Mẹ già như chuối…

04/06/2018 - 06:00

PNO - Gần 80 tuổi bà phải vò võ một mình, nhà bị tịch biên, con nhỏ ở tù, con lớn lại còn cơ cực quá...

- Thôi… thôi… cháu cất đi, tí bà ăn…

- Ráng vài muỗng nữa thôi bà ạ, để tí nó nguội mất ngon

- Ừ… hừ…hừ… nhưng bà mệt quá. Mà cháu thấy bữa nay tiệm thằng Hai có khách không?

Bà ho sặc sụa khi húp muỗng thứ năm, nhưng cũng khen ngon. Bà bảo, hai ngày qua có được ăn gì đâu, chỉ có ly sữa cầm hơi. Mà cảnh bà bây giờ ăn vàng cũng không ngon chứ nói gì ăn cháo ăn cơm.

Tôi bảo, thì dù sao cũng phải ăn để sống chứ ạ, bà mới gần tám mươi thôi mà.

Me gia nhu chuoi…
Tuổi bát tuần bà vẫn phải đôn đáo... Ảnh minh họa

Mười tám tuổi bà lấy chồng. Mười chín tuổi sinh con. Cùng thời gian đó chồng bà thoát ly gia đình vào chiến khu theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc. Khi con trai ba tuổi thì ông hy sinh. Người phụ nữ hai mốt tuổi đã nén lại tuổi xuân để chăm sóc cha mẹ chồng già yếu, nuôi dưỡng con thơ đến khi cha mẹ chồng mất, con mười lăm tuổi bà mới tái giá với một người hàng xóm muộn vợ.

Tài sản cha mẹ chồng (trước) để lại chỉ 5 công ruộng. Nhưng nhờ siêng năng nên bà và người chồng sau đã tạo thêm gấp 3 lần. Vợ chồng bà cũng sinh được một con trai. Thời ấy, có giấy đỏ sổ hồng gì đâu. Sau khi thống nhất đất nước mới đăng ký và chồng sau của bà đã đứng tên hết số ruộng đất đó.

Người con của bà và chồng trước đã lớn và đi làm ăn xa từ lâu. Rồi chồng sau bà cũng mất. Bà tuổi ngoài sáu mươi, nên làm giấy sang tên hết cho người con trai nhỏ. Anh này làm ăn khấm khá, có cả mấy chiếc xe tải. Rồi người con trai lớn của bà trở về. Than bôn ba xứ người bao năm nhưng cơ cực quá, lại mà cũng muốn ở gần mẹ khi tuổi trời đã xế. Anh không “xin” nhiều, chỉ mong nhận lại 5 công ruộng mà ông bà nội anh để lại.

Bà trù trừ vì sự thật là như vậy. Nhưng không biết bắt đầu từ đâu khi ngày trước, lúc đi đăng ký đất bằng tên chồng sau của bà, anh con lớn cũng không ý kiến. Rồi ông mất, gần hai mươi năm nay, mọi giao dịch, giấy tờ của đất đai đều đứng tên người con trai nhỏ.

Anh con trai lớn lại năn nỉ em mình. Không cho 5 công cũng được, cho hai trăm mét vuông thôi, anh chị cũng ngoài năm mươi tuổi rồi, để cất cái nhà nhỏ, mở tiệm sửa xe máy sinh sống.

Người em cùng mẹ xem bộ sắp đồng ý thì vợ anh ta quang quác. Rằng “Anh Hai đi đâu mấy chục năm. Mấy lúc má trái gió trở trời ị trây đái dầm sao không về mà gánh vác? Không nhờ vợ chồng tui coi sóc, làm lụng gù lưng như lưng trâu coi còn số đất này còn không mà về đòi chia chác? Ví như mấy đận má bệnh, tui không giỏi xoay sở coi có phải bán phứt số đất này mà lo thuốc thang không?”

Mặc bà mẹ già u ơ,  ô con dâu út vẫn quang quác. Chuyện “xin đất” kết thúc khi chồng cô ném bình trà vào tường và cô im bặt.

Trời không tuyệt đường ai nên sau mấy ngày vợ chồng anh vạ vật nhà mấy người quen cũ thì trong một bữa tiệc nhỏ, có người tặng anh hai tờ vé số và chiều đó anh được giải an ủi. Đủ để mua miếng đất, cất cái nhà và mở tiệm sửa xe.

Nhưng bước đầu làm ăn cũng còn khó khăn. Nhiều hôm gia đình người anh cơm không đủ no, còn nhà người em ba bữa tiệc nhỏ, bảy ngày tiệc lớn. Giàn nhạc sống hát hò ầm đùng đến tận 11 giờ khuya. Còn thức ăn thì thừa mứa đến mấy ngày sau.

Rồi bỗng dưng cửa hàng vật liệu xây dựng của vợ chồng người em làm ăn trầy trật hẳn. Chưa đầy một năm ngày người anh tới “xin đất”, con nợ tới đòi chật cả sân nhà. Vợ chồng trốn mất, bỏ lại bà mẹ già và đứa con trai 8 tuổi. Công an vào cuộc mới biết 1,5 ha đất anh con trai đã thế chấp ngân hàng. Nhưng số nợ vay ngoài còn bạc tỉ. Rồi công an cũng tìm ra, doanh nghiệp to nhất xã mà phá sản vì cả vợ lẫn chồng đều là “thượng khách” của mấy cái casino vùng biên.

Nhà đất bị kê biên. Trước nguy cơ không có nhà để ở, bàn thờ liệt sĩ, người chồng trước, rồi cũng sẽ không biết để đâu nên người phụ nữ bát tuần ấy phải chạy đôn chạy đáo gõ cửa các cơ quan chức năng để mong xin lại một nơi trú ngụ.

Sau mấy lá đơn thỉnh cầu đầy nước mắt, nhà nước đồng ý sẽ cất cho bà một căn nhà tình nghĩa, để có nơi thờ cúng liệt sĩ. Với điều kiện, bà phải có một thửa đất bốn mươi mét vuông.

Me gia nhu chuoi…
Bà được thế này là quá an nhàn. Ảnh minh họa

Bà lân la sang nhà con trai lớn để mong cầu ý nguyện cuối đời. Tình thâm ruột thịt khiến anh đồng ý, dù số đất sẽ cho mẹ đây, rồi nhà anh cũng không còn lối đi.

Nhưng vợ anh, vốn lòng dạ đàn bà nên chị chất vấn chồng: Mới hơn một năm trước má xênh sang nhà cao cửa rộng, tui và ông như ăn mày thì có má má con con không? Huống chi nhà mình cũng không dư dả, má ở đây thì còn thằng con chú thím Út cũng phải nuôi “báo cô”. Cái tiệm sửa xe bằng lổ mũi của ông đủ cáng đáng không?

Quả thật, vợ anh nói không sai. Nhớ chuyện mới hơn một năm trước, những lời quát nạt của cô em dâu như xát muối vào lòng vẫn còn mặn xót. Anh im lặng.

Bây giờ căn nhà cũ vẫn còn đó, chờ đấu giá nên chưa có chủ mới. Nhưng nó hoang tàn và quạnh vắng làm sao. Mấy ngày nay thằng bé 8 tuổi đã được họ ngoại nó đón về nuôi. Còn một mình bà già càng thêm đơn độc.

Anh con trai lớn sợ vợ nên không dám ra mặt chăm sóc mẹ. Chỉ ngầm nhờ tôi, một cô hàng xóm, ngày ngày nấu giúp bà chén cháo, chén cơm. Tôi nắm tay bà, bàn tay gầy trơ và không còn ấm nóng mà tự dưng mũi lòng vì câu “mẹ già như chuối chín cây…”

Trang Đào

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI