|
Tờ giấy khám thai duy nhất được ghi tên của Hà |
Đầu tháng 5/2019, chị Nguyễn Thị Hà - sinh năm 1987, quê tỉnh Hậu Giang - gửi đơn cầu cứu tới Báo Phụ Nữ TP.HCM về việc chị bị một phụ nữ ở Thanh Hóa ép phải chi 3,2 tỷ đồng mới cho gặp con đẻ của mình. Trước đó, trong lúc cùng quẫn, Hà đã đồng ý cho người này đứa con mà mình mang nặng đẻ đau.
Yêu nhầm, cho con vội vã
Gặp chúng tôi, Hà kể về mối tình sai lầm của mình với một người đàn ông quê ở Hải Dương, đã có gia đình. Hà và người đàn ông này quen nhau tại nơi cô làm việc. Vẻ đĩnh đạc và những lời mật ngọt của gã đã khiến cô gái Hậu Giang “say” như điếu đổ.
Cho đến một ngày, Hà nhận được tin nhắn của người tự xưng là vợ gã, cô mới ngỡ ngàng và quyết định chia tay. Nhưng trước sự thề thốt, lời than vãn về một cuộc sống gia đình không hạnh phúc, Hà lại trót một lần nữa tin y.
Cùng người tình về quê Hậu Giang chưa được bao lâu, mâu thuẫn giữa hai người cũng lớn dần cùng đứa bé mang trong bụng. Khi Hà bước qua tuần thứ 30 của thai kỳ, người đàn ông kia vội vàng khăn gói trở về Hải Dương, bỏ mặc Hà, gọi điện thoại cũng không nghe máy.
Cho đến khi Hà mang bụng bầu bắt xe ra Hà Nội, gã mới chịu nghe máy, bảo Hà cứ về quê, gã sẽ gửi tiền vào nuôi con. Hà nói: “Em không cần tiền, em chỉ cần anh ấy có mặt lúc con em ra đời thôi” - Hà ôm mặt khóc.
Nhưng một lần nữa, người đàn ông này lại bỏ rơi Hà khi cô đang mang thai ở tuần thứ 32, lang thang nơi đất khách quê người. Trong lúc chán nản tuyệt vọng, Hà đã viết câu chuyện của mình lên nhóm “Cho và nhận con nuôi” trên mạng xã hội Facebook.
Ngay sau khi bài viết được đăng tải, đã có rất nhiều người gọi điện, liên lạc với Hà để xin đứa bé về làm con nuôi. Trong số đó, có một phụ nữ tên Vũ Thị Lệ, sinh năm 1985, quê tỉnh Thanh Hóa.
Sau khi liên lạc được với Hà, chị Lệ đã xuống tận nơi Hà đang thuê trọ ở tỉnh Hải Dương để hỗ trợ tiền nuôi con và xin đứa bé làm con nuôi. Khi đó, nghĩ mình không có khả năng nuôi con, bị người yêu bỏ rơi, không có gì để bấu víu nên Hà đã đồng ý với một điều kiện là được thăm con, gửi quà cho con trong ba năm đầu.
“Khi đó, chị Lệ đồng ý với em, chị còn nói khi con em đủ 18 tuổi, nếu cháu muốn biết mặt mẹ ruột thì chị cũng cho hai mẹ con gặp nhau” - Hà kể.
Chị Lệ đưa Hà đến Bệnh viện 198 để chờ sinh nở. Trong suốt quá trình khám thai, xét nghiệm, Hà đều đọc tên của chị Lệ. Khi đứa trẻ sinh ra, nghe theo lời chị Lệ, Hà nói với các bác sĩ rằng mình bị mất chứng minh nhân dân và đọc họ tên, quê quán của chị Lệ cùng chồng để bác sĩ điền vào giấy chứng sinh.
Ngày hôm đó cũng là lần đầu tiên và duy nhất Hà được nhìn thấy mặt đứa con trai. Cô chỉ kịp hôn con một cái trước khi ký vào tờ cam kết viết tay, với nội dung sẽ phải đền 3 tỷ đồng nếu đến đòi con, rồi để chị Lệ bế đứa bé đi. Kể từ hôm đó cho đến hai tháng sau, Hà chỉ được nhìn thấy con qua tấm ảnh duy nhất do chị Lệ gửi qua tin nhắn.
|
Hà và chị Lệ trong buổi thương thuyết xin lại con |
3,2 tỷ đồng và mối nghi “kinh doanh trẻ em”
Sau khi mất liên lạc với chị Lệ, đọc được trên mạng về những vụ bắt cóc, mua bán trẻ con cũng trong tình trạng tương tự, Hà đã báo công an và tìm đến Báo Phụ Nữ TP.HCM để nhờ giúp đỡ.
Nghe câu chuyện của Hà, chúng tôi nghĩ rằng quả thật cô là một người mẹ tồi tệ, đáng trách. Nhưng nhìn những giọt nước mắt khi nhắc đến con trai, chúng tôi thấy đó là giọt nước mắt của một người mẹ muốn tìm lại con, sau quyết định sai lầm trong lúc bồng bột.
Qua khảo sát những nhóm “Cho và xin con nuôi” mà Hà đã tham gia trên mạng xã hội, chúng tôi thực sự lo ngại cho số phận của đứa bé. Chúng tôi cũng nghi ngờ, phải chăng Hà đã trao con cho một nhóm buôn trẻ em mà không biết. Bởi trước khi trao con cho chị Lệ, thông qua hội nhóm trên, Hà đã được một người phụ nữ khác tên Hoa (quê Bắc Ninh) liên lạc để xin con cho mẹ đẻ của mình hiện đang sống bên Trung Quốc.
Nhận lời giúp Hà “giải cứu” cháu bé sau khi không liên lạc được với chị Lệ, phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM đã đi khắp P.Cầu Diễn, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội, nơi Hà cho rằng mình đã được chăm sóc nhiều tuần khi mang bầu, trong nhà của hai ông bà bán thịt.
Qua nhiều ngày tìm kiếm, chúng tôi đã khoanh vùng được nơi Hà ở trong những ngày mang bầu. Tuy nhiên, khi nghe hỏi về chị Lệ, có người biết nhưng không đồng ý cung cấp thông tin. Cho đến khi lần theo trí nhớ của Hà, chúng tôi đến được trước cửa ngôi nhà mà chị Lệ từng thuê ở, nhưng không có ai trong căn nhà này.
Trước khi tìm được ngôi nhà, mỗi khi Hà gọi, chị Lệ nhất quyết không nghe máy. Nhưng khi chúng tôi gửi ảnh căn nhà, chị này đã nghe điện thoại và đồng ý gặp mặt chúng tôi tại khu chợ gần đó.
Tại đây, chúng tôi chứng kiến việc nhiều người cùng nhau chì chiết, lăng mạ Hà về hành vi đem con đi cho. Còn chị Lệ quả quyết, nếu muốn đòi lại con, phải thực hiện đúng cam kết là trả cho chị 3 tỷ đồng cùng 200 triệu đồng tiền công nuôi đứa trẻ và chăm sóc Hà lúc còn mang bầu.
Kết thúc buổi “thương thuyết” xin lại con không thành công, chúng tôi gọi lại cho chị Lệ để thuyết phục một lần nữa. Khác với những lời lẽ đanh thép trước đó khi miệt thị Hà, chị Lệ đồng ý để Hà được đón con khi đưa đủ 500 triệu đồng.
Nhiều ngày sau đó, sau mỗi cuộc gọi, cái giá để xin lại con ngày càng giảm, xuống 300 triệu rồi 200 triệu đồng. Sự ngã giá cho một đứa trẻ càng khiến chúng tôi nghĩ rằng, có thể chị Lệ không phải là một phụ nữ hiếm muộn tìm con nuôi như Hà đã kể…
|
Lần thứ hai được nhìn thấy con kể từ khi sinh ra |
Nước mắt của hai người mẹ
Để đảm bảo an toàn cho đứa trẻ, chúng tôi đã đưa Hà đến trình báo với cơ quan chức năng, nhờ giúp đỡ tìm kiếm thông tin của người nhận nuôi. Chỉ một ngày sau đó, Công an Q.Cầu Giấy - nơi nhận trình báo - đã liên lạc lại, hẹn Hà cùng lên đường về tỉnh Thanh Hóa để xác nhận thông tin.
Sáng sớm 8/5, chiếc xe bốn chỗ xuất phát từ TP.Hà Nội, chở Hà cùng hai cán bộ công an về Thanh Hóa, theo địa chỉ nhà chồng chị Lệ và cũng là nơi đứa bé đang ở. Để yên tâm hơn về chuyến đi này, phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM cũng lên đường trước đó nhiều giờ.
Tại quê chồng chị Lệ, chúng tôi nhẹ nhõm được phần nào khi công an địa phương xác nhận, chị Lệ đã lấy chồng và sinh sống tại địa phương, có đưa đứa bé về Thanh Hóa và làm giấy khai sinh tại địa phương.
Trò chuyện với chúng tôi, một người dân địa phương cho biết: “Cô Lệ hiếm muộn 5-6 năm nay rồi, bị hỏng buồng trứng nên không đẻ được. Nhiều lần vợ chồng lên Hà Nội để chữa nhưng không thành công. Hôm cô ấy nhận đứa bé về nuôi, ai cũng biết và còn đến chúc mừng. Chắc chắn không có chuyện buôn bán trẻ em ở đây”.
Như vậy, giả thuyết mà Hà lo lắng ban đầu đã được loại bỏ, mục tiêu của hành trình tìm con cho Hà đã gần hơn được một chút.
Khi biết chị Lệ là một phụ nữ hiếm muộn, thật sự “khát” con, chúng tôi xác định, việc đến xin lại con sẽ phải nhận nhiều lời miệt thị, chửi bới từ phía gia đình và hàng xóm của chị Lệ. Thấy chúng tôi đến trước cửa, chị Lệ vô cùng bất ngờ, vội vàng đóng cổng, khóa mọi cánh cửa. Khi vừa nghe thấy tiếng trẻ con khóc, Hà vội vàng quỳ sụp xuống đất, ngay trước cổng nhà chị Lệ khóc xin lại con.
Như đã cảnh báo từ trước, hàng xóm của chị Lệ đã xúm lại chửi bới, quát mắng về việc Hà đã cho con, còn đến đòi lại. Tiếng chửi bới xen lẫn tiếng khóc của Hà khiến khung cảnh ở đó trở nên hỗn loạn, mất kiểm soát. Cảm thấy sự việc sắp đi quá giới hạn, chúng tôi đưa Hà trở về Hà Nội. Trên đường về, Hà liên tục nhắn tin để xin chị Lệ cho mình được đón con. Cho đến tối muộn cùng ngày, chị Lệ đồng ý cho Hà nhận lại con.
Ngày hôm sau, khi đã chuẩn bị đầy đủ tiền, chúng tôi lại tiếp tục đưa Hà từ Hà Nội vào Thanh Hóa gặp gia đình chị Lệ. Khi tới nơi, Hà lại tiếp tục chịu một tràng chửi bới, miệt thị từ những người hàng xóm trước khi vào nhà chị Lệ nói chuyện. Khi ra khỏi đó, trên khuôn mặt Hà vẫn là giọt nước mắt, nhưng đi kèm với nụ cười.
Hà vui mừng kể: “Chị Lệ hỏi em thực sự muốn nhận con về nuôi hay không. Chị cũng dặn dò em phải nuôi con cẩn thận, chăm con thế nào. Ngày mai sẽ làm thủ tục trao con tại UBND xã”.
|
Hà quỳ gối cầu xin được nhận con khi vừa tới nhà chị Lệ |
Lá thư đẫm nước mắt cho con
Sáng 10/5, có mặt tại UBND xã từ rất sớm, chúng tôi ai cũng hồi hộp bởi đã đi đến đoạn cuối của hành trình giúp Hà tìm con. Khi nhìn thấy đứa bé được bế trên tay người mẹ nuôi đi đến, Hà đã không kìm được tiếng khóc.
Trước khi trao con về với mẹ đẻ, chị Lệ cũng không giấu được nước mắt, dặn dò Hà đủ thứ, từ thói quen của con khi ngủ, loại sữa mà con đang uống, con không thích đóng bỉm… Khi được bế đứa bé lần cuối trước khi trao lại cho Hà, chị Lệ òa khóc như một người mẹ vừa mất con, vội vàng hôn con rồi quày quả quay đi như trốn chạy.
Trên đường về, khi Hà chuẩn bị sữa cho đứa bé, từ trong lớp khăn cuốn, rơi ra một lá thư viết tay, phía trên vẫn còn những vết ố chưa khô, có lẽ là nước mắt. Đây là lá thư mà chị Lệ viết gửi cho con và có lẽ cũng để gửi cho Hà, để cô biết trân trọng hơn tình mẫu tử thiêng liêng.
Thư viết: “10/5/2019, gửi con nuôi của mẹ. Hôm nay là ngày con tròn 2 tháng tuổi. Con sinh ra ở Hà Nội, nhưng hôm nay mẹ không biết con đi về đâu. Dù thế nào, con mãi mãi vẫn là con trai yêu quý của mẹ. Dù mẹ không đẻ ra con. Chăm con 2 tháng trong niềm hạnh phúc vô bờ từ khi đón con chào đời cho tới nay. Hôm nay là ngày mẹ con mình chia tay, có thể là mãi mãi không còn gặp nhau nữa. Con còn quá ngây thơ, con sẽ mau quên mẹ như cơn gió nhẹ qua đời. Nhưng mẹ nghĩ trong tiềm thức, con vẫn có tình yêu thương của mẹ dành cho con. Hành trình của con còn rất gian nan và rất dài. Mẹ cầu chúc cho con trai của mẹ luôn mạnh khỏe, yêu đời. Con sẽ đạt được mọi điều con mơ ước, như cái tên mà mất rất nhiều tâm huyết, mẹ mới đặt được cho con. Mong con may mắn. Yêu con!”.
Lá thư này cũng là dấu chấm kết thúc hành trình tìm con của Hà, một lần trải nghiệm vấp ngã không thể quên. Hy vọng rằng, với cái kết viên mãn này, đứa bé sẽ lớn lên mạnh khỏe, may mắn bởi đã nhận được sự yêu thương hết mực của cả hai người mẹ.
An Vũ - Chi Mai