Mẹ F0 chăm sóc bé sơ sinh sao cho an toàn?

09/10/2021 - 06:34

PNO - Lo lắng mẹ là F0 có thể lây COVID-19 cho trẻ sơ sinh nên rất nhiều bà mẹ và gia đình nghĩ đến chuyện cách ly bé khỏi mẹ. Liệu có cách nào giúp mẹ dù nhiễm bệnh vẫn chăm sóc bé an toàn? Chúng tôi đã trao đổi với bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Từ Anh, Trưởng khoa Sơ sinh Bệnh viện Từ Dũ, nhằm giải tỏa những lo âu này.

 

Một ca vượt cạn mùa dịch tại Bệnh viện Từ Dũ - Ảnh: Bác sĩ cung cấp
Một ca "vượt cạn" mùa dịch tại Bệnh viện Từ Dũ - Ảnh: Bác sĩ cung cấp

*Phóng viên: Thưa bác sĩ, hiện nay, sản phụ là F0, sau khi sinh có cần phải cách ly khỏi con mình hay không? 

-Bác sĩ Nguyễn Thị Từ Anh: Sẽ có hai tình huống xảy ra. Tình huống thứ nhất, mẹ bị nhiễm virus SARS-CoV-2 trong khi mang thai và sinh con tại bệnh viện. Tình huống thứ hai, sản phụ đã sinh con và xuất viện về nhà, bị lây nhiễm virus tại nhà. Trước đây, chúng ta sẽ cách ly em bé khỏi mẹ ngay sau khi sinh nếu mẹ là F0. Tuy nhiên, từ ngày 18/8, Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn, thay đổi điều này. Cả hai tình huống trên, nếu mẹ là F0 nhưng không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ thì không cần tách bé khỏi mẹ. 

Không chỉ riêng Việt Nam mà điều này cũng phù hợp với khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Ở các nước như Canada, Anh, Nhật cũng không tách em bé khỏi mẹ sau khi chào đời nữa. Tại Bệnh viện Từ Dũ, với những sản phụ là F0 nhưng nhẹ hoặc không có triệu chứng, chúng tôi vẫn cho bé da kề da với mẹ, hướng dẫn mẹ những nguyên tắc để đảm bảo an toàn cho con. Tới thời điểm này, chúng tôi chưa ghi nhận trường hợp nào vì được mẹ chăm sóc mà bé bị lây COVID-19 cả.

* Vậy người mẹ cần thực hiện những gì để tránh lây nhiễm bệnh cho bé, thưa bác sĩ?

- Trước tiên, ta phải hiểu có những đường lây nào từ mẹ sang con khi mẹ là F0. Thứ nhất, là đường lây khi bé còn trong bụng mẹ (thông qua máu, bánh nhau), hoặc lây khi chuyển dạ do bé tiếp xúc với dịch tiết đường âm đạo. Tỷ lệ lây virus SARS-CoV-2 từ mẹ qua bé theo đường trên rất thấp, dao động từ 3 - 8%. Các nghiên cứu và ghi nhận cho thấy, bé bị lây nhiều nhất là do tiếp xúc sau khi sinh, thông qua dịch tiết lúc mẹ hắt hơi, ho, hôn con và qua đường không khí bởi phòng chưa đủ điều kiện thông thoáng. 

Như vậy, để đảm bảo an toàn cho bé, người mẹ phải đeo khẩu trang đúng cách (không kéo trễ khẩu trang xuống khỏi mũi) và mang kính chắn giọt bắn trong suốt quá trình chăm sóc con. Tất cả các bề mặt như điện thoại, mặt bàn đều phải thường xuyên được sát khuẩn. Nếu mẹ cho bé bú trực tiếp thì trước khi cho con bú cần vệ sinh bầu vú sạch sẽ.

Trong trường hợp vắt sữa ra bình, trữ sữa trong túi sữa, mẹ cần lấy giấy thấm cồn lau sạch bên ngoài túi và bình sữa. Tất cả các dụng cụ lấy, trữ sữa cần được tiệt trùng bằng nồi hấp. Trong phòng có hai mẹ con, tốt nhất nôi của em bé đặt cách xa giường mẹ hai mét. Phòng phải có cửa sổ thông thoáng, mở cửa sổ và đặt một chiếc quạt gần cửa sổ để tạo sự đối lưu không khí, giảm bớt mật độ virus. Trước khi bế ẵm, đụng vào con, người mẹ cần rửa tay bằng xà bông sạch sẽ.

* Có phải dù mẹ là F0 nhưng vẫn nên cố gắng để mẹ chăm sóc bé và cho bé bú mẹ?

- Tại bệnh viện, nếu tách rời khỏi mẹ, em bé sẽ phải nằm ở đơn vị chăm sóc tập trung, nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện cũng cao hơn. Điều kiện chăm sóc tại đơn vị này dù tốt tới đâu cũng không thể bằng mẹ bé tự chăm con mình được.

Hơn thế nữa, tách khỏi mẹ, bé sẽ không được bú mẹ. Trong sữa mẹ có kháng thể phòng bệnh, lợi khuẩn, nhờ thế tăng sức miễn dịch cho em bé. Không được bú mẹ là điều rất thiệt thòi. Chăm sóc da kề da và bú sữa mẹ được chứng minh là giảm tỷ lệ hạ thân nhiệt, hạ đường máu, suy hô hấp, nhiễm trùng sơ sinh, giảm sang chấn tâm lý, tử vong, bệnh tật cho mẹ và trẻ. Đồng thời, cũng chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy việc cách ly mẹ con làm giảm nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 cho trẻ sơ sinh.

* Xin cảm ơn bác sĩ! 

Các dấu hiệu nhận biết bé bị lây nhiễm SARS-CoV-2 từ mẹ

Nếu bé sinh ra từ mẹ F0 thì sẽ được làm xét nghiệm PCR trong 24 giờ đầu tiên. Kết quả lần thứ nhất âm tính thì khi bé được 48 giờ sau sinh sẽ làm xét nghiệm PCR thêm lần nữa, vẫn âm tính thì lúc bé được 7 - 14 ngày tuổi sẽ làm thêm xét nghiệm lần thứ ba. 

Sau đây là những triệu chứng nhận biết bé có thể bị lây COVID-19 để gia đình theo dõi khi ở nhà: bú ít, ọc ói, bụng chướng, phân có máu, thở khó, ngủ nhiều (trẻ sơ sinh thường ngủ nhiều nhưng cách 3 - 4 tiếng lại thức dậy đòi bú, tuy nhiên bé li bì không dậy bú thì chính là dấu hiệu bất thường), sốt, ho, sổ mũi. Thấy bé có các biểu hiện nói trên, gia đình hãy đưa trẻ tới một trong ba bệnh viện nhi của TPHCM là Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2 và Nhi Đồng Thành phố để được thăm khám, chẩn đoán và can thiệp kịp thời.

Bác sĩ Nguyễn Thị Từ Anh

 

 Thanh Huyền (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI