Mẹ già lo chuyện cuối đời

21/11/2021 - 17:34

PNO - Cứ khéo léo khơi gợi để bố mẹ tỏ bày, cảm giác được chia sẻ giúp những người lớn tuổi thấy mình được con cái yêu thương, quan tâm chu đáo.

Hôm rồi, mẹ gọi điện kể chuyện vừa đi dự đám tang của một bà bạn già về. Mẹ kể, bà bạn của mẹ mới hơn 70 tuổi, gần đây vẫn tỉnh táo, sức khoẻ ổn định, thế mà bỗng dưng không ăn được vài hôm rồi nhẹ nhàng ra đi, khiến ai cũng bất ngờ.

Tôi nghe giọng mẹ có phần lo lắng, nhưng có lẽ phần quan trọng mà mẹ có ý muốn nói nằm ở đoạn sau câu chuyện.

Mẹ bảo, con của bà bạn ấy mua cho mẹ mình mảnh đất trong một khu nghĩa trang đẹp gần nhà để địa táng chứ không hoả táng.

Rồi mẹ nói, vùng mẹ ở đất đai khá rẻ, họ chăm chút cho nghĩa trang rất cẩn thận, trồng nhiều cây xanh và hoa lá nên trông ấm áp, gần gũi như một khu vườn chứ không lạnh lùng, đáng sợ như thường thấy ở các khu nghĩa trang.

Quan trọng là thủ tục ở đó đơn giản, đất nghĩa trang thuộc chính phủ quản lý nên không sợ bị di dời. Mẹ muốn bố mẹ có nơi nằm lại để con cháu ở xa về có thể viếng thay vì hoả táng sau khi bố mẹ mất rồi gửi tro cốt vào chùa hay thả ra biển như ý định trước đó.

Trẻ cậy cha, già cậy con (ảnh minh họa)
Trẻ cậy cha, già cậy con (ảnh minh họa)

Tôi không chặn lời mẹ như mọi khi. Thực ra, điều mẹ muốn cũng là dự định của chị em tôi bấy lâu, chỉ là chưa nói ra vì không muốn chạm vào chủ đề tối kỵ này vì không muốn bố mẹ chạnh lòng.

Ở cái tuổi gần đất xa trời này, bất kỳ câu nói xa gần nào nếu không ý nhị cũng dễ khiến họ tủi thân, lo sợ. Nhưng lần này mẹ lại chủ động nói trước, mẹ nói một mạch như trút hết những điều mẹ đã canh cánh bấy lâu. Tôi nghĩ mẹ cũng đã sẵn sàng đón nhận bất kỳ biến cố nào xảy đến với mình.

Chị bạn thân kể, vợ chồng chị cũng vừa thở phào sau khi mua sẵn hai lô đất trong một khu nghĩa trang tư nhân để lo hậu sự cho bố mẹ chồng.

Chị kể, dù vị trí hai lô đất không đẹp, giá cao, giấy tờ rườm rà cũng như không biết tình hình quy hoạch đất đai ở đó những năm tới thế nào, nhưng thấy bố mẹ hài lòng, anh chị rất vui.

Gia đình chồng chị hồi nhỏ rất nghèo, bố mẹ cố gắng lắm mới nuôi được bầy con khôn lớn. Nhà gần chục người con có mỗi chồng chị được ăn học thành tài nên anh chị muốn báo hiếu bố mẹ.

Trong những câu chuyện thường ngày, bố mẹ chồng chị vẫn nửa đùa nửa thật rằng ông bà sợ sau này khi mất sẽ bị hỏa táng, sợ nóng, sợ đau. Do không muốn con cái tốn kém, sợ quy hoạch đất đai không ổn định, có mua đất chôn được một thời gian rồi bị bốc mộ, di dời lại phiền con cháu nên ông bà không dám đòi hỏi.

Thương bố mẹ cả đời vất vả vì con nên khi điều kiện cho phép, anh chị nghĩ ngay đến việc làm bố mẹ vui khi an tâm về nơi mình sẽ an nghỉ lúc cuối đời. Đưa bố mẹ đi mua đất cùng để ông bà chọn theo ý mình, chị cảm nhận được niềm vui thấy rõ của họ.

Được con cái gần gũi quan tâm, chăm sóc là niềm vui lúc xế chiều (ảnh minh họa)
Được con cái gần gũi quan tâm, chăm sóc là niềm vui lúc xế chiều (ảnh minh họa)

Nhiều người có tâm lý né, kỵ nói đến chuyện chết chóc, nhất là khi có mặt những người lớn tuổi, sợ điềm dữ, sợ linh ứng. Tuy nhiên, ở tuổi này, nếu nhà có người lớn tuổi, thiết nghĩ cũng nên nói ra thay vì né tránh, để hiểu mong muốn của bố mẹ lúc cuối đời mà thu xếp để làm họ hài lòng. 

Việc né tránh, vòng vo không chỉ không giải toả được nỗi lo sợ mà có khi còn khiến tâm lý nặng nề. Chi bằng cứ khéo léo khơi gợi để ông bà tỏ bày, cảm giác được chia sẻ giúp những người lớn tuổi thấy mình được con cái yêu thương, quan tâm chu đáo. Chưa kể sự an tâm về hậu sự sẽ giúp người già sống khoẻ, sống vui. Biết đâu nhờ vậy cái chết sẽ không còn là nỗi ám ảnh đáng sợ.

Hoài Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI