Mẹ già ngồi cửa ngóng chờ con

02/01/2020 - 09:46

PNO - Vào cuối ngày nghỉ, khi con cháu tạm biệt, nỗi lòng mẹ cha trống hơ trống huếch như căn nhà. Một chu kỳ ngóng đợi con lại bắt đầu.

Chiều muộn tôi đi làm về, qua nhà hàng xóm tự nhiên tôi đánh mắt vào. Trong khoảng sân nhỏ, dưới gốc cây vú sữa già, bà ngồi một mình lặng lẽ. Hình ảnh ấy tự nhiên khiến lòng tôi trào lên một cảm xúc khó tả.

Hẳn bà ngồi như vậy đã lâu, bà nghĩ gì và bà trông ngóng điều gì trong buổi chiều muộn? Chồng bà mất đã hai năm. Không phải ông ra đi đột ngột, đó là một cuộc ra đi được báo trước, ông chín mấy tuổi, cứ yếu dần như ngọn đèn lụi dần, vậy thôi.

Con cái cả đàn nhưng cuối đời chỉ có bà bên ông. Ông đi rồi thì chỉ còn mình bà với cửa nhà quạnh quẽ. Ảnh minh hoạ
Con cái cả đàn nhưng cuối đời chỉ có bà bên ông. Ông đi rồi thì chỉ còn mình bà với cửa nhà quạnh quẽ. Ảnh minh hoạ

Nghĩ mà thương, khi ông còn sống, hai vợ chồng già hủ hỉ. Căn nhà nhỏ, mọi thứ thật giản dị yên bình. Tuổi già có nhu cầu gì nhiều nhặn đâu. Năm người con của bà người ở xa, người ở gần. Hai người con trai lập nghiệp tận Tây Nguyên xa lơ xa lắc. Một năm cùng lắm về thăm mẹ được đôi lần, rồi lại tất bật trở lại với mưu sinh. Hai người con gái ở gần còn bận bịu với trăm thứ bà dằn của cuộc sống, chỉ tối muộn mới có thể vào ngủ cùng mẹ cho yên lòng.

Nhiều lần tôi thấy bà xua tay: “Không phải vào ngủ cùng mẹ đâu, mẹ không sao mà”, chị con gái bà thì yên lặng. Tất nhiên, bình thường thì không sao, nhưng mẹ già tuổi tám mươi mấy rồi, đêm hôm trái gió trở trời thì sao? Họ cứ thay nhau như vậy, khi là con, khi là cháu. Có rủ rê cỡ nào bà cũng không rời nhà nổi một ngày, bà nói với tôi: "Bàn thờ ông ở đây, thì bà ở đây. Tụi nó còn có cuộc sống của nó, ở cùng sao được". 

Ban ngày những người bạn già chạy qua chạy lại với nhau. Bàn nước dưới gốc cây vú sữa già chính là nơi các bà rôm rả ôn những câu chuyện xưa cũ, những nỗi niềm hiện tại... Nhưng khi những câu chuyện ấy lắng xuống, tôi biết bà buồn. Không buồn sao được, khi nhà vẫn đó, đồ vật vẫn thân thuộc như thế nhưng nhìn góc nào cũng thấy chênh chao, vắng lặng.

Ti vi nhà bà bật tối ngày, bà nói với tôi “bật cho có tiếng người, cho nhà ấm áp hơn”. Ừ thì biết làm sao khi nhà chỉ còn có một mình. Người đi yên phận người đi, người ở lại vẫn tiếp tục phải sống, phải nghĩ... Nồi cơm khô khốc cắm đó nhưng lúc ăn, lúc không. Nấu gì bà cũng đặt lên bàn thờ ông một, rồi chuyện trò hệt như lúc ông vẫn còn.

Năm đứa con khôn lớn trưởng thành, họ đều biết những nỗi buồn của mẹ, nhưng không biết phải làm sao. Họ cũng biết cả những giây phút thẫn thờ ngồi bên góc sân của mẹ, biết mẹ ngóng mỗi cuối tuần để những đứa con cháu ở gần tụ về rôm rả... Ai lớn cũng có cuộc sống riêng cùng những mối lo, những tất bật mưu sinh, những đứa con cần phải chăm sóc, đưa đón, những nơi chốn cần phải đến... Cuộc sống như cái guồng mải miết, mà đôi phải để mẹ mình ngồi đó, quỹ thời gian mỗi ngày ngắn lại.

Ba me gia muon gi?
Mẹ già nào cũng ngồi cửa ngóng con về. Hình minh họa

Tôi cũng bận rộn hệt con cái của bà, cuối tuần mới có thể về thăm ba mẹ đẻ, ba mẹ chồng. Mà cuộc về nào cũng linh đình ăn uống. Bao nhiêu món ngon nhất, ba mẹ dành dụm chờ con cháu. Rồi lụi cụi gói gói ghém ghém cho các con mang đi. Những dặn dò điều nọ, điều kia không ngớt... Chúng tôi thì vô tâm, luôn thắc mắc sao ba mẹ nói nhiều, sao những chuyện cũ kỹ ba mẹ nhắc hoài không ngán, sao ba mẹ cứ coi những đứa con ngoài ba mươi như những đứa trẻ mới lớn?...

Và tôi cũng như những đứa con vô tâm nhất, biết ba mẹ già vui với điều gì nhất, nhưng không xếp nó lên ưu tiên đầu. Cha mẹ già mong muốn gì? Hẳn câu trả lời thì ba mẹ nào cũng như nhau: muốn con vui vẻ, khoẻ mạnh, hạnh phúc. Nhưng đó đâu phải là điều mong muốn cho bản thân ba mẹ, mà vẫn hướng về các con, cho con.

Cha mẹ tôi thật sự mong muốn gì cho bản thân ông bà? Bà hàng xóm nhà tôi mong muốn gì? Hẳn họ đều mong cuối tuần để được nhìn con cháu tụ về rộn ràng nhà cửa. Vào cuối ngày nghỉ, khi con cháu tạm biệt, nỗi lòng mẹ cha trống hơ trống huếch như căn nhà. Một chu kỳ tựa cửa ngóng đợi con lại bắt đầu.

Ngoài kia biết bao nhiêu hào nhoáng lung linh, ngoài kia người ta vẫn chạy theo những mục đích cuộc đời, bao mộng ước mỹ miều to lớn, nhưng ở góc sân này, bậu cửa này, với cha mẹ già, mong ước có khi chỉ là một cuộc điện thoại hỏi thăm, một buổi cháu con ngồi nghe kể những câu chuyện cũ kĩ. Nhỏ bé vậy thôi...

Đinh Hương

                                                                                               

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI