Mẹ dẫn con vào thế giới âm thanh

20/04/2022 - 05:39

PNO - Thiếu kiến thức, khó khăn về tài chính, thiếu các dịch vụ hỗ trợ, nhiều gia đình buông xuôi, cam chịu số phận và cuộc sống những đứa trẻ khiếm thính rẽ hẳn sang một hướng khác.

Dù biết con trai bị khiếm thính, nhưng chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh (thạc sĩ giáo dục phổ thông - chuyên gia giáo dục đặc biệt của Trường tiểu học LAUSD, California, Mỹ) vẫn sốc khi bác sĩ nói: “Bé điếc nặng, đeo máy chẳng ăn thua!”.

Chị Hạnh khóc, chìm trong nỗi hoang mang. Bất giác, cậu bé ba tháng tuổi quay sang quờ mặt mẹ. Cử chỉ của con làm chị thức tỉnh với câu hỏi: “Mình cứ nằm khóc thì ai lo cho con đây?”.
 

Chị Thanh Hương và con gái
Chị Chử Thị Thanh Hương luôn bên con gái trong hành trình đi tìm tiếng nói


Không có bà mẹ nào tồi

Trong buổi hội thảo online “Làm thế nào để giúp trẻ khiếm thính tập trung trong học tập” trước ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4, chị Hồng Hạnh mở đầu với nụ cười ấm áp: “Tôi nuôi con khiếm thính, nên từ lâu tôi xem tất cả những gia đình có con khiếm thính trên thế giới này như người nhà. Lo mưu sinh kiếm tiền nuôi con, mua máy móc trợ thính cho con, tạo điều kiện cho con học hành, cha mẹ nào cũng sẽ có lúc tinh thần rất tệ. Hãy cố gắng vững vàng, lạc quan! Con mình dù có thế nào cũng là nhất đối với mình, là vàng là ngọc của mình và con sẽ tiến bộ nếu cha mẹ luôn đồng hành tích cực, đúng hướng”. 

“Mỗi nhà mỗi cảnh”, nhưng phụ huynh của trẻ khiếm thính nào cũng trải qua những cung bậc cảm xúc: buồn rầu khi các can thiệp y khoa chưa đạt hiệu quả hoặc khi con lỡ chửi bậy một câu mà không tự nhận biết; vỡ òa vui sướng khi nghe con “cãi tay đôi” với anh chị, chứng tỏ con bắt đầu nghe - nói tốt.

Sự tham gia của những người thân trong gia đình hoặc hỗ trợ tích cực hoặc vô tình lấy đi động lực của cha mẹ trong việc chăm lo cho con khiếm thính (ví dụ ông bà có thể nói “đầu tư vào nó làm gì cho hao phí, để dành đầu tư vào đứa lành lặn!”). So sánh, suy nghĩ tiêu cực làm cho con cái và phụ huynh “chết dở”, trong khi phụ huynh cần thật nhiều năng lượng để đưa con đi can thiệp sớm, cho học hành, hòa nhập. 

Có người mẹ trẻ bộc bạch: “Em là người mẹ tồi. Em làm tất cả vì con để con nghe được nói được, nhưng đến một ngày con lại hét lên “con ghét mẹ!”. Chỉ khi nào con em chết may ra em mới thoát nợ”. Người mẹ khác ngồi đối diện đã thấu hiểu do chịu quá nhiều áp lực, người mẹ trẻ ấy mới tuyệt vọng thế. “Em đã bán xe, bán nhà, để chạy chữa cho con, cho con ăn học, vậy em nghĩ mình là người mẹ tồi hay người mẹ tốt? Đặt trường hợp phụ huynh khác có hoàn cảnh như em chắc gì họ đã nỗ lực vì con như em?” - sự thấu cảm và lời động viên của người đồng cảnh giúp cho người mẹ trẻ thôi đớn đau, dằn vặt. 

Chị Hoàng Yến, phụ huynh ở Q.1, TP.HCM, kể có khi tinh thần chị sút giảm về “số 0”, nhất là những lúc cáu giận vì dạy hoài mà con vẫn không tiếp thu được, không đánh vần được. Lúc ấy, lại chính đứa con áp dụng phương pháp giúp mẹ trấn tĩnh, bé giơ hai tay, múa may với điệu bộ ngộ nghĩnh học được từ ai đó, khiến mẹ bật cười, quên buồn lo.

Con đã bật ra tiếng gọi mẹ 

Chị Chử Thị Thanh Hương (Hà Nội) nghẹn giọng khi hồi tưởng chuyện những người mẹ nuôi con khiếm thính có hành động tiêu cực, muốn “nhảy cầu tự tử”. Họ đều thất thần, hoảng loạn khi gọi cho chị và chị kịp thời dìu họ qua khoảnh khắc suy sụp. Những cuộc gọi đầy ám ảnh ấy thôi thúc chị tiến xa hơn nữa, dấn thân hơn nữa trong công tác xã hội với vai trò Chủ tịch Hội Cha mẹ trẻ khiếm thính Việt Nam (VNAP HLC - thành lập được mười năm, hiện đổi tên là Hội Cha mẹ trẻ khiếm thính và người khiếm thính Việt Nam. Trang fanpage: Hội Cha mẹ trẻ khiếm thính và người khiếm thính Việt Nam). 

Chị Thanh Hương tiếc rằng: “Thiếu kiến thức, khó khăn về tài chính, thiếu các dịch vụ hỗ trợ và đặc biệt phụ huynh không nhận ra vai trò của mình khiến nhiều gia đình buông xuôi, cam chịu số phận và cuộc sống những đứa trẻ đó rẽ hẳn sang một hướng khác mà lẽ ra có thể tốt hơn”.

Từ 30 thành viên ban đầu, hiện hội đã thu hút trên 4.000 thành viên. Họ cùng tham gia rất nhiều chương trình nhân văn: tặng máy trợ thính cho trẻ nghèo, tổ chức chuyên đề học tập, phòng chống xâm hại tình dục, hướng nghiệp, bảo vệ môi trường, trải nghiệm thực tế qua các hoạt động văn hóa cổ truyền (thăm làng nghề, làng tranh Đông Hồ, nặn tượng đất, hội chợ Trung thu), lớp yoga, mỹ thuật, tiếng Anh trong buổi sinh hoạt cuối tuần. Các buổi hội thảo cùng chuyên gia cũng giúp phụ huynh có thêm kiến thức, hiểu biết về chính sách, tự tin hơn và quyết tâm đồng hành cùng con.

Chị Thanh Hương chia sẻ: “Hồi xưa, có đêm tôi nằm mơ thấy con gọi “mẹ ơi!”. Sực tỉnh dậy mới biết đó chỉ là giấc mơ và nước mắt tôi tuôn rơi, không ngủ lại được”. Lời kể chân tình của chị Hương làm thắt lòng người nghe.

Bé Hồng Anh - con chị Hương - từng đeo máy trợ thính và đến trường học tập, hòa nhập cùng bạn bè. Lên lớp Ba, con lại bị điếc hoàn toàn tai bên phải. Lại là một cuộc tranh đấu để chọn phương tiện nghe nói hay dùng ngôn ngữ ký hiệu. Cuối cùng, gia đình đã quyết định cấy điện cực ốc tai cho Hồng Anh ở tuổi lên mười.

Chị Thanh Hương từ bỏ sự nghiệp, dành toàn thời gian chăm sóc con, đã mày mò tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật ở nước ngoài cũng như dịch tài liệu, phiên dịch cho các đoàn công tác về trẻ khiếm thính ở nước ngoài đến Việt Nam. Những gì học hỏi, thu nhặt được, chị áp dụng để dạy con và chia sẻ với các phụ huynh khác 
trong hội. 

 

Mẹ bỏ sự nghiệp, để dành thời gian cho con
Mẹ bỏ sự nghiệp, để dành toàn thời gian cho con


Một lần, chị Thanh Hương nhận được cuộc gọi lạ. Thì ra Hồng Anh đã chủ động mượn điện thoại của một cô trong ban phụ huynh lớp và gọi mẹ đến đón. Hai bà mẹ vô cùng ngạc nhiên, xúc động.

Chị Thanh Hương “bật mí” Hồng Anh có chút năng khiếu về hội họa, các tác phẩm của Hồng Anh đã được Doanh nghiệp xã hội Vì người khiếm thính Việt Nam (SHE+) ứng dụng làm một số sản phẩm in ấn. Ngoài ra, Hồng Anh còn trợ giảng cho các chị tình nguyện viên của lớp mỹ thuật dạy các em khiếm thính. 
Học tiếng Việt với trẻ khiếm thính như là học “ngoại ngữ”, vì vậy cần phải tạo môi trường nghe nói nhiều, luyện từ giúp trẻ nghe hiểu tốt hơn. Trước giờ đi ngủ hai mẹ con chị Thanh Hương chơi trò đoán chữ bằng cách viết lên lưng con, trước kia là tiếng Việt, giờ đây là tiếng Anh. 

Với hình tượng chiếc xe đạp có người cầm lái là trái tim và người ngồi yên sau là bộ não, chị Hồng Hạnh nhắn gửi: “Phụ huynh hãy hành động bằng cả lý trí và trái tim yêu thương. Để trái tim dẫn dắt, mọi thứ sẽ đi theo. Đừng nghĩ mình hoàn cảnh khó khăn, thời gian eo hẹp, tiền bạc thiếu hụt sẽ không có cơ hội cho con. Hãy nghĩ mình đã thử và đang cố gắng, mình đã làm tốt và sẽ làm tốt hơn cho con”. 

Niềm vui của chị Chử Thị Thanh Hương khi con gái Hồng Anh ngày một nghe nói tốt, giao tiếp tự tin
Niềm vui của chị Chử Thị Thanh Hương khi con gái Hồng Anh ngày một nghe nói tốt, giao tiếp tự tin
 

Một số lưu ý khi cha mẹ giúp trẻ khiếm thính tập trung học

- Trẻ không tập trung là bình thường. Trẻ chỉ tập trung vào điều mình thích và trẻ không tập trung chú ý cũng chẳng phải là lỗi của trẻ. Vì thế, cha mẹ cần nhẹ nhàng, kiên nhẫn, giữ thái độ bình tĩnh (trẻ khiếm thính nhìn nhận bằng mắt rất giỏi). 

- Đừng nhìn vào hiện tượng không mong muốn (như con lơ là, nghịch, lười học) mà hãy nhìn thấu phần chìm của “tảng băng”: máy có hỏng không, con có đói, mệt mà không bày tỏ được (đeo máy rất mệt mỏi, căng thẳng), bài học có khó hiểu quá không, có món đồ chơi hấp dẫn hoặc các trẻ khác đang đùa giỡn gần đó không, cha mẹ có đang cáu gắt khiến con lo sợ…

- Cha mẹ cần để ý, tìm hiểu, đặt mình vào vị trí của con. Gây sự chú ý trước khi nói với con, nói chậm, nói câu thật ngắn. Bắt đầu ngồi là học ngay, không rề rà, nhưng chỉ học nhanh rồi nghỉ. Dạy con biết đâu là trọng tâm, gạch chân ở ý chính.

- Cha mẹ cần hài hước, có khi như diễn viên, có khi giả vờ thua con, có khi để con chỉ bài trẻ khác (thật vui và oai phải không?). Cha mẹ gắn bài học với hình ảnh, hoạt động trực quan sinh động. Những vật dụng có sẵn trong nhà như chén đũa, hạt đậu, giấy nhám, xe hơi đồ chơi, sách, thú bông… đều có thể tận dụng đưa vào bài học cho con. Ví dụ: con ra vườn lấy lá cây khô xếp tên mình thay vì ngồi vào bàn viết bằng bút.

- Dành thời gian lập kế hoạch cho trẻ và cả cha mẹ. Tìm kiếm sự hỗ trợ của chuyên gia, phụ huynh khác hoặc người thân về kiến thức, kỹ năng và giúp cha mẹ giảm stress để dưỡng sức chạy đường dài. 


Thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Hạnh
Nguyễn Thắng (ghi)

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI