|
Việc sinh nở giúp tôi kết nối sâu sắc hơn với mẹ tôi và những người phụ nữ đã đến với cuộc đời tôi |
Tôi nhớ tôi đã hỏi mẹ tôi rằng: “da con màu gì hả mẹ?”.
Tôi có cha xuất thân là người Đức nhập cư và mẹ tôi là người da màu, một tầng lớp được cho là nô lệ. Nhưng khi tôi đi học, các mẫu đơn ở trường tiểu học Tennessee chỉ liệt kê ba lựa chọn: da trắng, da đen và khác...
“Mẹ là mẹ của con, con là con của mẹ, từ cơ thể của mẹ mà ra" - mẹ tôi hiền từ trả lời tôi khi tôi đặt câu hỏi đó với mẹ.
Khi đó, tôi không hiểu rõ những lời mẹ nói nhưng sau này, tôi biết đó là một món quà từ mẹ và nó đã bén rễ trong tôi tự bao giờ để tôi có thể trải nghiệm thế giới này theo cách của mình.
***
Là một nhiếp ảnh gia, tôi dành nhiều thời gian để ghi lại thiên chức của phụ nữ - sinh nở và làm mẹ. Công việc này đã cho tôi nhiều trải nghiệm, từ những khoảnh khắc đẹp đẽ đến những nỗi đau xé lòng.
Tháng 12 năm ngoái, tôi mang thai. Trong thời gian đó, tôi nhớ lại tất cả những phụ nữ mà tôi từng gặp, từng câu chuyện họ đã chia sẻ với tôi suốt những năm qua.
Tôi bận rộn với công việc trong tam cá nguyệt đầu tiên. Rồi ngay khi tôi bước vào giai đoạn thứ hai, đại dịch COVID-19 đã tấn công nước Mỹ. Anh trai tôi đang sống ở Hồng Kông, nơi mọi người được khuyến cáo về sự nguy hiểm của loại vi-rút này từ sớm nên tôi đã theo dõi tin tức về COVID-19 suốt thời gian dài và thực hiện các biện pháp phòng ngừa từ rất sớm.
Tôi hủy bỏ tất cả dự án của mình và cách ly tại nhà ở thành phố Los Angeles, bang California. Bởi giờ đây tôi không thể chụp ảnh câu chuyện của người khác, chồng tôi khuyến khích tôi ghi lại trải nghiệm của chính mình trong thời kỳ mang thai một cách khác biệt. Tôi bắt đầu cho ra những bức ảnh về cuộc sống của chúng tôi: bàn tay tôi lơ lửng trên chiếc bụng đang ngày một lớn. Tôi chụp lại chiếc bánh chồng tôi mua sau khi chợt nhớ rằng chúng tôi quên kỷ niệm ba năm ngày cưới do quá bận rộn với em bé trong bụng...
|
Tôi đã phải trải qua những lần khám thai quan trọng mà không có chồng bên cạnh vì anh ấy phải tuân thủ các quy tắc giãn cách do dịch COVID-19 |
|
Tuy nhiên, việc mang thai đã khiến tôi cảm thấy dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết và ý tưởng về việc sinh con đầu lòng trong một trận đại dịch đã khiến suy nghĩ của tôi trở nên rối rắm. Vì COVID-19, các cuộc thăm khám định kỳ trực tiếp của tôi biến thành các cuộc tư vấn qua điện thoại. Điều này khiến tôi vô cùng lo lắng. Tôi nghĩ lại số liệu thống kê đã đọc được trong báo cáo về tỷ lệ tử vong của các bà mẹ. Chưa kể, tôi còn đọc được rằng phụ nữ da đen ở quốc gia này có nguy cơ tử vong khi sinh con cao gấp ba lần phụ nữ da trắng. Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi gặp sự cố? Điều gì sẽ xảy ra nếu họ không thể chẩn đoán được các nguy cơ qua điện thoại?
Tôi gọi đi gọi lại và rồi bệnh viện cũng xiêu lòng. Cuối cùng, khi được siêu âm và nghe bác sĩ nói rằng mọi thứ đã đi đúng hướng, tôi cảm thấy thật nhẹ nhõm. Giây phút đó, tôi ước rằng chồng tôi có thể đứng cạnh mình trong phòng khám chứ không phải qua Facetime từ hầm gửi xe.
***
Vài tuần sau, tôi đọc được tin thanh niên da màu Ahmaud Arbery, bị ba người da trắng giết hại chỉ vì đi ngang trước nhà của họ và bị lầm tưởng là kẻ trộm. Một nỗi tuyệt vọng quen thuộc ập đến trong tôi. Khi George Floyd bị sát hại vài tháng sau đó, tôi nhận ra mình cần phải làm việc để biến sự trống rỗng này thành động lực.
Tôi lại bắt đầu làm việc, cân nhắc những rủi ro trước mỗi nhiệm vụ vì tôi muốn giúp những phụ nữ da màu quanh tôi ghi lại khoảnh khắc đáng nhớ này trước khi con gái tôi chào đời. Bằng việc làm của mình, tôi muốn dạy cho con biết tầm quan trọng của những câu chuyện được kể bởi những người da đen.
***
Tôi cũng dành nhiều thời gian để suy nghĩ về mối quan hệ ràng buộc giữa những người phụ nữ. Tôi nghĩ về mẹ tôi và chị gái tôi. Nếu chúng tôi không phải đang sống trong đại dịch, những phụ nữ ấy chắc chắn sẽ bay đến Los Angeles để tắm cho con tôi hoặc đến trước ngày dự sinh của tôi để cùng tôi chờ đón đứa trẻ. Tôi nghĩ về các bác sĩ của mình - tất cả đều là phụ nữ da đen. Tôi cảm thấy biết ơn và được an ủi sâu sắc khi biết họ là những người sẽ chăm sóc tôi suốt thai kỳ.
Trước đây, qua những câu chuyện từng nghe, tôi đã biết về cảm giác khi bác sĩ không quan tâm đến cơn đau của người mẹ. Giờ đây, tôi biết điều đó sẽ không xảy ra với mình. Tôi nghĩ về bạn bè, cộng đồng của mình và cảm giác lần đầu làm mẹ trong giai đoạn bị cách ly vì đại dịch. Tôi sẽ không có được sự giúp đỡ từ những người xung quanh, những người mà nhiều năm sau đó có thể nói với con gái chúng tôi rằng họ đã bế con bé khi nó vừa chào đời. Tôi cũng nghĩ về những phụ nữ trong suốt lịch sử - những phụ nữ đã sống sót sau chiến tranh, đại dịch, sẩy thai… Sự kiên cường của họ tiếp thêm cho tôi sức mạnh nhiều hơn bao giờ hết.
|
Trong nhiều tuần tôi không rời khỏi nhà, tôi đã nghĩ về tầm quan trọng của việc chạm vào/được chạm vào và làm thế nào một con vi-rút đã thay đổi hành động đơn giản như vậy của con người |
Tôi hy vọng được sinh tự nhiên tại nhà nhưng tôi cũng muốn sinh trong bệnh viện để đề phòng biến chứng. Nhiều biến cố đã xảy ra từ khi tôi bước vào quá trình sinh nở. Chồng tôi chưa được phép vào bệnh viện vì các giao thức COVID-19, vì vậy tôi cảm thấy rất nhiều áp lực để đưa ra lựa chọn đúng đắn. Đôi khi, tưởng chừng không thể chịu đựng nổi cơn đau thêm một giây phút nào nữa, tôi kéo khẩu trang xuống và thở hổn hển. Cuối cùng, vào lúc 9g50 tối một ngày thứ Ba trong tháng Tám, con gái chúng tôi đã đến. Thì ra tôi đã chuyển dạ trong hơn 24 giờ.
Chúng tôi đặt tên con bé là Luna Pearl, theo tên bà của tôi, Pearl Randolph, một phụ nữ da đen đã nuôi dạy 11 người con. Bà làm công việc đỡ đẻ tại cộng đồng nông thôn ở quê nhà bang Virginia và bà đã tìm ra một cách giúp các chuyến xe buýt đưa đón học sinh được an toàn hơn.
Tôi muốn con gái tôi, một phụ nữ da đen, biết nó xuất thân từ đâu, nó đã chào đời trong một bối cảnh lịch sử đặc biệt thế nào. Tôi chưa biết trải nghiệm của con gái mình ở đất nước này ra sao hoặc nó sẽ khác với tôi như thế nào nhưng tôi sẽ dạy con mình rằng, con chính là hậu duệ của những người không phải là nô lệ, mà là con người. Con người, dù bị áp bức sâu sắc vẫn sống mạnh mẽ và hào hiệp.
“Mẹ là mẹ của con, con là con của mẹ, từ cơ thể của mẹ mà ra" - tôi sẽ nói với con gái mình như vậy với hy vọng rằng điều đó sẽ bén rễ bên trong con bé như cách nó đã bắt rễ trong tôi.
Tú Quyên - Ảnh: Bethany Mollenkof