Mẹ đơn thân như chổi cũ góc sân?

29/08/2018 - 09:00

PNO - Vinh, thua tôi 7 tuổi, chưa vợ, kinh tế ổn định, khá đẹp trai. Tối ấy Vinh nói: “Tôi thích chị, chị có thể để tôi làm cha hai đứa trẻ được không?”...

Sau tối đó, tôi quyết tâm né tránh Vinh bằng mọi cách. Tôi, người phụ nữ sắp bốn mươi, một nách hai con, không lả lơi đùa giỡn hay dễ dãi, cũng không có ý định đi bước nữa hay bước ngang bước dọc hoặc lộ ý gì khiến ai đó hiểu nhầm.

Tôi đã tự đóng khung mình bên cạnh hai con, đinh ninh cứ như vậy mà trải qua những tháng ngày còn lại của đời mình, nhìn hai con lớn lên vui vẻ, sau đó chúng sẽ gặp một nửa của đời mình và cùng hạnh phúc...

Vậy mà Vinh, thua tôi 7 tuổi, chưa vợ, kinh tế ổn định, khá đẹp trai, tối ấy lại nói: “Tôi thích chị, chị có thể để tôi làm cha hai đứa trẻ được không?”...

Me don than nhu choi cu goc san?

Tất nhiên là tôi từ chối thẳng, lời từ chối thô bạo và quyết liệt sau gần mười phút bàng hoàng khiếp sợ, gần như kinh hoàng đến chết sững. Tôi không có cảm giác vui sướng của người đàn bà vừa được tỏ tình.

Không hiểu sao trong tôi lại trào lên cảm giác bị xúc phạm, bị coi thường, bị thương hại. Tôi đã làm gì để Vinh cảm nhận về tôi như vậy, nhất là tôi chưa tiếp xúc với Vinh nhiều ngoài ít cái gật đầu chào khi gặp mặt, vài câu trao đổi về đứa cháu con chị gái Vinh. Tôi đã giận dữ và tức tưởi khóc như đứa trẻ bị đòn oan. Tôi không hiểu vì sao, cứ ấm ức nghĩ mình đã rất cẩn thận chú ý trong mọi mối quan hệ, giữ gìn ý tứ với mọi người, sao vẫn để “lọt lưới”?

Nhà tôi đối diện một công viên nhỏ, ban ngày tôi đi làm, tối có mở một lớp vẽ cho đám trẻ trong xóm. Ban đầu, tôi chỉ bày ra cho hai đứa con có trò chơi tránh xa ti vi, sau thấy bọn trẻ có vẻ thích nghịch màu sắc nên tôi cho chúng tham gia luôn.

Vinh không ở khu này. Vinh hay đến thăm vợ chồng chị gái vào cuối tuần. Ngày trước, thi thoảng Vinh mới đến. Dạo gần đây, Vinh đến thường xuyên hơn, theo cô cháu gái đến lớp vẽ, hỏi thăm chuyện học hành của cháu.

Thấy tôi miễn phí toàn bộ chì sáp màu vẽ lẫn giấy bút cho đám trẻ, hôm sau Vinh mang đến nào giấy nào chì sáp, màu nước, gôm tẩy… nói góp một tay. Rồi tay Vinh mỗi ngày một dài hơn khi sửa lại mấy cái ghế long đinh, chà cho sạch màu ở những cái bàn nhựa, chỉ cho đám trẻ xử lý màu sắc, mua quà thưởng cho những bức tranh đạt điểm A, còn mua mấy chai thuốc chống muỗi nhắc tôi thoa cho bọn trẻ.

Tôi có chút cảm kích và bình thản nhận, vì những phụ huynh cũng làm thế. Họ hỏi thăm xem con mình có năng khiếu không. Họ ủng hộ lớp bằng những nồi chè, ly kem hoặc chỉ đơn giản là kê ghế xa xa ngồi nói chuyện rì rầm trong khi chờ lũ trẻ tan học.

Tôi đến từng nhà trong xóm tặng cho đám trẻ ít màu, giấy và xin lỗi vì công việc quá bận không thể duy trì lớp. Các phụ huynh lấy làm tiếc, đám trẻ thì buồn ra mặt. Mẹ của cô bé Hiền, là chị của Vinh, nhìn tôi là lạ, đôi lần chị muốn nói gì đó nhưng lại thôi.

Tôi mỉm cười chào chị rồi gần như vội vã ra về, tôi lờ mờ đoán được chị sẽ nói gì, tôi hiểu và hoàn toàn thông cảm, thậm chí biết ơn vì chị đã kìm nén không nói ra. Ngày biết tôi ly hôn người chồng theo bố là giỏi giang, biết kiếm tiền và thương yêu vợ con, bố đã mắng tôi xối xả, rằng sao đòi hỏi yêu sách, đàn ông ra ngoài kiếm tiền có vô tâm hời hợt hay hoa lá cành tí chút có sao, ngày xưa đàn ông năm thê bảy thiếp trong nhà vẫn êm ấm thuận hòa đó thôi…

Tôi cãi, nếu thuận hòa thì nay sao chỉ còn một vợ một chồng, bố gầm lên nói đàn bà mà không yên phận thì nhà cửa làm sao yên được. Rằng tôi làm ông mất mặt khi có đứa con gái bị chồng bỏ. Mẹ tôi ốm liệt giường nói mai kia già tôi biết dựa vào đâu. Đàn bà một lần đò như cái chổi cũ ngâm nước vứt gốc tre, có ai thèm nhìn ngó.

Tôi nghe tim đau nhói, tôi chưa đủ đau đớn hay sao mà cả bố cả mẹ, hai người mà tôi tin yêu nhất trên đời, không ngừng đay nghiến xỉa xói, như thể bỏ chồng hay bị chồng bỏ là tội tày đình, làm mất mặt bố mẹ, ô nhục gia phong.

Nên khi thuê căn nhà này của chị bạn mới quen, tôi hết sức giữ ý tứ, không để những người phụ nữ nhìn mình với ánh mắt dè chừng đề phòng, không để những người đàn ông tìm được chút cơ hội nào. Sửa điện nước, đóng kệ sách, một tay tôi làm. Vài người hàng xóm có ý giúp đỡ nhưng tôi từ chối khéo, nói mình làm quen rồi dù vừa nói tôi vừa giấu ngón tay dập móng tụ máu đen sì.

Me don than nhu choi cu goc san?

Ba năm, ở tuổi gần bốn mươi, tôi nghĩ mình cứ thế này đến già không phải là điều khó khăn. Hai đứa trẻ trưởng thành hơn từ ngày tôi dẫn chúng đi khỏi căn nhà ấy. Chúng biết ý, thương mẹ và tự lập, đôi khi tôi ngỡ chính mình phải nương tựa vào chúng để đứng vững. Nhưng rồi Vinh đến, khuấy tung tất cả.

Không mở lớp vẽ nhưng nhà tôi không thể đóng cửa im ỉm. Và Vinh đến, sau nhiều lần tránh mặt nhốt mình trong phòng, tôi nghĩ mình nên gặp Vinh một lần nói thẳng. Vinh chú tâm nghe những gì tôi nói và rất nghiêm túc, Vinh nhìn thẳng tôi:

“Chị có thể từ chối tôi nhưng không cần thiết phải hạ mình như thế. Một lần đò thì sao, chồng bỏ thì sao, bốn mươi thì sao, hai con nhỏ thì sao? Chị sống cho mình hay sống cho thiên hạ mà sợ miệng lưỡi?

Tôi sống cho tôi, tôi tôn trọng ý kiến của cha mẹ, chị gái, họ hàng nhưng họ không là tôi, không sống thay tôi được. Chị nói vậy là chị đang xúc phạm mình và xúc phạm cả tôi nữa. Tôi không phải là đứa trẻ bồng bột, tôi vẫn giữ nguyên ý định và những gì tôi muốn dành cho chị ngày càng nhiều hơn. Tôi luôn đợi chị nghĩ lại, bao lâu tôi cũng đợi”.

Cả đêm tôi mất ngủ, tôi không xua được ánh mắt Vinh lúc nhìn mình. Khi Vinh nói tôi đang xúc phạm mình và xúc phạm Vinh, tôi thấy ánh mắt Vinh trầm xuống. Gần sáng, tôi nảy ý định sẽ chuyển nhà.

Tôi bật dậy ngay với quyết tâm phải đi khỏi đây. Tôi bật điện thoại, lên mạng tìm nhà trọ, thầm nghĩ rồi mẹ con tôi sẽ chuyển đến nơi thật xa chỗ này, xa cả nhà bố mẹ... Ngón tay vừa lướt mấy đường tôi đã bật khóc, là tôi đang trốn chạy nhưng sao lòng lại quặn thắt đau đớn.

Đàn bà một mình, dù cố mạnh mẽ nhưng vẫn không tránh khỏi những khi mềm yếu và khao khát. Những khi mím môi đóng đinh, tôi ước có bàn tay mạnh mẽ nào đó nhấc cái búa ra khỏi tay mình.

Những khi vòi nước bị bể, nước chảy lênh láng khắp nhà, cái nệm thấm nước ướt sũng, tôi không muốn mình phải ngồi khóc vì ấm ức và bất lực mà sẽ có bàn tay ai đó nhanh chóng bịt kín chỗ bể, nhanh tay dựng cái nệm lên…

Thật ra những điều này ngày còn là một gia đình toàn vẹn tôi cũng không có được bởi chồng cũ không phải là người tinh tế sâu sắc. Phụ nữ không phải tự nhiên mà mạnh mẽ kiên cường, tôi cho là vì hoàn cảnh, vì lòng đã nguội, đã chết lặng với những gì người kia mang đến cho mình.

Nhưng vì cuộc sống vẫn tiếp diễn, vì những đứa con, tôi mới đủ nghị lực đứng dậy bước tiếp. Dù vậy, tận sâu thẳm trong lòng, tôi vẫn không ngừng ước ao có một bờ vai vững chãi để dựa, một vòng tay ấm để nương.

Vinh đến, đánh thức tôi, nhắc tôi nhớ mình có quyền mơ ước và hy vọng. Với ánh mắt thờ ơ, tôi nhìn Vinh ra vào nhà, chơi đùa cùng hai đứa trẻ nhưng không kìm được ý muốn hình ảnh ấy sẽ thành sự thật, mãi mãi.

Giữ đúng lời hứa, Vinh im lặng chờ đợi, không hối thúc giục giã mà sao ánh mắt Vinh luôn vướng víu bước chân tôi. Những ngày Vinh đi công tác, dù đã được nhắn tin thông báo, tôi vẫn ngóng ra cửa chờ Vinh xuất hiện, mơ hồ lắng nghe tiếng xe và bước chân quen dừng trước nhà mình.

Đi công tác xa, Vinh nhắn tin liên tục dù tôi không trả lời. Những tin nhắn vẫn đến thường, kể về nơi Vinh đến và cuối ngày bao giờ trong tin nhắn Vinh cũng đếm còn mấy ngày nữa sẽ về. Tôi không biết phải nói gì với Vinh, dù Vinh đã nói tôi hoàn toàn xứng đáng.

Từ ngày Vinh đến, đám trẻ thích Vinh ra mặt, kể cả hai đứa con tôi vì Vinh luôn vui vẻ với chúng, vì Vinh luôn đến cùng những cái kẹo ngọt ngào và những câu chuyện hấp dẫn sau mỗi chuyến công tác.

Vinh còn gợi ý cho đám trẻ đi học võ phòng thân. Có lớp võ mở cách nhà tôi năm cây số, Vinh rủ mọi người cùng cho con đi học, thuê cái xe lam đưa đi đón về. Hai đứa trẻ của tôi đứng đầu danh sách dù tôi không đăng ký.

Con trai đã biết đẩy mẹ ra khỏi một số việc và nhận để con làm cho, con gái đòi mẹ cho học nấu ăn… tôi biết Vinh đã tác động khá nhiều, thấy cảm động vì sự chân thành của Vinh.

Vinh còn làm cho tôi có cảm giác mình được quan tâm dù Vinh chẳng nói gì với tôi. Không vồ vập, không sôi nổi, Vinh như dòng suối mát mỗi ngày lăn tăn vỗ về bờ cỏ. Người như Vinh kiếm đâu chẳng được một cô gái trẻ trung xinh đẹp, sao lại là tôi? Một cây chổi cũ vứt ở  góc sân, tôi có xứng?

Tôi về nói chuyện với mẹ, bà rơm rớm nước mắt thương hai đứa cháu ngoại rồi đây sẽ chịu cảnh cha ghẻ con riêng. Tôi nói Vinh quý hai đứa lắm, mẹ tôi gạt phắt đi nói thương là thương rơi thương rớt, nào phải máu mủ mà thương. Tôi ứa nước mắt nhìn mẹ. Để tin và thương yêu một người khó vậy sao?

Bố tôi sau những tháng ngày gần như từ mặt con gái, không hỏi thăm cháu ngoại, tôi về thăm là ông kiếm cớ đi đâu đó để bố con khỏi gặp nhau, lần này chỉ ngắn gọn: “Làm sao thì làm, đừng để mất mặt tôi lần nữa”. Tôi nhìn tóc bố bạc đi nhiều, dáng đi như còng hơn.

Tôi dắt hai con về, nghe lòng lạnh băng. Tôi không trách cha mẹ, hạnh phúc hay bất hạnh đâu phải cứ muốn là được, cứ tránh là thoát. Đến bao giờ ông bà mới hiểu rằng, cuộc đời này của mình và thuộc về mình, tùy thuộc vào thái độ của mình?

Khi một người phụ nữ lánh xa thế giới, người đàn ông yêu cô sẽ không cố kéo cô vào mà sẽ mang thế giới đến gần và đặt dưới chân cô ấy, tôi nghe người ta nói vậy và có ý đợi.


Chuyến công tác lần này của Vinh thật dài, đến hai mươi hai ngày. Sáng nay vừa ngủ dậy, tôi đã nhận được tin nhắn Vinh báo chiều nay về, mời ba mẹ con ra ngoài ăn, sau đó là những gợi ý dành cho buổi tối.

Vinh không quên báo tin ba mẹ con đều có quà. Tôi đưa tin nhắn của Vinh cho đám trẻ, chúng reo hò mừng rỡ nói mẹ ừ nha, mẹ ừ đi để con nhắn tin trả lời chú. Không biết từ lúc nào Vinh đã biết hai đứa trẻ thích gì.

Lần nào đó chúng đã nhìn tôi bằng ánh mắt trách móc khi tôi trừng mắt tỏ ý không cho chúng nhận quà của Vinh. Tôi không biết trả lời Vinh thế nào, thêm một lần tưởng tượng cảnh một nhà bốn người sẽ cùng nhau, hai đứa trẻ huyên náo chạy trước...

Cô giáo có ở nhà không, tôi nghe như tiếng mẹ bé Hiền, chị gái Vinh. Chị đứng ở cửa với chiếc thùng xốp nhỏ, bảo rằng nhà mới đi biển về, có chút quà cho hàng xóm. Tôi nhìn quanh, quả thật nhà ai cũng có và đưa tay nhận. Chị ôm thùng xốp lên, làm như sực nhớ quay nhìn tôi, da cô dạo này hơi sạm đấy, chị có lọ kem dưỡng hay lắm, lát chị nhờ bé Hiền đưa qua…

Me don than nhu choi cu goc san?

Soi mình trong gương, tôi quyết định đi chợ mua gì đó cho bữa tối tại nhà. Hít một hơi dài lấy quyết tâm, tôi nhìn thẳng mình trong gương tự nhủ, ba năm trước tôi dám rời bỏ căn nhà cả ngày chỉ có những tiếng cãi vã, những cái tát và những lời mắng nhiếc để tìm tự do thanh thản cho mình và hai con, vậy thì nay tại sao tôi lại không dám một lần nữa mở cửa trái tim mình? 

Mẹ tôi nói người đàn bà qua một lần đò như cây chổi cũ ngâm nước rệu rã ở gốc tre, thâm sì và mủn nát. Tôi cũng tin thế và cố gắng thu xếp cuộc sống của mình nhưng vẫn có người nhặt lấy cây chổi cũ, vẩy nước và mang ra nắng hong khô…

Nguyễn Thị Thanh Bình

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI