Mẹ già trở nên khó hiểu?

19/09/2024 - 06:15

PNO - Mẹ chị bỗng dưng đâm ra khó ở. Mọi ứng xử, mọi lời nói của bà với chồng con luôn “cài cắm” sẵn một ý tứ trách móc, bóng gió, hờn giận xa xôi.

“Alo mẹ, tuần này con đi công tác tỉnh nên không ghé ba mẹ được. Có ít bưởi lão trong vườn ngon lắm, con đặt Grab chở qua cho mẹ nha?” - chị nói qua điện thoại.

Đầu dây bên kia, mẹ chị đáp gọn lỏn: “Thôi khỏi, tao chết rồi”.

Câu trả lời của mẹ khiến chị chết sững. Tâm trạng đang vui vẻ bỗng chùng xuống. Cảm giác bức bối vì bỗng dưng bị mẹ cáu giận vô cớ khiến chị ấm ức. Chị thả một tin nhắn vào nhóm chat gia đình trên Facebook - nhóm này không có ba mẹ mà chỉ có mấy anh chị em trong nhà, dùng để liên lạc cho tiện: “Mẹ nay bị sao á. Tao vừa gọi hỏi thăm, chưa kịp nói gì đã… ăn bom”.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Lập tức, đứa em dâu phản hồi: “Ui, mẹ lúc này khó tính lắm. Tuần trước đó nhà có giỗ, cả nhà đã gặp nhau hôm giỗ rồi, nên cuối tuần vợ chồng em không qua như thường lệ. Vậy mà mẹ lẫy. Tới khi tụi em qua, mẹ không thèm nhìn mặt, hở ra là nói: tao sắp chết rồi”. Nhỏ Út phụ họa thêm: “Mấy chị còn đỡ. Em ở cùng chung cư với ba mẹ, gặp mặt thường xuyên mà hôm qua em nấu thịt đem qua thì mẹ đùng đùng nói tao già rồi, chết tới nơi rồi, không ăn món này, không cần đứa nào phải quan tâm. Nói sao mẹ cũng không chịu nhận, làm em phải đem về. Chắc mẹ giận anh chị rồi em bị… dính miểng”.

Mấy chị em nhắn qua nhắn lại một hồi, xong cùng đưa ra kết luận: mẹ già rồi sinh tật, chứ trước mẹ có vậy đâu.

Khoảng mấy tháng nay, mẹ chị bỗng dưng đâm ra khó ở. Mọi ứng xử, mọi lời nói của bà với chồng con luôn “cài cắm” sẵn một ý tứ trách móc, bóng gió, hờn giận xa xôi. Những cuộc trò chuyện trực tiếp hay nói qua điện thoại, dù là chủ đề vui vẻ cỡ nào, bà cũng luôn biết cách làm cho các con cụt hứng.

2 em trai của chị than thở: “Riết rồi sợ nói chuyện với mẹ luôn. Nói gì mẹ cũng không vui, cũng trách móc, làm như tụi em có lỗi, dù chẳng biết là lỗi gì”.

Mà cũng chẳng có sự cố gì cụ thể. Chỉ là gần đây, cả mấy chị em đều cùng bận, nên ít ghé nhà mẹ thường xuyên thôi. Nhưng chị vẫn gửi thức ăn, trái cây, sữa, bánh cho ba mẹ; các em cũng thay nhau gọi điện thường xuyên. Nhưng tất cả dường như vẫn không đủ.

Nếu là mẹ của những năm về trước, bà sẵn sàng thông cảm với các con. Con cái đứa nào bận rộn, bà còn tất tả đón xe ôm tới tận nhà, xông vô bếp nấu giùm con gái bữa cơm hay đến tận trường đón cháu nội thay con dâu đi họp về trễ. Những khi cháu bận học, con cái quên gọi điện về, bà sẽ chủ động gọi, lo lắng hỏi xem có phải đứa này bệnh, đứa kia gặp biến cố gì mà cả tuần không thấy đâu…

Sự bao dung, hiểu chuyện của mẹ khiến chị và các em, kể cả dâu rể luôn cảm thấy thoải mái, yên lòng. Với mẹ, họ không bao giờ phải rào trước đón sau, cẩn thận giữ kẽ. Có lẽ các con đã quen với hình ảnh mẹ đảm đang, xốc vác, thấu tình đạt lý như thế nên bây giờ, đối diện với sự yếu đuối, chấp nhặt, hay hờn giận vô cớ của bà, đứa nào cũng sốc. Cảm giác như mẹ mình biến thành người khác.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Suy nghĩ mấy ngày, chị quyết định phải có cách giải quyết nào đó. Chị lại vào nhóm chat gia đình, nhắn: “Cuối tuần này chị về nhà mẹ nấu bún cá. Tụi em dẫn các cháu qua ăn trưa với ông bà nhé”. Chị cũng định bụng lần này về, sẽ tạo cho ba mẹ tài khoản Zalo, lập thêm một nhóm chat gia đình, “kết nạp” ba mẹ vào nhóm để hằng ngày, ông bà có thể theo dõi các con trò chuyện với nhau, nắm thông tin của các con, các cháu.

Như vậy, dù không gặp nhau mỗi ngày, ông bà sẽ cảm thấy mình không bị bứt khỏi cuộc sống gia đình, không tự đặt mình xa cách với các con. Hằng tuần, sẽ có 1 ngày cố định cả đại gia đình cùng tề tựu về ăn cơm với ba mẹ.

Chị đã hiểu: ai rồi cũng khác và mẹ cũng vậy. Người già, đến một lúc nào đó, cũng mong manh dễ vỡ, cũng cần được chăm chút, quan tâm như trẻ nhỏ. Cả đời mẹ đã dành tất cả những gì tốt đẹp nhất cho các con. Bây giờ, ở chặng cuối này, chị và các em sẽ cưng chiều mẹ.

An Vi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI