Bạn thử tưởng tượng, một ngày đứa trẻ lên mười là con gái của bạn viết một bài tập làm văn già trước tuổi thế này: “Mẹ em rất giỏi giang. Mẹ có thể gõ bàn phím máy tính bằng mười ngón nhoay nhoáy mà không cần phải nhìn. Tay mẹ em thon dài, trắng mịn, bạn mẹ hay khen là “cổ tay đẹp nhất quả đất”. Mẹ thi thoảng lại xài một thứ kem dưỡng gì đấy, bôi lên tay rất thơm. Cứ cách tuần mẹ em lại ra tiệm cắt giũa móng tay một lần. Bàn tay mẹ mỗi khi áp vào má em rất mềm mịn dịu dàng, em thích lắm…”.
Sang chảnh thấy ghét quá phải không nào! Bạn thử hình dung lại một bài văn tả đôi bàn tay mẹ của thời bạn còn đi học xem. “Tay mẹ em chai sần vì vất vả làm đủ thứ việc. Từ cho heo ăn tới lau dọn nhà cửa, nấu cơm, giặt giũ …”, đại loại thế. Bạn thích “làm mẹ” theo kiểu hiện đại hay truyền thống?
Trên mạng, có người đúc kết thành một “cẩm nang” tổng hợp: mẹ càng ăn mặc thời trang, con càng tự tin. Mẹ có thân hình đẹp, con càng kiêu hãnh. Mẹ càng ham học hỏi, con càng chăm chỉ học hành. Mẹ càng yêu bản thân, con càng có tính độc lập. Mẹ càng chia sẻ yêu thương, con càng rạng rỡ sáng sủa. Mẹ càng chân thành thân thiện, con càng ngay thẳng. Thế nên đàn bà sống không vui, không thú vị, lấy đâu ra những đứa con thú vị vui sướng. Đàn bà cam chịu, trách sao con cái khổ sở hèn mọn…
Ngày đứa em dâu quyết định ẵm con rời khỏi nhà, chọn cho mình lối đi khác, chị Hà ngậm ngùi phụ em dọn dẹp, kèm theo một câu rằng “cho chị thay mẹ xin lỗi em”. Rồi cả hai người phụ nữ òa khóc nức nở.
Mẹ chị Hà cả đời không đi làm, ít giao thiệp bên ngoài xã hội. Bà thích suy diễn, chẳng ưa ai là thấy toàn khuyết điểm, ghét cay ghét đắng, lúc nào cũng muốn gây gổ. Bà có cách thể hiện yêu thương khá lạ lùng, là chăm chú vô chuyện ăn chuyện mặc của con cái, còn tinh thần chúng căng thẳng mỏi mệt áp lực, đối với bà đấy là… không thật. Đi làm văn phòng sướng muốn chết mà còn về nhà than thở là không được, vô lý lắm!
Chị Hà nhiều lần cảm thấy ngại với đứa con gái đã gật đầu về làm dâu nhà mình. Nó có tội tình gì mà phải chịu đựng cuộc sống nhiều khổ sở dằn vặt của cảnh mẹ chồng nàng dâu kiểu ấy. Mẹ khắc nghiệt quá, sao không thử một lần đặt mình vào vị trí dâu con...
Chia sẻ cùng nỗi niềm em dâu, nên chị Hà vô tình trở thành tội đồ trong mắt mẹ, “chắc cùng một giuộc nên mới bênh vực người dưng”. Ngậm ngùi, chị Hà bảo, là người giữ lửa mà mẹ khiến cho gia đình mọi thứ trở nên tan nát hết, chị em lảng tránh tự sống cuộc đời nhiều phiền muộn của riêng mình… Thương mẹ tuổi xế chiều thui thủi ra vào trong căn nhà vắng vẻ, nhưng chị Hà cũng đành chịu.
Tôi nhớ ngày xưa mẹ tôi một nách bốn đứa con, nghèo rớt mùng tơi, đi bán bánh ú, bán đủ thứ hoa trái trong vườn mới đủ trang trải trong ngoài. Vậy mà sớm tinh mơ nào cũng thấy mẹ tập bài thể dục cơ bản trên một chiếc chiếu rách tơi tả. Cảnh đó tôi chưa bao giờ quên, như một cách để nhắc nhớ rằng, một người phụ nữ dù khó khăn bi đát nhất vẫn quý trọng chăm sóc bản thân mình.
Tôi luôn thầm biết ơn mẹ mình, một bà mẹ rất văn minh, chưa bao giờ hối thúc con gái lấy chồng, không lần nào nhắc nhở con gái phải nhanh nhanh sinh con, cũng chẳng khuyên nhủ con gái phải cố hy sinh vì chồng con này nọ. Mẹ thường chỉ quan tâm tôi vui hay buồn, có khỏe đẹp hay không mà thôi…
Mẹ bảo, hồi bằng tuổi tôi bây giờ, mẹ đã quá vất vả vì chồng con, thế nên tôi nhất định phải sống khác, phải làm bất cứ điều gì mình thích và tìm mọi cách để mình đẹp, miễn sao không ảnh hưởng tới sức khỏe là được.
Càng sống trong cuộc đời dâu bể này, tôi càng thấy suy nghĩ ấy của mẹ mình sao mà tuyệt vời đến thế. Mẹ tôi tưởng quê mùa mà hóa ra rất hiện đại. Tôi tự hào về mẹ, mừng vô cùng vì may mắn được làm con của mẹ. Nhờ thế, mà cuộc sống của tôi nhẹ nhàng thảnh thơi, tràn ngập niềm vui và nụ cười, không vướng bận ưu phiền.
Bạn tôi có hai đứa con gái, đang cho chúng học cấp II “trường làng” gần nhà, để tiện đưa đón. Nhà có máy nước nóng, phòng ngủ máy lạnh, dưới trệt đặt cây đàn piano, bạn có một cái xe bốn bánh nhỏ cũ, nhưng đủ để con tránh được mưa nắng. Con bạn được dạy rằng, các con “hên” lắm đó, không thiếu thốn gì, có mẹ đủ hiểu biết để dạy con đọc báo xài vi tính, không ép các con học để chạy theo thành tích, các con được tự do phát triển. Đấy là điều không phải đứa trẻ nào cũng có được.
Bạn bảo, một bà mẹ có “trình” sẽ không để cho con gái phải mặc cảm vì béo phì, càng không chạy theo chăm chúng từng ly từng tí. Mà phải dạy con cách tự giữ vệ sinh, biết yêu chiều bản thân, biết cách phối quần áo giày vớ sao cho đẹp. Bạn khuyến khích con tập các môn vận động, kỹ năng như bơi lội, nhảy múa, cho đứa lớn đi học vẽ theo năng khiếu, cho đứa nhỏ tập võ, chơi bóng chuyền theo nguyện vọng.
Bạn dạy con cách biết nấu mấy món ăn đơn giản, phân biệt thực phẩm lành hay độc, biết đề phòng bị xâm hại, xài tiền sao cho hợp lý… Cuối tuần cả nhà đi công viên trượt patin, ra nhà văn hóa la cà chơi các kiểu, chứ không nặng nề học thêm học bớt…
Bạn tin rằng, với chừng ấy hành trang bạn chủ ý dành cho con, đủ để ba mẹ con khi xuất hiện cùng nhau sẽ rạng ngời tươm tất, dù trong tình huống nào cũng tự tin là mình sống được, không phụ thuộc hay yếu đuối. Bạn muốn con mạnh mẽ và độc lập, biết nâng niu bản thân và giá trị chính mình.
Cuối cùng thì, dẫu không giàu có hay đẹp đẽ lộng lẫy, bạn vẫn tin là con gái sẽ tự hào vì mẹ đã dạy mình tất cả những điều tưởng đơn giản và tầm thường ấy…
Ngọc Hằng