Mẹ đơn thân trốn tết quê vì ngại câu hỏi 'ba của bé đâu'

08/01/2020 - 16:08

PNO - Tết này, bạn tôi định đưa con về thăm ông bà sau gần 3 năm không về. Thế nhưng, cô ngán cái cảnh hàng xóm sẽ hỏi "ba của cháu bé đâu".

Ở cái thành phố đông đúc hơn chục triệu dân này, làm bố, làm mẹ đơn thân đâu chỉ có mỗi mình bạn tôi. Nhưng có lẽ bạn tôi sợ ở quê người ta vẫn còn chưa nghĩ thoáng, vẫn còn thói quen hay hỏi đầu năm đầu tháng, theo kiểu: Lương bao nhiêu? Tết thưởng nhiều không? Ba hay mẹ của đứa bé trông như thế nào?

Mà nói đâu xa, ngày xưa khi bạn tôi còn là cô gái 13, 14 tuổi, thi thoảng bạn vẫn nghe ba mẹ dè bỉu con nhà hàng xóm: “Thứ con gái gì không chồng mà chửa”.

tết đến là vô số người phải đối mắt với những câu hỏi vô duyên, những câu hỏi khiến người trong cuộc thật buồn. Ảnh minh họa
Tết đến, nhiều người ngán cảnh đối mặt những câu hỏi vô duyên. Ảnh minh họa

Có lẽ ông bà không ngờ có ngày con gái mình rơi vào hoàn cảnh đó, chấp nhận làm mẹ đơn thân mặc dị nghị của người đời. Hồi mới mang bầu bé Kén, bạn tôi nhiều đêm khóc hết nước mắt. Cô ấy không gặp bạn bè trong lớp, cũng chẳng dám cập nhật Facebook cá nhân thường xuyên vì sợ người quen hỏi thăm hoặc ai đó bắt gặp đi chợ với cái bầu ì ạch. Bạn ngay ngáy sợ ai đó chụp ảnh rồi tag lên tường của trang cá nhân, rồi tránh sao được vài cái còm tọc mạch: “Bố của bé là ai mà không khoe lên?”.

Người cứng cỏi như bạn, vậy ra sau gần mấy chục năm bươn chải ở thành phố, được cuộc đời thử thách và vùi dập biết bao lần, vẫn chưa thể bỏ ngoài tai được những ầm ĩ xung quanh; chưa thể đối diện với miệng đời và an nhiên với những quyết định và lựa chọn...

Tôi sống ở Sài Gòn hơn chục năm trời, từng chứng kiến biết bao bi kịch của số phận và có nhiều người quen chọn làm bố, làm mẹ đơn thân. Tôi hiểu được sự cố gắng rất tuyệt vời của những người ấy. Không tuyệt vời sao được, khi cùng lúc họ phải làm bố và làm mẹ, cùng lúc lo toan bao việc để kiếm tiền nuôi con mà vẫn vén khéo việc chăm sóc nuôi dạy trẻ.

Chúng tôi vẫn thường tự khích lệ nhau: chẳng có ai sống thay cuộc đời người khác và sự lựa chọn hay số phận, nếu đã đặt để lên vai ai, thì người đó hãy an nhiên mà đón lấy.

Như tôi và người bạn gái, cùng sinh ra và lớn lên nơi đông quê, quệt nước mắt xa lũy tre làng trong một sáng còn mù sương, được ba đèo ra ngoài đầu làng ngập ngời mùi mạ non để đón xe lên phố.

Chúng tôi thân nhau như anh em, đến hũ mắm ruốc dưa cà cũng chia nhau, vậy nhưng từ khi bạn có bầu rồi sinh bé Kén, tôi chưa một lần hỏi ai là cha của bé. Vì tôi biết, nếu có biết câu trả lời, tôi cũng không thể giúp hay an ủi được gì, mà có khi là khoét thêm vết thương lòng của bạn. 

Hãy mạnh dạn cho con trẻ về quê để chúng được tắm táp trong dòng sông yêu thương của người thân và họ hàng. (Ảnh minh họa. Photo: Huy Cường Funny)

Hạnh phúc tròn đầy thường được mặc định gắn cho những gia đình nào đủ bố và mẹ, nhưng điều đó không có nghĩa là một ngôi nhà thiếu một trong hai vai (ông bố hoặc bà mẹ) ngôi nhà đó sẽ thiếu vắng niềm vui và hạnh phúc. Tôi thấy bạn tôi, một ông bố đơn thân, ngày ngày kể chuyện đứa con ngoan hay đặt ra những câu hỏi thông minh hoặc ngây thơ khiến anh ôm bụng cười suốt. Tôi từng nghe cô bạn tôi kể chuyện đưa con yêu thương nói với mẹ sau này con lớn con sẽ là siêu nhân, sẽ không để cho ai được phép ăn hiếp mẹ.

Lối đi của mỗi người suy cho cùng là sự lựa chọn. Nếu bạn xác định mình đã quyết định chính xác, thì dù hoàn cảnh có tệ hại đến mức nào, hãy vững tin rằng đó là lựa chọn tốt nhất. Làm mẹ hay làm cha đơn thân, thì cũng đã có sao đâu, khi hiện nay, hội các ông bố và bà mẹ đơn thân trên thế giới và tại Việt Nam mỗi ngày một đông.

Ở các làng quê bây giờ, mạng xã hội như YouTube, Facebook và thiết bị công nghệ lan tràn khắp nẻo, khi mà các ông già bà cả biết bỏ cái radio, cầm cái điện thoại thông minh lướt xoành xoạch, người ta cũng biết lắng nghe và cởi mở hơn... Mỗi ngày, những câu hỏi vô duyên, câu hỏi thật buồn chắc sẽ giảm.

Tôi mong bạn cứ mạnh dạn đưa con quê về quê ăn tết, cho cháu được thăm ông bà, cho những yêu thương, tập tục truyền thống được vun đầy trong ký ức của trẻ; cho mùi thơm rơm rạ, những ngọn gió trong trẻo làm đẹp tuổi thơ của con; cho con sông quê xao động tiếng trẻ nô đùa bên tiếng cười của cha mẹ... Những câu hỏi buồn, không thích trả lời thì cứ cười thật tươi rồi bước đi.

Trương Quốc Phong

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI