Mới sáng sớm, tiếng chuông điện thoại đã dồn dập. Đầu dây bên kia, giọng bố tôi tức giận: “Hai đứa mau giải quyết chuyện của mẹ, bố không chịu nổi. Người đâu mà ai nói gì tin đó!”.
Sau cuộc nói chuyện đầy căng thẳng của bố, em gái tiếp tục gọi điện, vừa nói vừa khóc: “Bố vừa la em vì mua điện thoại cho mẹ, giờ bắt em về gấp giải quyết hậu quả”.
Tôi thở dài ngao ngán, từ khi dịch bệnh bùng phát, không biết bao nhiêu lần bố gọi điện thoại cho chị em tôi kiểu như vậy.
Nhà tôi có hai chị em gái, đều lấy chồng xa, bố mẹ già sống thui thủi ở quê. Khi chưa có dịch bệnh, thỉnh thoảng một hai tháng, chúng tôi luân phiên nhau về thăm để ông bà đỡ buồn.
|
Chúng tôi mua điện thoại tặng mẹ để liên lạc với con cháu trong thời gian dịch bệnh. Ảnh minh họa |
Hơn hai năm nay, do tình hình dịch bệnh phức tạp, đi lại khó khăn nên chị em tôi không về được. Sợ bố mẹ buồn vì không thấy mặt con cháu, em gái tôi mua một cái điện thoại thông minh gửi về để mẹ gọi videocall trò chuyện hàng ngày.
Từ ngày có điện thoại, hầu như ngày nào chúng tôi cũng gọi hỏi thăm, bố mẹ vui lắm. Ban đầu sử dụng chưa thành thạo, mẹ còn bỡ ngỡ, về sau mẹ lập cả Facebook để cập nhật tình hình ở quê. Một thời gian, bố bắt đầu than thở khi mẹ “cả ngày cắm mặt vào máy” mà bỏ bê công việc hoặc không đi tập thể dục, đêm không chịu ngủ sớm vì lướt Facebook.
Tôi cứ nghĩ người nào lúc đầu mới sử dụng điện thoại chẳng thế, về sau sẽ tiết chế lại. Nhưng không, càng ngày rắc rối nảy sinh càng nhiều từ việc sử dụng mạng xã hội, chủ yếu do mẹ quá cả tin.
Đợt dịch bệnh đầu tiên, lợi dụng tình hình khan hiếm khẩu trang và nhu cầu mua tăng đột biến, nhiều trang mạng tung ra chiêu trò lừa đảo. Mẹ tôi đặt mua bốn hộp khẩu trang kháng khuẩn với giá hai triệu đồng khi xem quảng cáo có khả năng phòng bệnh cao.
Mẹ nhận được hàng, chỉ là một mớ khẩu trang vải với giá năm nghìn một cái, bán nhiều ngoài chợ. Lần đó, bố chỉ nhắc nhở nhẹ, còn chúng tôi phì cười vì mẹ cả tin. Mẹ cũng tiếc tiền vì cú lừa đi tong nửa tháng lương hưu. Tôi dặn mẹ, muốn mua gì trên mạng thì để tôi đặt, chứ đừng tự ý.
Đến đợt dịch bệnh thứ ba, mẹ lại nghe quảng cáo về máy lọc không khí có khả năng diệt vi rút "Cô Vy". Mặc dù ở nhà đã có sẵn một cái nhưng mẹ muốn mua thêm cái nữa. Hôm đó, mẹ gọi nhưng tôi đang bận họp, chưa kịp nghe máy.
Thế là, mẹ đặt hàng ngay, do bên tư vấn khách hàng nói đặt ngay mới nhận được ưu đãi. Mẹ đã bỏ ra 17 triệu đồng để mua cái máy lọc không khí thông thường với giá cao gần gấp ba lần.
Bố bắt mẹ phải trả hàng để lấy tiền lại, mẹ không đồng ý vì bên bán gây khó khăn, trả lại sẽ mất tiền. Lần đó, sau nhiều cuộc điện thoại dàn xếp, bố bớt căng thẳng vì mẹ hứa sẽ không mua thứ gì qua mạng nữa.
Đợt dịch tiếp theo, quê tôi kiểm soát dịch tương đối ổn nên việc tiêm vắc xin chưa triển khai rộng rãi. Đối tượng ở độ tuổi như bố mẹ, chính quyền mới tiếp nhận đăng ký, chứ chưa thể tổ chức tiêm.
Mẹ sốt ruột vì cả hai ông bà đều có nhiều bệnh nền. Mẹ than thở với bạn bè trên Facebook và được giới thiệu với một nhóm người, họ mời gọi tiêm vắc xin theo dịch vụ.
Muốn được tiêm, bố mẹ tôi chỉ cần đăng ký tên và đóng trước một khoản phí. Người ta cam kết vắc xin đảm bảo nguồn gốc, theo kiểu đăng ký tiêm cho đối tượng ưu tiên nhưng nhường lại suất tiêm hoặc cho “ké” theo vào.
|
Mẹ liên tiếp bị lừa khi mua sản phẩm chống dịch qua mạng khiến bố nổi giận. Ảnh minh họa |
Mẹ tin lời, không ngần ngại chuyển khoản 3 triệu để đặt hai suất tiêm vắc xin. Khi bố biết chuyện đã phân tích đây là chiêu lừa đảo, làm gì có chuyện đánh tráo người để hưởng suất tiêm của đối tượng ưu tiên trong khi quy trình tiêm chủng rất chặt chẽ.
Bố mẹ cãi nhau dữ dội, mẹ khẳng định mình không sai còn bố bực với bà vợ cả tin. Đó là lý do bố gấp gáp gọi điện thoại cho tôi sáng nay. Mới nghe qua, tôi đã biết mẹ bị lừa. Tôi chẳng cần giải thích nhiều, nhắc mẹ gọi điện thử cho người môi giới, tới lúc nào thì họ đã khoá máy, không thể liên lạc được. Mẹ buồn rầu khi biết mất trắng khoản tiền đã đóng.
Tôi vẫn luôn nhắc mẹ trước dịch bệnh cần bình tĩnh, cứ tuân thủ nguyên tắc 5K, đừng tin vào những lời quảng cáo bát nháo trên mạng. Khác với những lần trước, lần này, bố kiên quyết “tịch thu” điện thoại, chỉ cho mẹ dùng khi gọi điện cho con cháu. Mẹ yếu ớt phản đối, nói rằng bố cực đoan nhưng cũng đành "giao nộp" chiếc điện thoại...
Ngọc Linh