Chị Hạnh Dung thân mến.
Tôi thực sự đang rất rối, không biết phải làm thế nào. Tôi năm nay 38 tuổi, đã li hôn và có 2 con gái, cháu học lớp 7 ở với bố, còn cháu nhỏ học lớp 1 ở với tôi.
Vì quê ngoại ở xa không thuận lợi cho công việc, nên tôi không về quê. Cách đây 4 tháng, tôi đi thêm bước nữa với một anh ở cách nhà chồng cũ của tôi 3 km. Anh ấy có 3 con, 1 con gái đang đi làm ở xa, 1 con gái vừa lấy chồng và 1 con trai đang học lớp 5 ở cùng chúng tôi. Con gái lớp 1 cũng theo tôi về ở nhà chồng mới của tôi.
Trước khi cưới, con gái nhỏ của tôi rất quý anh và đồng ý cho tôi lấy anh. Con gái lớn cũng không phản đối và bảo tùy mẹ quyết định. Nhưng hiện tại, tôi biết con trai chồng hay trêu trọc con gái tôi, cả tôi và chồng đã can thiệp, nhưng con gái vẫn không muốn ở cùng chồng mới của tôi. Khi thấy chồng tôi và tôi thể hiện tình cảm, con luôn tỏ ra phản đối.
Dạo gần đây con gái nhỏ của tôi ương bướng hơn, nên hay bị mẹ la mắng. Vì con gái lớn của tôi ở với bố và ông bà nội (cách chỗ tôi 3km), nên tôi hay cho con gái nhỏ sang chơi với chị và bố, ông bà. Mỗi lần được sang đó chơi, cháu tỏ vẻ rất vui và muốn ở đó, không muốn về. Hôm qua cháu vừa nói khi tôi nhận được quà của chồng tôi rằng: con ước con được ở với bố.
Tôi thực sự rất lo lắng. Tôi sợ mình đã làm tổn thương con thêm một lần nữa. (Nhiều lúc cháu vẫn nói với tôi rằng cháu muốn bố mẹ về ở với nhau. Bố cháu thì vẫn chưa lấy vợ).
Trước đây tôi cứ nghĩ tìm gia đình mới để con tôi được sống trong một gia đình, cho con đỡ tủi thân. Hồi 2 mẹ con ở với nhau (tôi phải thuê nhà), cháu đã nói với tôi rằng muốn có gia đình đông người như các bạn khác, chỉ có 2 mẹ con nên cháu thấy buồn.
Hiện tại tôi và chồng mới đang có ý định sinh em bé, nhưng với tình cảnh này, tôi e rằng nếu tôi có bầu, thì con gái nhỏ của tôi liệu có bị tổn thương thêm không? Con vẫn bảo tôi đẻ thêm em bé để con bế. Tôi thực sự rất hoang mang.
Chồng mới của tôi và gia đình anh rất thương yêu con gái tôi. Tuy nhiên, nhiều lúc anh hay trêu cháu khiến cháu khóc. Tôi đã góp ý và chồng tôi hiểu không làm vậy nữa. Nhiều lúc con gái tôi thể hiện cảm xúc như bị ức chế dồn nén, cháu hay gào khóc, đập tay đập chân.
Khi tôi chưa lấy chồng, gia đình chồng cũ vẫn cho con gái lớn của tôi ra chơi với hai mẹ con, nhưng không được ngủ lại. Từ khi tôi lấy chồng, họ không cho tôi đón cháu lên nhà chồng mới của tôi. Con gái lớn của tôi thì nói chỉ muốn được ở với mẹ, nhưng theo quyết định của tòa án thì cháu ở với bố.
Thực sự tôi cũng không biết mình đi thêm bước nữa như vậy liệu có tốt cho các con của mình hay không? Tôi nghĩ rằng lấy chồng gần con gái lớn thì tôi có điều kiện về thăm con nhiều hơn. Nhưng tôi quyết định như vậy, với thực trạng như bây giờ, tôi thấy không ổn về mặt tâm lí cho con gái tôi.
Tôi phải làm gì bây giờ? Tôi thực sự rối bời và rất thương con. Công việc của tôi ổn định, nhưng tiền lương được 6tr/ tháng. Tôi cũng không làm thêm được, vì ngoài giờ làm việc, tôi còn đưa đón con đi học.
Chị giúp tôi xem tôi nên làm gì bây giờ? Con cái là động lực sống của tôi. Bây giờ mà cả 2 con đều về ở với bố cháu, thì tôi không biết phải sống như thế nào. Làm thế nào để con tôi được thoải mái?
Trần Nga
|
Ảnh minh họa |
Chị Trần Nga thân mến,
Điều đầu tiên Hạnh Dung muốn nói với chị là mọi gia đình chắp nối, nhiều dòng con, đều sẽ có những vấn đề vô cùng căng thẳng.
Chuyện bố dượng, mẹ kế, chuyện con anh, con em, chuyện con ở với cha hay với mẹ.... luôn luôn có hàng tỷ vấn đề cần phải có thời gian, và rất nhiều tình yêu thương, sự bình tĩnh, kiên nhẫn, sáng suốt, tỉnh táo... để giải quyết từ từ, từng vấn đề một.
Biết như vậy để chị có thể bình tĩnh suy nghĩ cùng với chồng, cùng anh tìm những giải pháp, giúp đỡ nhau tạo nên một gia đình hạnh phúc.
Trước hết, chị hãy suy xét cho kỹ: chị lấy chồng lần này có dựa trên tình yêu thật sự hay không? Anh và chị có từng nghĩ tới những khó khăn sẽ gặp hay không? Có chuẩn bị tinh thần cho những khó khăn đó hay không? Có đề ra những quy tắc chung trong việc đối xử với con của cả hai bên hay không?
Khi lấy anh làm chồng, là chị muốn cho con mình một mái gia đình, thì chị có nhìn thấy ở anh những phẩm chất của một người sẽ cho chị chỗ dựa tinh thần và vật chất, một người có thể làm bố của con chị, yêu thương con chị, cùng chị nuôi dạy các con riêng, con chung thật tốt hay không?
Vì là một gia đình chắp nối có đủ "con anh", "con em", và anh chị còn mong muốn có "con chúng ta", nên không thể để mọi việc cứ tự do phát triển, tới đâu giải quyết tới đó được.
Anh chị cần phải bàn bạc cùng nhau, chuẩn bị trước cho nhau, và biết rõ hướng đi của con thuyền gia đình mình, để lèo lái cho đúng đích đến, những khi nó gặp phong ba bão táp.
Nếu tất cả những điều đó, chị và chồng mới đều chưa hề bàn tới, thì anh chị cần ngồi lại nói chuyện với nhau thật nghiêm túc. Đây không phải là vấn đề của riêng chị - khi con gái nhỏ không thích ở chung với chị và bố dượng. Nó chỉ có vấn đề khi anh chị không thể bàn bạc, chia sẻ, thống nhất với nhau cách chăm sóc, trò chuyện cùng con cái mà thôi.
Nếu chồng mới của chị hiểu những nỗi lo của chị, thương chị và cháu bé, sẵn sàng cùng chị làm những gì tốt nhất cho cháu, thì mọi việc tạm thời vẫn ổn chị à, chỉ cần chị và anh ấy cố gắng. Nhất là khi chị nhận xét rằng anh ấy và gia đình anh ấy đều yêu thương cháu, những trêu đùa của anh và con anh đều được điều chỉnh ngay lập tức.
Cháu đang ở vào thời kỳ hết sức căng thẳng vì sự xuất hiện của những người mới, chị nên tránh bớt việc la mắng cháu vì nóng giận. Chỉ nên trò chuyện, tìm hiểu vì sao cháu ương bướng, không nghe lời, cố gắng hiểu cháu, thông cảm với cháu. Bởi chính cháu cũng đang hết sức sợ hãi, bối rối, hoang mang...
Cháu lớn thì muốn ở với chị, cháu nhỏ lại muốn về với ba, điều ấy khiến Hạnh Dung nghĩ rằng các cháu đơn giản là đang có quá nhiều cảm xúc không xác định mà thôi. Thời gian 4 tháng có lẽ còn quá ít để các cháu có được cảm nhận chính xác mọi người mới, hoàn cảnh mới.
Có thêm con trong lúc này, khi chị còn chưa biết mình phải làm gì để ổn định tâm lý của con và của chính mình, kinh tế chị lại không dư giả, theo Hạnh Dung là một quyết định khiến chị và chồng mới gặp nhiều khó khăn hơn.
Khi đó, cháu bé sẽ thấy tủi thân, xa cách khi mẹ phải tập trung vào em bé mới. Tiền bạc thiếu thốn có thể khiến chị căng thẳng hơn. Cho nên, việc này, Hạnh Dung nghĩ rằng chị nên chậm lại một chút, để có thêm thời gian gần gũi và giúp các con ổn định.
Chị đã có một người chồng, gia đình chồng mới thông cảm và thương yêu con chị. Đó là điểm cơ bản rất tốt để chị có thể thu xếp mọi việc. Hãy cứ bình tĩnh và đừng quá lo lắng, áp lực lên mình và con cái. Cho thêm bản thân và mọi người cơ hội gần gũi, hiểu nhau và yêu thương nhau, với niềm tin vào chính mình và chồng mới, chị nhé!
Hạnh Dung
Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn