Mẹ ép chị em chúng tôi phải trả nợ thua độ banh bóng cho cậu em trai

10/05/2022 - 17:00

PNO - Sự cương quyết không chỉ tránh được tai họa cho các chị, mà còn góp phần giáo dục cậu em và thay đổi tư duy của mẹ các chị.

Chị Hạnh Dung thân mến,

Nhà tôi có ba chị em, hai chị em gái và cậu Út. Nghe nói lúc sanh hai chị em tôi, mẹ tôi rất thất vọng. Dù nhà không khá giả gì, nhưng bà đã cố hết sức sinh lần nữa. May là bà sinh được cậu Út, chứ không thì không biết giờ đây trong nhà có bao nhiêu con.

Vì đó là con cầu con khẩn và là con trai, nên ba mẹ tôi vô cùng cưng quý cậu. Cậu làm gì cũng được ca ngợi, được bỏ qua. Chứ chị em gái tôi luôn bị ba mẹ coi thường, làm lơ khi có thành tích học tập tốt, hay làm gì đó giỏi giang.

Vì sự nuông chiều của ba mẹ nên lớn lên em trai chúng tôi rất ỷ lại. Nó thông minh, nhanh nhẹn, nhưng lười biếng, chỉ thích làm những công việc không tốn sức lực, chỉ tốn nước miếng cũng ra tiền. Nó đi làm đâu cũng gây chuyện rồi bị đuổi vì trốn việc, vì gian lận, vì lừa gạt, hay tự nó bỏ vì chán, vì ngại vất vả....

Nhưng nó chẳng bao giờ lo sợ, vì cứ hễ bị đuổi việc thì nó về nhà nằm dài, than thở là bị chèn ép, bị đối xử bất công. Thế là ba mẹ tôi lại bênh vực nó, thậm chí tới cãi cọ với người quen là người đã xin cho nó đi làm.

Cả họ đều ngán ngẩm nó và so sánh nó ngược lại với hai chị em gái chúng tôi. Vì hai chị em gái chúng tôi đều học hành tới nơi tới chốn, có công ăn vệc làm và lo được cho ba mẹ.

Thế nhưng bây giờ, khi mẹ bắt đầu hết sức lo cho Út thì mẹ bắt chị em chúng tôi phải lo. Suốt ngày mẹ xin tiền của chúng tôi cho nó. Vì cũng chỉ vài ba triệu một tháng nên chị em tôi đành bỏ qua, mặc kệ, miễn mẹ vui là được. Nhưng bây giờ em trai chúng tôi vừa mắc khoản nợ lớn vài trăm triệu vì cá độ bóng banh, mẹ cũng bắt chúng tôi trả, thì tôi hết chịu đựng nổi.

Nói mẹ là kệ nó đi, để nó tự lo thì mẹ khóc ầm lên, nói là giang hồ đã tới tận nhà. Nếu không trả thì chúng sẽ giết thằng Út. Rằng mấy tuần nay nó trốn chui trốn nhủi đâu đó không về nhà. Bà lo lắng không sống nổi.

Bà nói nhà cửa của bà bà sẽ cho nó hết vì tụi tôi là con gái đã có nhà chồng lo. Nên nếu tụi tôi không lo nợ cho em thì bà sẽ bán nhà để trả cho nó, tiền còn lại thì mua căn nhà nhỏ hơn...

Bà biết chúng tôi luôn lo và thương ông bà nên bà dọa dẫm chúng tôi đủ kiểu. Tiền nhỏ nhỏ thì chị em chúng tôi lo được. Nhưng nhiều quá thì phải bàn bạc với chồng. Mà cả hai ông chồng của chị em chúng tôi đều ghét thằng em rể lười biếng, một tấc tới trời, không lo làm ăn mà suốt ngày chỉ "nổ" huênh hoang đủ thứ.

Họ cũng đều là những người chí thú làm ăn, siêng năng chăm chỉ nên hai chị em gái chúng tôi mới có cửa nương nhờ. Nên tôi chắc nhiều phần là họ sẽ đều phản đối. Xưa nay họ đã nhiều lần nói cứ để cậu Út tự lo đi thì mới trưởng thành được.

Giờ mẹ thì khóc lóc, giận dỗi. Tiền thì không có. Chồng thì không đồng ý. Hai chị em chúng tôi phài làm gì đây cho yên cửa yên nhà?

Mỹ Ý

Chị Mỹ Ý thân mến,

Để xảy đến tình trạng nặng nề như hôm nay, khi món nợ ngày càng lớn và đã đến mức giang hồ tới nhà đe dọa tính mạng... có phần nào có lỗi của chính chị em gái các chị đấy chị.

Thay vì cương quyết với mẹ ngay từ đầu, từ chối giúp đỡ cậu em những khoản tiền vô lý, thì các chị lại chiều mẹ, cả nể mẹ mà đưa tiền ra giải quyết vấn đề. Để đến bây giờ, cậu Út đã quen ỷ lại, mẹ các chị cũng dựa vào tiền của các chị mà chiều con.

Nói thế, không phải để trách móc các chị, mà chính là để các chị hiểu rằng phải cương quyết, dứt khoát từ chối chuyện dung túng, bao che, lo lắng của mẹ đối với cậu con trai đã trưởng thành. Đừng bao giờ nghĩ rằng mọi việc sẽ dừng lại ở đây. Có lần này thì sẽ có lần sau, và chắc chắn là lần sau mọi việc có thể sẽ còn lớn hơn lần này.

Điều quan trọng hơn cả là sự cương quyết không chỉ tránh được tai họa cho các chị, mà còn góp phần giáo dục cậu em và thay đổi tư duy của mẹ các chị. Khi mẹ các chị thấy chuyện lo cho con trai quá dễ dàng từ đồng tiền của các cô con gái, bà sẽ tiếp tục bắt các chị lo. Em trai các chị sẽ tiếp tục ỷ lại. 

Nếu mẹ vẫn luôn tự chịu trách nhiệm về hành động của con trai và có phương án bán nhà trả nợ giùm cho cậu em, thì các chị hãy cứ để mẹ làm điều đó, nếu như điều đó thật sự không quá ảnh hưởng đến đời sống tinh thần và sức khỏe của hai người già. 

Nếu căn nhà đó có giá trị về mặt tài sản hay kỷ niệm với gia đình, các chị cũng có thể bàn bạc với chồng để mua lại của ông bà, một cách hoàn toàn hợp pháp, đàng hoàng, có giấy tờ mua bán, sang nhượng tên chính thức, để ông bà và cậu em trai có thể thoát khỏi tình huống khó khăn và nguy hiểm này.

"Dâu là con, rể là khách". Truyền thống xưa nay người già thường ngại, nể con rể. Nếu có tiếng nói của hai người con rể trong vấn đề gia đình quan trọng thế này, ông bà chắc chắn phải quan tâm, nhất là khi con rể đều là hai người mẫu mực, sống đàng hoàng, lo lắng được cho vợ con.

Hãy để hai anh phân tích cho ông bà nghe về việc nên để cậu Út phải tự chịu trách nhiệm về những hậu quả của việc mình làm.

Điều quan trọng nhất là chị nên thể hiện sự dứt khoát không bao giờ chịu trách nhiệm lo lắng cho cậu Út theo kiểu của ông bà nữa. Vì những sự giúp đỡ lần này, trong tình huống quá khó khăn, ông bà và cậu Út phải chấp nhận những mất mát, và điều đó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tương lai của họ. Bởi họ không thể bán nhà hoài cho đến lúc không còn gì để bán nữa.

Cứng rắn và cương quyết là cách giúp cậu Út và bố mẹ lâu dài, chị ạ!

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

 

Chat với Hạnh Dung
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI