Mẹ “điều tra” người yêu của con gái

16/12/2023 - 08:37

PNO - Em hãy đồng hành với anh ấy trong hành trình nhìn lại, tìm lại để hiểu mình, hiểu bạn đời. Có hiểu, có đồng cảm với nhau, hôn nhân mới bền chặt.

Kính gửi chị Hạnh Dung,
Em có bạn trai cách đây gần 4 năm. Thời gian đủ dài để em hiểu, tin tưởng và yêu thương anh ấy. Chúng em dự định tiến tới hôn nhân, nhưng 1 năm qua có nhiều trở ngại chưa giải quyết được.

Trước đây, bạn trai của em có thời gian sống chung (không đăng ký kết hôn) với một phụ nữ khác ở quê. Hồi đó anh mới lớn, chị kia đã có 1 đời chồng nên có nhiều kinh nghiệm, anh đã vướng vào tấm lưới do chị ta giăng sẵn. 2 người hình như có 1 đứa con với nhau.

Sau đó anh bỏ quê lên thành phố lập nghiệp rồi gặp em. Anh không muốn nhắc đến quãng thời gian đã qua, nên mỗi lần đề cập đến chuyện cũ anh rất buồn, chỉ im lặng. Sau nhiều lần như vậy, em cũng tránh nhắc đến chuyện đó.

Khi 2 đứa nói với ba mẹ em chuyện đám cưới, mẹ em cũng biết chuyện cũ của anh nên có yêu cầu anh phải giải quyết dứt điểm với người cũ, con riêng. Anh nói đã giải quyết xong và không còn liên hệ gì với họ nữa.

Nhưng mẹ nói em nên hỏi bằng chứng về chuyện này trước khi cưới, ví dụ như hỏi xem anh có giấy tờ của tòa án quyết định không công nhận anh và chị kia là vợ chồng, hay đòi xem giấy khai sinh của đứa con, ở mục “cha” có ghi tên anh hay không.

Em thấy những yêu cầu này của mẹ cũng có lý, em biết mẹ chỉ lo cho em thôi. Nhưng đối với bạn trai em, những yêu cầu này có thể làm anh ấy buồn, thậm chí có thể gây tổn thương. Em ngập ngừng mãi không biết nên nói thế nào để anh hiểu không phải là gia đình em không tin anh hay muốn kiếm chuyện ngăn cản. Xin chị cho em lời khuyên. 

Ngọc Thư (TPHCM)

Ảnh mang tính minh họa
Ảnh mang tính minh họa

 

Em Ngọc Thư thân mến, 

Đúng là mẹ lo cho em nên mới khuyên vậy. Nhưng từ góc độ khác, nhìn nhận bạn trai em là một người đàn ông trưởng thành, sắp bước qua cánh cửa hôn nhân, chia sẻ trách nhiệm và hạnh phúc cuộc đời với người con gái yêu thương mình, lẽ ra anh ấy phải nghĩ đến điều này, thậm chí nghĩ trước cả mẹ em.

Đám cưới chỉ là một ngày, nhưng hôn nhân là cả một đời. Vậy nên những gì mẹ em lo lắng là hợp lý, điều còn lại chỉ là thực hiện thế nào nhẹ nhàng cho các bên mà mang đến kết quả tốt nhất.

Để chuẩn bị cho đám cưới, chắc chắn phải có cả gia đình đôi bên. Em cứ mạnh dạn hỏi anh về quê hương, về gia đình anh, về cả những chuyện ngày xưa. Anh ấy sẽ hiểu: trước bước ngoặt quan trọng này, cả hai bên đều phải chuẩn bị thật kỹ. Em hãy lắng nghe, đồng cảm và chia sẻ với anh ấy. Tình cảm, thái độ của em sẽ làm cho mọi chuyện dễ nói ra hơn, dễ thấu hiểu và chấp nhận hơn.

Tổn thương, nếu có, rồi cũng sẽ lành. Anh ấy đã vượt qua được những trắc trở không nhỏ trong quá khứ, đã quyết định bước tiếp, đã yêu và chuẩn bị đi đến hôn nhân với em, chắc rằng anh ấy cũng sẽ đủ khả năng vượt qua những thử thách để nắm lấy hạnh phúc thực sự của đời mình.

Em đừng quá lo lắng về việc sẽ làm anh ấy buồn. Ai cũng phải trải qua những lần vấp ngã để trưởng thành. Có những tổn thương mang lại kết quả tích cực vì làm tăng khả năng đề kháng của cơ thể. Nhắm mắt làm ngơ không phải là cách giải quyết thích hợp. Nhưng trước khi bắt đầu, em hãy tự đặt câu hỏi cụ thể, tự chuẩn bị cho mình nhiều khả năng tốt xấu, chuẩn bị tinh thần để biết và xử trí.

Ví dụ, nếu anh ấy có con riêng, em có chấp nhận không? Em sẽ xử trí thế nào? Nếu vượt qua thử thách này, các em sẽ hiểu về nhau tường tận hơn, hôn nhân sẽ không còn khoảng mờ hay góc khuất rủi ro.

Em có thể chưa tính đến một động lực mạnh mẽ, đó là tình yêu của em. Anh ấy cần xây dựng lòng tin của em để gìn giữ tình yêu ấy. Em hãy đồng hành với anh ấy trong hành trình nhìn lại, tìm lại để hiểu mình, hiểu bạn đời. Có hiểu, có đồng cảm với nhau, hôn nhân mới bền chặt. 

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn 

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI