'Mẹ ép con quá coi chừng hối hận đó'

14/01/2018 - 11:59

PNO - Tôi nói gì con cũng nói lại ngay lập tức. Tôi điên tiết quát mắng thì con lại nước mắt ngắn dài, thiệt khổ. Nhìn nhà người ta mẹ con ấm êm với nhau mà ham.

Tôi là mẹ đơn thân, có con gái 12 tuổi. Ngày trước hai mẹ con rất vui vẻ, đi đâu cũng chở nhau. Nhưng khoảng ba tuần gần đây, con không như thế nữa. Cháu ở lỳ một mình trong phòng. Làm gì cũng khước từ mẹ. Lạ hơn là hai mẹ con thường xuyên hục hặc, cãi nhau chí chóe.

Tôi nói gì con cũng nói lại ngay lập tức. Tôi điên tiết quát mắng thì con lại nước mắt ngắn dài, thiệt khổ. Nhìn nhà người ta mẹ con ấm êm với nhau mà ham. Tôi nghĩ chắc số phận như thế rồi, không dạy con được.

'Me ep con qua coi chung hoi han do'
Ảnh minh họa

Tuần tới công ty tôi tổ chức tiệc cuối năm, tận Vũng Tàu. Tôi nói thế nào con cũng không chịu đi chơi cùng mẹ. Để con ở lại nhà trọ một mình thì tôi không an tâm, vì cửa nẻo lỏng lẻo quá. Tôi bắt con phải đi, cháu nói lại “mẹ ép quá coi chừng hối hận đó”, khiến tôi chưng hửng. Tôi phải làm sao thưa chuyên gia?

Võ Thị L. (TP.HCM)

Chị Võ Thị L. thân mến, 

Rất chia sẻ với tâm trạng buồn, lo của chị về mối quan hệ giữa mẹ và con gái. Con gái chị đang tuổi dậy thì nên có nhiều biến đổi cả về tâm lý và sinh lý. Nhiều lúc chính trẻ cũng không hiểu nổi mình, hoài nghi, hối hận với chứng ngang ngược của mình nữa. Tuổi này các cháu rất cần người lớn cảm thông, lùi lại, để cháu từ từ thích ứng với sự thay đổi của bản thân.

Phản ứng của con trẻ ở giai đoạn này thường là cách biệt cha mẹ, gần gũi bạn bè hơn, cảm xúc bất ổn, sáng nắng chiều mưa, dễ vui dễ buồn dễ giận... Nhiều cha mẹ than phiền thấy con tự nhiên không muốn đi chơi cùng gia đình, không muốn cha mẹ chọn mua quần áo cho, không còn ríu rít trò chuyện tâm tình như trước, hay cáu gắt với mọi người trong nhà, dễ gây gổ với bạn bè…

Đây là những biểu hiện bình thường của tuổi teen. Giai đoạn phát triển này người lớn hay gọi là giai đoạn nổi loạn, khủng hoảng… Nhưng thực sự người khủng hoảng lại chính là người lớn, do không theo kịp, không hiểu nổi sự thay đổi của con nên không biết nên ứng xử với trẻ như thế nào để tránh xung đột.

Theo thời gian, khi cơ thể trẻ phát triển cân bằng, cảm xúc dần ổn định các cháu sẽ dần dần bình ổn hơn trong mối quan hệ với cha mẹ và mọi người xung quanh. Để trưởng thành, trẻ cần có sự chín chắn trong nhận thức, điều hòa cảm xúc, cẩn trọng trong hành vi để hoàn thiện mình. Đây là giai đoạn cần thiết để trẻ lớn khôn. Cha mẹ cần thấu hiểu, thông cảm và giúp đỡ đúng cách. 

Bên cạnh lý do về tâm lý lứa tuổi, chị cũng nên quan tâm đến các mối quan hệ khác xem con có gặp vướng mắc gì không. Có thể một xung đột ở trường học với bạn bè, thầy cô, đặc biệt là mối quan hệ với bạn khác giới… sẽ khiến cháu căng thẳng, buồn bực. Những tâm trạng không tốt ở trường có thể ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ mẹ con. Qua thầy cô, bạn bè chị sẽ hiểu thêm về con gái và giúp cháu đúng lúc. 

Ngoài ra, mối quan hệ giữa chị và cháu có thể liên quan đến cuộc hôn nhân của chị, mối quan hệ giữa cháu và cha. Chị đơn thân nuôi con trong hoàn cảnh như thế nào? Khi còn bé cháu không để ý, chưa suy nghĩ nhiều về chuyện này, nhưng nay đã lớn, đến giai đoạn thích - yêu một ai đó nên cháu sẽ quan tâm đến chuyện tình cảm của bố và mẹ.

Nếu có thể chị nên chủ động tâm sự để con thêm hiểu về tình yêu, hôn nhân. Khi được chia sẻ cháu sẽ đồng cảm cùng chị, học được bài học từ mẹ và vững vàng hơn trong các mối quan hệ tình cảm của riêng cháu.

Chị nên kiên nhẫn quan sát, lắng nghe con xem nguyên nhân từ đâu khiến cháu thay đổi. Chỉ khi chị chấp nhận con, bớt khắt khe mong đợi con làm theo ý mình, cháu sẽ dần hợp tác với mẹ. 

Chuyện đi Vũng Tàu chị nên hỏi nhẹ nhàng lý do con không muốn đi. Nếu cháu thực sự không thích chị có thể hỏi con về giải pháp khi mẹ đi xa, con có thể về nhà người thân quen, bạn bè ở tạm được không để an toàn hơn là ở phòng trọ một mình.

Chị nên bàn bạc với con như hai người bạn để cháu được nói lên mong muốn của mình, từ đó hai mẹ con cùng thống nhất phương án nào tốt nhất, thoải mái nhất cho cả hai. Tuổi này các cháu không muốn bị áp đặt, bắt ép. Cha mẹ cần tôn trọng con mới có thể hạn chế xung đột. 

Để con dậy thì thành công rất cần cha mẹ đồng hành với tình yêu thương và sự bao dung.

 Chuyên viên tham vấn tâm lý Phạm Thị Thúy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI