Mẹ đi lạc miên man theo ký ức

28/10/2017 - 13:41

PNO - Có lẽ lường trước được điều này nên Dũng đã cẩn thận cài một phù hiệu có ghi số điện thoại, địa chỉ nhà lên áo bà, và đặt niềm tin vào lòng tốt của những người đi đường.

“Mừng quá đã tìm được má của Dũng.
Xin cảm ơn mọi người rất nhiều. Anh Tuấn đã tìm được bà và đang đưa về. Cảm ơn tất cả sự quan tâm và đã chia sẻ của mọi người.

Me di lac mien man theo ky uc
 

Cảm ơn mọi thứ tốt đẹp trong cuộc sống”.

Vài dòng ngắn ngủi trên trang cá nhân của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đã xua tan lo lắng trong lòng những người biết câu chuyện của anh. Có lẽ họ hình dung được gương mặt người đàn ông từng làm mưa làm gió nền điện ảnh Việt một thời, cách đó hai giờ, đã hoảng loạn thế nào khi biết tin mẹ đi lạc.

Cũng gương mặt ấy, sau khi tìm lại được hình bóng thân thuộc, đã từ từ giãn ra với nụ cười rạng rỡ. Họ thậm chí có thể còn nghe cả tiếng thở phào nhẹ nhõm của chính mình, bởi lẽ ai cũng có một người mẹ để yêu thương, và ai rồi cũng đến lúc chứng kiến chiếc lá vàng mệt mỏi, héo úa rồi ngẩn ngơ lìa cành, để lại khoảng trống bơ vơ ngay chính nơi nó vừa từ đó rơi xuống.

Mẹ Dũng đi lạc. Cụ đã lẫn và việc rời nơi này đến một nơi nào đó hoàn toàn diễn ra trong vô thức. Có lẽ lường trước được điều này nên Dũng đã cẩn thận cài một phù hiệu có ghi số điện thoại, địa chỉ nhà lên áo bà, và đặt niềm tin vào lòng tốt của những người đi đường.

Sự thận trọng của anh không thừa. Nó giúp anh tìm lại mẹ chỉ hai giờ sau khi lời cầu cứu được anh phát đi. Niềm vui gặp lại mẹ sau những thời khắc bấn loạn với nỗi lo mất mẹ chẳng khác cái hạnh phúc được mẹ sinh ra lần nữa là mấy.

Một đôi lần tôi từng hình dung tuổi già của mình và thấy rờn rợn vì sự cô độc hoàn toàn không phải là cảm giác dễ chịu. Nghĩ đến cuộc sống thui thủi những ngày sức tàn, lực kiệt, tôi cảm nhận rõ ràng nỗi buồn của những giọt nắng cuối ngày, nhạt dần ở phía đường chân trời và khuất hẳn vào bóng tối.

Một cuộc “tẩy não” nhẹ nhàng theo quy luật sinh tồn sẽ giúp người già dễ chịu hơn chăng? Họ sẽ không còn nhớ mình là ai, từ đâu đến, không biết yêu ghét hay giận hờn, cô đơn hay hạnh phúc, cũng không nuối tiếc quá khứ lẫy lừng hay ân hận vì chưa thực hiện được một ước nguyện nào đó khi còn có thể.

Lúc nào họ cũng hân hoan như một đứa trẻ. Tôi đã từng nghĩ vậy, dẫu không thể khẳng định được suy nghĩ ấy đúng hay sai, vì tôi vẫn chưa đủ già cho một trải nghiệm “tẩy não” tự nhiên.

Me di lac mien man theo ky uc
 

Chỉ có một điều tôi chắc chắn là nỗi buồn của những người con của một người mẹ già yếu sẽ còn lớn hơn nhiều. Đúng hơn là sự hụt hẫng vì cảm giác mất mẹ dần dần, từ tốn, dù mẹ vẫn còn hiển hiện rõ ràng, sờ được, chạm được; nhưng đau đớn làm sao, mẹ không còn nhận ra cái đứa ngồi trước mặt mình là đứa con chính mẹ đã tạo ra. Nỗi lo mất mẹ lúc nào cũng canh cánh, để đến khi mẹ bất ngờ đi lạc, để lại một khoảng trống không thể nào bù đắp, thì nỗi lo đã vỡ òa thành nỗi đau mất rồi.

Mẹ của mẹ tôi - bà ngoại, một thời gian ngắn trước khi mất cũng không thể nhận ra con cháu. Mọi hành động của bà diễn ra trong niềm vui vô thức của bản thân và sự xót xa có ý thức của người thân. Mẹ tôi lẳng lặng chăm sóc bà bằng tình yêu của một đứa con. Vài lần vui miệng, bà hỏi mẹ: “Cô ơi, cô là ai mà tốt với tôi vậy?”.

Mẹ gạt nước mắt: “Thôi bà thấy tốt là tốt rồi. Con là ai có quan trọng gì. Bà cứ khỏe mạnh là con mừng”. Cuối đời, bà đã sống hồn nhiên bên một cô-gái-tốt. Mẹ nói đó chính là phước phần mà mẹ có được. Mẹ không mong gì hơn thế.

Mẹ Dũng đi lạc. Và có thể mẹ của ai đó trong chúng ta cũng sẽ đi lạc vào một ngày nào đó. Chỉ mong sao những người mẹ già đã có một quãng đời thực sự đáng sống, bên cạnh những cô gái, chàng trai thực sự tốt, dù ở phía cuối đường chân trời, nắng đã sắp tắt và chuẩn bị chìm dần vào bóng tối. 

Hồng Hạnh

Hãy chăm sóc mẹ là tên cuốn sách best-seller năm 2009 ở Hàn Quốc và đã trở thành hiện tượng văn học, xuất bản tại Việt Nam năm 2013. Câu chuyện xứ người nhưng lại vô cùng nhân văn và gần gũi với mỗi gia đình Việt có mẹ già, làm bao người đọc rưng rưng. Gần giống chuyện nhà của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, tác phẩm bắt đầu bằng thông tin hết sức ngắn gọn: “Mẹ bị lạc đã một tuần”.

Tận tới khi mẹ mất tích, đám con mới nháo nhào, hoảng loạn hiểu rằng, cuộc đời mình cần mẹ biết bao, mẹ có ý nghĩa với mình biết bao, dù ngày thường mẹ chỉ ngồi yên đó, tĩnh lặng trong những ký ức miên man.

Nếu còn mẹ, xin đừng dửng dưng và đừng quên con cái chính là hạnh phúc lớn nhất của người mẹ. Đó là thông điệp tác giả Shin Kyung Sook gửi gắm. Yêu thương và chăm sóc mẹ không phải vì mẹ, mà vì chính bạn, cho chính bạn.

Me di lac mien man theo ky uc
 
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI