Mẹ em còn mắc trên ngọn cây!

25/07/2018 - 05:30

PNO - Dưới chân cô, nước ngập. Chung quanh cô, nhà cửa đều chìm, thuyền bè có chiếc lật úp. Rồi cô, cùng đứa con xuôi theo đoàn người ướt sũng, thất thần, trơ trọi. Mất hút.

“Mẹ em còn mắc trên ngọn cây, xin hãy cứu…”, cô vừa khóc, vừa lắp bắp nói, tay địu con, tay như muốn chắp lại, cúi xuống - là một nghi thức hành xử chứ không phải là sự cầu xin. Khuôn mặt cô vẫn còn trẻ con, đen nhẻm. Tôi thấy quen lắm. Những ánh mắt lặng im như tượng, mặc cho gió mưa tơi bời thì hàng bia đá vẫn trơ trơ dưới chân núi Lingaparvata mà ngẩng nhìn thánh địa Wat Phou.

Thì ra, những khuôn mặt tôi đã gặp ở Champasak. Đập thủy điện Xepian - Xe Nam Noy nằm trên vùng cao nguyên của huyện Pak Xoong, tỉnh Champasak, khi còn trên đỉnh đập, nó tung bọt trắng xóa, vậy mà trong phút chốc vỡ ào, hung hãn rồi đổ xuống Attapeu, cả dòng nước đổi màu, vàng chạch thản nhiên nhấn chìm mọi thứ. 

Me em con mac tren ngon cay!

Những khuôn mặt ấy, hôm nay đã vỡ ra dưới chân thác nước Xepian - Xe Nam Noy, bỗng chốc cuốn trôi đi tất cả, tức tưởi, mất mát. Cô nức nở, nếu biết trước sớm thì đã lo di tản, không phải khốn khổ như thế này. Nó đổ xuống nhanh quá, không kịp xoay trở gì hết. Tay cô lại chới với, quờ quạng trong không trung, chỉ về hướng bạt ngàn ngọn cây mà cầu cứu. Dưới chân cô, nước ngập. Chung quanh cô, nhà cửa đều chìm, thuyền bè có chiếc lật úp. Rồi cô, cùng đứa con xuôi theo đoàn người ướt sũng, thất thần, trơ trọi. Mất hút. 

Cái hình ảnh ấy, về người phụ nữ Lào có khuôn mặt trẻ con ấy, cũng không biết mẹ cô có kịp rời khỏi ngọn cây mà đi tìm con gái và đứa cháu ngoại, như là một sự ám ảnh không tên giữa những công trình thủy điện có tên nào là Xayaburi, Don Sahong, Pak Beng, Nam Ngum, Nam Theum… Vẫn chỉ là những bàn tay bé nhỏ, yếu ớt chạm vào thiên nhiên, những tưởng sẽ chinh phục, biến đổi, tận dụng, khai thác và “hóa kiếp” thiên nhiên mà đâu lường thiên tai đã chực chờ từ trong ý nghĩ.

Ngay cả khi đã ký tá văn bản, thông báo đến người dân nguy cơ vỡ đập sáng 23/7 của công ty thủy điện Xepian - Xe Nam Noy thì đêm 23, đập vỡ. Công nghệ nào dự báo được sức công phá của đập thủy điện? Kỹ thuật phòng bị nào đủ sức chống đỡ sự cuồng nộ của thiên nhiên? Với 5 tỷ mét khối nước được chặn từ đập đất đá hỗn hợp Xepian cao 49m, đập đá lõi đất Xe Nam Noy cao 78m, một khi tung vỡ, dòng chảy, sức cuốn của nó đạt ở mức nhấn chìm, phá hủy như thế nào? 

Từ Attapeu qua Champasak về Pakse, bên này dãy Trường Sơn đã là quê tôi, nhớ con lụt năm 1999, Huế bị cô lập nhiều ngày. Chị họ tôi, ở vùng thượng nguồn sông Hương, thôn Bảng Lảng, Hương Hồ, chỉ kịp ôm theo đứa con gái, hai mẹ con đu mình trên sợi dây điện sống sót qua đêm. Nhà hàng xóm thì níu mấy bụi tre, thoát chết. Lũ cuốn, lụt dâng, người dân ở đâu cũng lặn hụp mà tìm đường sống, có ai còn đủ tỉnh táo mà oán thán công trình này thủy điện kia. Để khi nắng ráo vừa lên, tai ương vừa dọn lại thì những toan tính, sắp đặt cứ hồn nhiên, hăm hở mở ra…

Như giờ đây, sau cái đêm kinh hoàng 23/7, có giật mình mà lo sợ, mà ngước lên những ngọn cây để tìm thấy người còn mắc ở trên ấy, mà ngẩng đầu để biết kiêng húy trước thiên nhiên. 

Có khi cũng chẳng phải ngước đâu cho xa, ngay H.Chương Mỹ, Hà Nội, đêm 23/7, hơn 100 hộ dân Hà thành chèo ghe đi tìm của nả, gà vịt biết đâu còn sót lại dưới dòng nước. 

Nắng đã chát hơn, khát hơn. Mưa đã nhiều hơn, kéo dài hơn. Lũ lụt cũng đã hung hãn và thảm họa hơn. Lẽ nào con người lại liều lĩnh hơn, bất chấp hơn và muốn trả giá đắt hơn? 

Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI