Kính gửi chị Hạnh Dung,
Ai cũng nói nuôi con mới hiểu lòng cha mẹ. Em thì thấy khi sinh con, nuôi con, em mới hiểu mẹ em đã có những cách cư xử sai với em từ hồi nhỏ. Dấu ấn của mẹ lên cuộc đời em là dấu ấn tiêu cực.
Khi mang bầu đứa con đầu lòng, mẹ em mong muốn là con trai, thay vào đó em ra đời là một đứa con gái, hơn nữa lại là đứa con gái xấu xí, nước da ngăm đen giống mẹ, chứ không được trắng trẻo như bên nhà nội. Em trai em ra đời chỉ một năm sau đó, được cả gia đình cưng như trứng mỏng.
Chị em em là thực tế bù trừ theo kiểu ở đời ai được hình thức đẹp đẽ thì đầu óc ngu đần và ngược lại. Em học hành dễ dàng, trong khi em trai em thì ham chơi, học dốt. Thế nhưng mẹ đã không công bằng với hai đứa con. Em thường xuyên bị la mắng, chỉ trích, nào là đã xấu gái mà còn xấu tính, người thì còm nhom, tham ăn, giành ăn của em, giành đồ chơi với em, không thương em…
Em đi học thường xuyên là học sinh giỏi, mẹ không bao giờ khen nhưng hễ em trai em được thành tích gì mẹ đi khoe khắp làng xóm. Cách đối xử không công bằng của mẹ khiến tình cảm giữa hai chị em rất nhạt nhẽo. Em cứ có cảm giác em chỉ là một đứa con rơi, không phải con mẹ đẻ ra. Khi lớn thêm một chút, em chỉ mong được thoát ra khỏi gia đình nên thi vô một trường đại học xa nhà.
Bây giờ đã trưởng thành, em không còn oán trách mẹ nữa vì hiểu tính mẹ như vậy. Nhưng khi nuôi hai con, em lại thấy mình rất dễ rơi vào kiểu cư xử thiên vị như mẹ ngày xưa. Em sợ rằng không ít thì nhiều, em chịu ảnh hưởng từ mẹ, như một dấu hằn vô thức. Mong chị chỉ cho em cách để tránh vết xe đổ…
Lý Oanh (TP.HCM)
Em Lý Oanh thân mến,
Những vết thương thời thơ ấu luôn hằn rất sâu trong ký ức, trong tâm hồn con người. Người ta đau đớn vì nó nhưng không dễ dàng chia sẻ với ai, vì vậy càng khó chữa lành. Em ý thức được vết thương ấy trong lòng mình, em cũng lo lắng rằng mình sẽ gây ra những tổn thương cho các con, vậy có lẽ hãy nghĩ đến việc chữa lành vết thương ấy, rồi em sẽ bớt lo lắng hơn vì những hậu quả mà nó có thể gây ra cho thế hệ sau.
Đã bao giờ em nói chuyện với mẹ về cảm giác của em hồi nhỏ? Không cần phải nặng nề, kể lể hay chỉ trích, em chỉ cần thử hỏi xem hồi nhỏ con hay có cảm giác thế này, thế này, mẹ có nhớ không?… Những cuộc trò chuyện sẽ giúp em hiểu cách nghĩ của mẹ. Đôi khi, người lớn thực hiện những việc làm, nói những lời nói… một cách vô tâm, không nghĩ rằng con trẻ sẽ bị tổn thương. Lỗi của người lớn là sự quan tâm không đầy đủ, có thể do giáo dục, có thể do tính cách, cũng có thể do hoàn cảnh gia đình và xã hội.
Nói chuyện dần dần với mẹ rồi em sẽ hiểu hơn rằng có thể mẹ không chủ tâm làm tổn thương em, không cố ý đối xử bất công với em. Nói chuyện cũng sẽ khiến mẹ được nhìn lại quá khứ, vẫn biết là không thể thay đổi được nhưng có thể từ đó mà hiểu em hơn. Đây cũng là phương thuốc giải tỏa, chữa lành bớt những tổn thương trong lòng mình. Từ đó, em sẽ cẩn thận hơn, kiên nhẫn hơn trong cách xử sự với trẻ, không chỉ riêng con em, mà bất kỳ đứa trẻ nào cũng vậy.
Thương con là kiên nhẫn, là công bằng, là tôn trọng con - sự tôn trọng thật lòng, thể hiện ở chỗ giải thích cho con hiểu, trò chuyện với con một cách cởi mở, đặt mình vào vị trí, góc nhìn của con. Một trong những ẩn ức của em ngày xưa là không thể nói chuyện với mẹ. Vậy nay em hãy tìm cách tạo một kênh liên lạc giữa mẹ và con, để bất kỳ khi nào, bất kỳ chuyện gì, mẹ sẽ lắng nghe mà không la mắng, không chỉ trích, không làm lộ bí mật nếu con yêu cầu giữ bí mật.
Mình nên bắt đầu những việc này sớm nhất có thể, em nhé! Chúc em nhẹ nhõm trong lòng và thành công trong việc nuôi dạy con.
|
Có nhiều khoá học giúp chữa lành tâm trí. Ảnh minh họa |
NẾU TÔI LÀ NGƯỜI TRONG CUỘC
Phạm Mai (Q.Thủ Đức, TP.HCM): Hãy học lấy lòng biết ơn!
Tôi đã đọc đi đọc lại rất nhiều lần tâm sự của bạn. Đâu đó quanh đây, những người như bạn nhiều lắm. May mà bạn nhận thức được và nói ra, chứ còn biết bao nhiêu người âm thầm chịu đựng và vô thức trở thành y chang bản sao của mẹ họ dành cho con mình.
Có bao giờ bạn tự hỏi và tìm hiểu xem tại sao mẹ bạn lại hành xử như thế với bạn? Điều đó bắt nguồn từ đâu? Lý do thế nào? Biết đâu mẹ bạn đã lớn lên và chịu tổn thương bởi cách hành xử của ông bà ngoại bạn. Mọi thứ cứ lặp lại một cách vô thức khiến chúng ta cảm thấy hoang mang. Từ nhỏ đến lớn, có bao giờ bạn bất chợt ôm lấy mẹ bạn một cái, nói với bà ấy rằng: “Con yêu mẹ. Con biết ơn vì mẹ đã sinh ra con, nuôi con lớn lên và được học hành đến nơi đến chốn?”.
Bạn đã làm được điều ấy chưa? Biết đâu khi lý giải được nguyên nhân mẹ mình hành xử như thế với mình, bạn lại thấy mẹ đáng thương chứ không đáng trách. Mẹ cần được yêu thương, bạn ạ!
Hiện nay, có rất nhiều khóa học giúp chúng ta giảng hòa với quá khứ. Nếu có điều kiện, bạn hãy cùng mẹ tham gia. Tôi tin rằng việc này sẽ giúp cho gia đình bạn rất nhiều chứ không chỉ riêng bạn.
Lê Linh (Q.9, TP.HCM): Yêu thương là tha thứ
Con cái oán trách cha mẹ là một câu chuyện thỉnh thoảng chúng ta lại gặp. Đọc câu chuyện bạn, tôi thấy chính bạn cần thay đổi bản thân trước thì mới mong con bạn sẽ khác bạn, an vui và hạnh phúc hơn. Trước hết, tôi nghĩ bạn nên học cách yêu thương: yêu mẹ, yêu em trai bạn và yêu các con bạn. Điều này thật ra không dễ. Đôi khi bạn làm gì đó với họ và nghĩ rằng đó là yêu nhưng chưa chắc đúng. Bạn nên tịnh tâm để biết cách yêu đúng hơn.
Tiếp đến, bạn cần học cách tha thứ, đặc biệt là tha thứ cho chính mình. Những vết hằn trong quá khứ dù gì vẫn tồn tại trong bạn. Hãy tha thứ cho mẹ bạn. Hãy nắm lấy tay bà và nói rằng bạn thương mẹ, rằng mẹ hãy sống vui… Hãy làm bất cứ việc gì để cảm thấy nhẹ nhõm.
Tôi từng tham gia một khóa học mang tên Tìm lại chính mình. Cuối buổi học đó, rất nhiều bạn mới biết cách làm sao để hiểu cha mẹ mình hơn. Cuộc đời quá ngắn nên chúng ta phải cảm ơn những tổn thương, những khó khăn của quá khứ và hướng đến tương lai.
Bạn cần sống khác để con cái hạnh phúc và không trở thành bản sao của chính bạn. Hãy thay đổi suy nghĩ của mình, bạn nhé!
|
HẠNH DUNG
Thư chia sẻ cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn đọc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn
Tư vấn tâm lý - tình yêu - hôn nhân trực tiếp và miễn phí tại Phòng tư vấn Hạnh Dung, toà soạn Báo Phụ Nữ.
Thời gian: từ Thứ 2 tới Thứ 6 trong giờ hành chánh.