Mẹ già đã có... xờ-mát-phôn

28/09/2021 - 06:00

PNO - Họp gia đình online, chị Hai quyết phải mua cho mẹ cái điện thoại thông minh, bày mẹ cách dùng Zalo để ba mẹ thấy mặt con cháu...

Ba mẹ sinh năm đứa con gái. Các con lấy chồng xa có, gần có nhưng may mắn là không ai quá xa.

Ngày thường, cứ hết con Hai về thăm, vài bữa lại tới con Ba, con Tư, con Năm… Mấy đứa cháu cũng hiếu thảo, hễ có việc đi đâu gần là tạt về “vấn an” ông bà ngoại, dúi tặng bịch sữa, cân đường, ký thịt, khi dăm bảy chục ngàn đồng “đặng ngoại uống cà phê”. 

Các con lần nào về chào hỏi xong cũng lẳng lặng nhìn ngửa nhìn ngang: thạp gạo đầy hay lưng; tủ lạnh còn gì ăn không, gas nấu bếp còn hay hết. Thấy hụt thứ gì, chúng tự động đi mua bỏ vào mặc cho mẹ la: “Về chơi được rồi!”.

Được sao mà được, ba mẹ đã khổ một đời tay bùn chân lấm nuôi mấy chị em nên người, tài sản chắt bóp một đời cũng rút ruột nuôi con ăn học hết, thành ra nhà cửa trống trơn.

“Nông dân chớ có làm nhà nước đâu mà được lương hưu”, có lần mẹ nói. Cô Ba hàng xóm phản đối: “Có lương hưu chớ sao không”. Mẹ ngạc nhiên: “Trời, cô Ba nói như thiệt, ai trả lương cho tui?”, “Thì mấy đứa con chị nó trả chớ ai”, cô Ba cười giòn tan. 

Mẹ chợt hiểu, bật cười theo. Nói như cô thì mẹ cũng giàu lắm. Tài sản còn tới năm… cục vàng” lận.

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

Con cháu về suốt nên ba mẹ không buồn. Ấy là lúc bình yên, chớ từ ngày “giặc COVID” kéo tới, giãn cách xã hội hết Chỉ thị 15 tới Chỉ thị 16, chốt chặn dựng khắp nơi. Con cháu nơi nào ở yên nơi ấy. Nhà còn hai ông bà già sáng vào chiều ra. Ăn uống thì không phải lo. Đều đặn con cái đặt hàng online yêu cầu ship tới tận nhà cho ba mẹ. Gạo, mắm, cá, thịt, rau, quả có đủ, vậy nhưng ông bà vẫn… buồn.

Già rồi, ăn uống có bao nhiêu. Mong con cháu đi về là để thấy mặt, chuyện trò với các “núm ruột”. Thấy chúng khỏe mạnh, bình yên, phấn chấn, tự nhiên người già cũng… phấn chấn theo, ăn cơm ngon hơn, ngủ giấc sâu hơn, bớt u ám trở trăn nhức mỏi mỗi khi trái gió trở trời.

Vài bữa không thấy con cháu về là lo: Không biết con X con Y nhà có chuyện gì? Đấy là mới nói vài bữa, chớ chưa tính tới “thảm cảnh” biền biệt mấy tháng dài như trong mùa dịch.

Đúng ra, để liên lạc với con cháu mùa dịch, mẹ vẫn có cái điện thoại “cùi bắp” con gái mua cho. Ngày nào mẹ cũng lôi điện thoại ra gọi. Nghe tiếng con cho đỡ nhớ thôi, chớ sao thấy được mặt mày. Ba thì lẩm cẩm hơn mẹ, điện thoại “cùi bắp” cũng không biết xài. Bữa rồi mẹ gọi điện than: “Ba mày lâu không thấy mặt tụi bay ổng buồn, đổ bệnh rồi”.

Chị Hai đề nghị họp gia đình online, và quyết: “Phải mua cho mẹ cái điện thoại thông minh, bày mẹ cách dùng Zalo để gọi nói chuyện, đặng thấy được mặt con cháu!”.

Em Út nhảy dựng: “Trời, mẹ già lẩm cẩm, sao xài được xờ mát phôn?”.  “Yên tâm, hồi trước bày cho mẹ xài điện thoại cùi bắp, mẹ học rẹt rẹt ba mươi giây mà. Giờ nhớ con cháu, quyết tâm thấy mặt con cháu thì sẽ học được dùng điện thoại xịn…”.

Nói là làm, hôm sau em Út đặt hàng online một cái điện thoại xịn. Thằng Tí - con út của chị Hai - được lệnh cầm máy vượt chốt mang “nhu yếu phẩm” về cho ông bà ngoại.

“Đâu, nhu yếu phẩm gì đâu?” - anh dân phòng gác chốt hỏi. Thằng nhỏ giơ ra cái điện thoại. “Ông bà ngoại em già cả neo đơn, giờ dịch giã vầy, có chuyện xảy ra không điện thoại biết lấy gì gọi cho con cháu?”. Anh dân phòng ngẫm nghĩ rồi đồng ý mở chốt. Tí ôm điện thoại chạy về ông bà ngoại. Mẹ đã giao “sứ mệnh” về bày cho ngoại cách dùng điện thoại, cách sử dụng Zalo hình ảnh để nói chuyện với con cháu…

Thằng Tí về chơi, “làm thầy” non buổi, mẹ đã có thể tự gọi cuộc gọi video đầu tiên cho con gái. Thấy mặt con trên màn hình sau hai tháng cách xa, mẹ cười mà mắt giàn giụa. Thằng Tí lêu lêu: “Coi kìa, bà ngoại mít ướt...”. 

Nguyễn Văn Danh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI