Mẹ già, ba con mèo và bốn con chó...

04/05/2018 - 09:00

PNO - Tôi an ủi bà, rằng bà còn có con trai, có nhà để ở vậy là tốt rồi. Bao người già vẫn còn mưu sinh ngoài đường để nuôi con cháu đấy.

Sáng sớm, tôi đang tưới cây và ngắm những cánh hồng tỷ muội, mười giờ… thi nhau khoe sắc thì bỗng tiếng đập cửa bên nhà hàng xóm làm tôi giật mình. Ngó lên, cửa rào khóa im ỉm. À… chị hàng xóm có chào tôi đi du lịch hôm qua đây mà. 

Me gia, ba con meo va bon con cho...
Ảnh minh họa

Vậy ai ở trong nhà mà đập cửa? Tiếng oành… oành… cứ liên tục vang lên, tôi bèn áp mặt vào lưới rào nhìn qua. Trời ơi… một cụ bà tóc trắng xõa rũ rượi. Bộ đồ thun hoa cà bà mặc bị bung cả cúc áo, phơi ra bầu ngực teo tóp thảm thương. Bà đang xô cánh cửa cho nó va vào cánh kia vang lên tiếng “oành” rồi bà lại mở ra, xô tiếp.

Từ nào tới giờ chị hàng xóm chưa hề nói với tôi là có người già trong nhà. Mẹ chồng chăng? Mẹ ruột? Mọi giả thiết đều vô lý bởi nhà chị giàu có thế kia, vợ chồng đều làm việc ở công ty lớn. Nếu là họ hàng, phải có người giúp việc chăm sóc chứ.

Tiếng oành… oành… cánh cửa va vào nhau kèm tràng cười sằng sặc của bà cụ làm tôi… nổi da gà. Tôi gọi “bà ơi” mấy lần nhưng không nghe tiếng bà đáp lại. Rồi bà bị kẹt ngón tay vào cửa, ngồi thụp xuống, máu chảy ướt cả nền gạch bông mới tinh. Bây giờ, bà không cười nữa mà khóc rống lên. Tôi sợ bà ngất vì máu chảy khá nhiều nên vào nhà gọi thằng con bắc thang qua rào xem bà cụ thế nào.

Me gia, ba con meo va bon con cho...
Ảnh minh họa

 Cu cậu làu bàu “nhà người ta có cổng rào, có camera, coi chừng mẹ tình ngày lý gian là chết”. Nhưng rồi con cũng bắc thang qua và dìu được bà tới hàng rào để tôi xem vết thương. Một ngón tay bị giập và bà không ngừng khóc lóc. Tôi dùng bông băng và thuốc sát trùng băng lại. Đã tính tới việc “bắt cóc” bà qua đường hàng rào để đưa lên trạm y tế phường thì bỗng dưng điện thoại tôi reo:

- A lô, chị Trang hả? Chị làm gì má tôi vậy? Bà đang chơi với cánh cửa vui quá, mà thằng con chị lôi má tôi đi đâu vậy?

Thằng con tôi nói không sai, nhà người ta có camera nên xa hàng trăm cây số vẫn thấy được.

- Ôi chị Thúy… bà cụ bị cửa giập ngón tay, chảy máu nhiều quá. Xin phép chị cho tôi đưa bà ra trạm y tế nhé?

Tôi trả lời mà uất nghẹn vì sự bất nhẫn của họ. Sao con cái lại có thể vui vẻ đi chơi và để mẹ già ở nhà một mình thế chứ?

- Cảm ơn chị, sẵn làm ơn thì làm ơn cho trót nhé. Thức ăn, bánh trái sữa của bà tôi để ở nhà xe, chị nói con chị đem về luôn, rồi chị chăm mẹ tôi giùm nha, chiều tối nay tụi tôi về tới… 

Tôi bảo con dìu bà lên thang qua rào. Bên này, tôi lấy ghế đón bà xuống. Thằng con làm những gì tôi bảo nhưng làu bàu “đã nói mẹ rồi, nhà người ta có camera quản lý từ xa. Họ về mà mất cái gì là mẹ con mình tiêu tùng luôn”.

Việc đầu tiên là tôi rửa tay chân cho bà, pha ly sữa ấm đút cho bà uống. Bà nhìn tôi không nói câu nào nhưng uống hết ly sữa. Tôi bảo khẽ “bà theo con ra trạm y tế phường nhé, để cái ngón tay làm độc”.

Bà cười ré lên một tràng, rồi khóc thút thít: “Làm độc hả? Cụt ngón tay chứ gì mà dữ vậy? Cụt cho thằng cu Đen nó sáng mắt ra… Cái tay này từng buôn gánh bán bưng nuôi nó mà giờ nó bỏ tao vậy đó”.

Thì ra “cu Đen” là tên gọi ngày còn bé của ông hàng xóm nhà tôi.

Cuối cùng, bà cũng chịu lên xe ra trạm xá. Sau khi băng bó ngón tay đàng hoàng, bà còn được vô nước biển. Tôi bảo bà nằm lại nghỉ, chừng một giờ sau tôi ra đón thì bà rơi nước mắt, hỏi rằng có thể ngồi lại trò chuyện với bà không.

Thì ra bà ở quê, mới được vợ chồng chị Thúy đón lên được ba tuần nay. Bà đã tám mươi ba tuổi, có bốn đứa con, chồng chị Thúy là trai út.

Trái với giọng cười sằng sặc buổi sáng, giờ bà nói năng minh mẫn lạ thường: thằng cu Đen nói lên ở cho có mẹ có con nhưng nó đi làm suốt ngày. Bà ở nhà với cái ti vi và ba con mèo, bốn con chó. Chờ con về nói một câu thì nó về lúc bà đi ngủ rồi. Hai hôm nay nó đi du lịch, chó mèo còn đem gửi dịch vụ nuôi thú cưng, bà thì nó để mớ thịt nguội, bánh trái là xong.

Bà nói chuyện, những giọt nước mắt cứ rịn chảy đến đau lòng.

Tôi an ủi bà, rằng bà còn có con trai, có nhà để ở vậy là tốt rồi. Bao người già vẫn còn mưu sinh ngoài đường để nuôi con cháu đấy. 

 “Bà có định mai mốt về quê lại không?”. “Còn gì nữa mà về, cả cái nhà thờ tụi nó cũng bán chia nhau luôn rồi”.

Tôi chỉ biết nắm tay bà, bàn tay gầy trơ xương vì đã quá lam lũ. Mi mắt bà khép chặt, giấc ngủ nhọc nhằn vừa đến với chút gió hiu hiu ngoài cửa sổ. 

Thùy Trang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI