Mẹ dùng búa đánh chết con: Bi kịch của gia đình có đứa con nghiện rượu

26/03/2023 - 14:13

PNO - Vì thiếu hiểu biết pháp luật, các mâu thuẫn trong gia đình không được hỗ trợ hòa giải, giải quyết, bà mẹ đã ra tay với chính đứa con mình rứt ruột sinh ra.

Hình ảnh người mẹ diễn lại cảnh sát hại chính đứa con của mình.
Hình ảnh người mẹ thực nghiệm cảnh cầm búa sát hại con gây chấn động trong cộng đồng

Những mâu thuẫn không được hòa giải

Ngày 25/3, Phòng CSHS cơ quan công an tỉnh Đăk Lắk dẫn giải đối tượng H Mĩm Niê về nhà để thực nghiệm điều tra hành vi giết người. Bà Niê sinh năm 1969, trú xã Ea Tul, huyện Cư M’gar, nạn nhân trong vụ án là Y Khai Niê (SN 1996) - con trai của bà Niê.

Đây là vụ án gây rúng động trong vùng. Theo lời khai của người mẹ, Y Khai Niê lười lao động, ham chơi, nhiều lần xin tiền mẹ và các thành viên trong gia đình để đi nhậu với bạn bè. Nếu không xin được tiền, Y Khai Niê đập phá đồ đạc, đánh đập và đe dọa giết các thành viên trong gia đình. Từ những mâu thuẫn đó, bà Niê đã dùng búa đánh chết con trai khi đang ngủ..

Theo Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP. Hà Nội, đây là một bi kịch đau lòng khi người mẹ ra tay sát hại con ruột. Trả lời phỏng vấn Báo Phụ Nữ TPHCM, ông Cường cho rằng cơ quan tiến hành tố tụng cần xem xét làm rõ "tinh thần" của người phụ nữ này để có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật. Lý do gây án là những hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, kéo dài của nạn nhân đối với mẹ và những người thân trong gia đình. 

Những vụ án mạng xảy ra giữa các thành viên trong gia đình không phải là hiếm. Trong đó, những mâu thuẫn âm ỉ, kéo dài không được giải quyết, hoà giải. Khi mâu thuẫn dồn nén đến lúc không kiểm soát được cảm xúc, người trong cuộc có thể thực hiện hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người khác.

Từ vụ việc này, TS Cường cho rằng đối với những gia đình có người nghiện rượu, nghiện ma túy hoặc có những đứa con bất hảo, thường xuyên gây rối, đe dọa đến tính mạng sức khỏe của các thành viên gia đình... thì gia đình cần phải có biện pháp giáo dục. Nếu, trường hợp gia đình không thể giáo dục được, cần phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng để có những biện pháp can thiệp kịp thời, tránh để mâu thuẫn kéo dài dẫn đến bi kịch gia đình. 

Người mẹ hiểu biết pháp luật sẽ có cách hành xử phù hợp. TS Cường gợi ý, người mẹ có thể yêu cầu cơ quan chức năng xem xét xử lý con trai về tội đe dọa giết người hay cố ý gây thương tích và các hành vi khác nếu xâm phạm đến tài sản, sức khỏe, đe dọa đến tính mạng của các thành viên gia đình. Nếu cơ quan chức năng nắm được thông tin, can thiệp kịp thời, có lẽ hậu quả đau lòng đã không xảy ra.

Người mẹ giết con đối diện với mức án nào?

TS Đặng Văn Cường cho rằng, theo quy định của pháp luật thì hành vi tước đoạt trái pháp luật tính mạng của người khác là hành vi giết người. Tuy nhiên pháp luật cũng quy định trường hợp nạn nhân thực hiện hành vi trái pháp luật nghiêm trọng gây kích động mạnh đến tinh thần của người khác khiến người bị kích động mạnh đã thực hiện hành vi thiếu kiểm chế, thiếu kiểm soát .

TS Đặng Văn Cường trả lời Báo Phụ nữ TP.HCM.
Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho rằng cần xem xét khách quan, toàn diện các mặt của vụ án

Bà H Mĩm Niê có thể bị khép vào tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh. Tại Điều 125 Bộ luật Hình sự, tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Tình trạng tinh thần bị kích động là tình trạng người phạm tội không hoàn toàn tự chủ, tự kiềm chế được hành vi phạm tội của mình. Sự kích động mạnh đó phải là tức thời do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân gây nên sự phản ứng dẫn tới hành vi giết người.

Hoặc, cá biệt có trường hợp do hành vi trái pháp luật của nạn nhân có tính chất đè nén, áp bức tương đối nặng nề, lặp đi lặp lại, sự kích động đó đã âm ỷ, kéo dài, đến thời điểm nào đó hành vi trái pháp luật của nạn nhân lại tiếp diễn làm cho người bị kích động không tự kiềm chế được.

Để có thể xác định tinh thần của người phạm tội có bị kích động mạnh hay không, TS Cường cho rằng cần xem xét một cách khác quan, toàn diện các mặt như thời gian, hoàn cảnh, địa điểm, diễn biến, nguyên nhân sâu xa và trực tiếp của sự việc. Mối quan hệ giữa nạn nhân với người phạm tội, trình độ văn hóa, chính trị, tính tình, cá tính của mỗi bên để hội đồng phán quyết đưa ra bản án phù hợp.

Hoàng Anh 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI