơ trẻ. 

Hạnh phúc là người già còn nhau...Ảnh-internet
Hạnh phúc là người già còn có đôi có cặp và có con cái...Ảnh-internet

Mỗi năm tháng trôi qua, tôi càng thấm thía câu hát "Mẹ già như chuối chín cây". Cả cuộc đời đã quằn vai mưu sinh, nuôi dưỡng đàn con khôn lớn, nên người. Vất vả, đau khổ đều đã nếm trải. Nhưng rồi ở bên kia dốc, có khi những người già lại như trẻ nhỏ, dễ buồn dễ khóc, dễ nhớ dễ giận mà rồi cũng dễ quên. Con trẻ mải mê lao vào cuộc sống, mải mê kiếm tiền, để có những lúc giật mình: Nếu một ngày, mẹ trở thành người nói chuyện với bóng mình trong gương, khi ấy, các con của mẹ đang ở đâu? 

Sáng nay trên đường đi làm, nhìn qua kính xe tôi thấy có một người con trai đang đứng bóp vai mẹ già hong nắng. Tự nhiên chùng lòng, phút bình yên dừng lại với yêu thương như vậy có bao nhiêu người làm được? Tự vấn mình, tự vấn người, trong cúi đầu, im lặng...

Từ Phong 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI