“Mai, chị thích anh chàng Ba Lan đó!”.
Mai nghe như chiếc đồng hồ trên tường hẫng một giây khi Elisa nói thế. Trong lúc đó, Elisa mỉm cười rạng rỡ, trong mắt là cả một ngọn lửa tình yêu nồng nàn.
“Thật sao? Sao chị yêu ảnh?” - Mai hỏi với giọng điệu của một đứa em gái nhí nhảnh vừa khám phá được bí mật thú vị. Mai không muốn Elisa nhìn thấy nỗi buồn vô hạn ập đến trong Mai, không muốn Elisa nghe tiếng lòng Mai đang gào thét trong vô thanh: “Em cũng thích Antoni. Em thích Antoni!”.
Antoni là du học sinh từ Ba Lan, học cùng khoa piano với Mai. Antoni có dáng người cao thanh tao. Mỗi khi anh đàn, mười ngón tay dài như luôn biến chuyển, khi thì là bộ lông vũ mượt mà lướt trên phím ngà, khi thì như móng vuốt sư tử chụp xuống phím đàn thật nhanh và chính xác. Ðầu anh nghiêng nghiêng, ánh mắt hướng về một miền thiêng liêng xa thẳm, nơi chỉ có âm nhạc đẹp đẽ. Mai yêu mến tiếng đàn, rồi dần dần yêu mến người đàn.
Antoni không chỉ là thần tượng âm nhạc mà còn là một người anh vững vàng của Mai. Tính Mai đôi khi hơi trẻ con và khó chiều. Khi gặp chuyện không vui, cô cứ khóc nức nở, đến mức mẹ Mai cũng không chịu nổi mà phải thở dài, than rằng: “Nước mắt nó chảy thành vũng! Ai mà dỗ được nó”. Vậy mà Antoni đã dỗ được Mai. Ngày hôm đó, trong lúc Antoni tập đàn, Mai gõ cửa phòng anh rồi òa khóc.
Antoni ngưng tập, dắt Mai ra sân trường đang vắng người vào sáng sớm. Cho tới giờ, Mai không nhớ anh đã nói gì, chỉ nhớ rằng anh đã ôm cô. Có lẽ Mai rung động từ đó, nhưng lý trí mách bảo Mai rằng cái ôm của anh, dù thân tình và ấm áp là thế, vẫn là cái ôm xã giao của người phương Tây. Trong khi đó, ở quê nhà, một cái ôm như thế chỉ dành cho người yêu. Mai tự dằn lòng: “Ðừng nghĩ quá nhiều, Mai. Anh ấy chỉ coi mày là bạn, là em gái”.
Elisa, người Mỹ, là bạn thân của cả Mai và Antoni. Cởi mở và thích khám phá, Elisa thích kết bạn với sinh viên quốc tế từ nhiều nước. Vì thế, Mai và Antoni, một người từ châu Á, một người từ châu Âu, nghiễm nhiên được Elisa chú ý. Elisa là một trong số những người bạn đầu tiên của Mai khi đến Mỹ. Chị đã giúp Mai tìm mua những đồ dùng cần thiết, mở tài khoản ngân hàng, mua sim điện thoại... Ai có xa xứ một lần mới hiểu thấu những giúp đỡ giản đơn ấy đáng giá thế nào nơi đất khách. Elisa còn say mê khám phá một Việt Nam trong ký ức của Mai, một vùng đất nhiệt đới đầy nắng, nhiều trái cây, nhiều bãi biển hữu tình.
Trong nỗi nhớ nhà, Mai hay bật nhạc Việt cho Elisa nghe. Dù Elisa không hiểu gì, nhưng với khả năng âm nhạc tuyệt vời của mình, cô có thể nhại theo giai điệu và lời ca mà Mai thích. Nhưng Elisa hát hay nhất là opera Ý. Tâm hồn Ý trong giọng hát và trong tim Elisa vẫn thật khó phôi pha dù gia đình cô nhập cư sang Mỹ từ nhiều đời trước.
Mai và Antoni thay phiên nhau làm các món ăn từ quê hương mình để đãi Elisa khi họ tụ họp. Trong những buổi ăn đó, ba người bạn ngồi với nhau rất lâu, kể cho nhau nghe những điều thú vị về sốc văn hóa, về phong tục ba nước, về ký ức của gia đình, xứ sở. Những lần gặp gỡ đó vun đắp tình bạn của họ, và có lẽ là một thứ tình cảm gì khác nữa.
“Elisa, tại sao chị yêu Antoni?”.
“Vì Antoni rất khác với con trai ở đây. Con trai Mỹ, em biết đó, rất thực dụng và chỉ biết có sex. Giọng Elisa trầm xuống, dường như cô đang nhớ về một kỷ niệm không vui nào đó.
“Nhưng Antoni rất khác” - Elisa ngay lập tức nở một nụ cười nhẹ nhàng. “Antoni như một thiên thần. Tụi chị chỉ nói chuyện về thiên nhiên, về nghệ thuật. Càng nói chuyện với Antoni, chị càng trân trọng cách nhìn đời của anh ấy. Có một lần, sau khi đã cãi nhau rất to với mẹ, chị buồn và bấn loạn lắm. Nhưng Antoni đã ở bên chị. Anh không làm gì cả, chỉ là anh thôi. Khi Antoni nắm tay chị, từ người anh ấy tỏa ra một năng lượng rất bình yên, khiến bao buồn đau của chị dần vơi đi”.
À, Mai hiểu rồi. Lý do Elisa thích Antoni cũng giống Mai.
“Chị đã tỏ tình với Antoni rồi, nhưng anh ấy từ chối” - Elisa chợt bật khóc. “Anh nói chị sắp tốt nghiệp rồi trong khi anh còn hai năm nữa. Antoni có trách nhiệm rất nặng với gia đình và muốn ưu tiên cho việc học, nên anh ấy không muốn bị phân tâm!”.
Nhưng Elisa không cam lòng. Càng ngày, cô càng thể hiện tình cảm với Antoni một cách táo bạo hơn. Trước khi gặp Antoni, Elisa trang điểm tỉ mỉ. Khi cả ba người đi bộ cùng nhau dưới hàng cây ven đường, Elisa đi sát Antoni hơn, còn Mai chủ động tiến lên trước hoặc lùi ra sau. Có lẽ lề đường hẹp, không đủ cho cả ba người đi ngang hàng với nhau. Có khi Antoni nói một câu pha trò thú vị khiến cả nhóm bật cười, đột nhiên Elisa nép đầu vào ngực Antoni, tay nắm lấy tay anh.
Mai nhìn thẳng cảnh tượng đó, không quay đi, cũng không nói gì, chỉ lắng nghe lòng mình chìm vào một nỗi mất mát. “Antoni, anh có thích Elisa không? Tại sao anh không phản ứng gì? Nếu anh thích chị ấy, sao anh không nhận lời yêu của chị? Nếu anh không thích, sao anh không tránh Elisa ra khi chị nép vào người anh?”. Mai đau đớn thầm hỏi. “Có lẽ đó là phép lịch sự của người phương Tây chăng? Ðây là nước Mỹ. Ở đất nước này, mày phải suy nghĩ thoáng hơn chứ. Phải bớt nhạy cảm đi, Mai”. Ở quê nhà, Mai có thể dự đoán mối quan hệ giữa người với người chỉ qua một sự thay đổi nhỏ trong cách xưng hô. Bây giờ, trong một vùng đất xa lạ, Mai lạc đường.
Trong những phút giây đen tối nhất, Mai chỉ mong Elisa tốt nghiệp thật sớm, để Antoni lại cho một mình Mai thôi. Trong khi Elisa tận dụng từng cơ hội để biểu lộ tình cảm với Antoni thì Mai cứ như một nhân vật thừa trên sân khấu. Nhiều lần, Mai ước gì mình cũng có thể tán tỉnh chàng trai mình thích một cách tự nhiên như Elisa. Nhưng đến việc chủ động ôm Antoni theo kiểu bạn bè mà Mai còn không quen, nói gì đến tựa đầu vào người Antoni, nắm tay Antoni, nhìn vào mắt anh và nói “Em yêu anh” như cách Elisa đang làm.
Trước nay, Mai tự cho rằng mình thuộc một thế hệ Việt mới, một thế hệ đang Tây hóa: chơi piano, đọc xem phim Hollywood. So với những người bạn Mỹ ở đây, Mai thấy mình không kém thẳng thắn và chủ động. “Ðây là Mỹ mà, thích gì, nghĩ gì thì phải nói ra! Elisa đã từng nói với Mai như thế. Lần khác, một giáo sư đã bộc bạch riêng với Mai rằng: “Em rất khác những sinh viên châu Á khác mà tôi gặp. Tôi không muốn phân biệt, nhưng thật sự thì tôi từng dạy khá nhiều sinh viên châu Á. Họ ít nói và rụt rè dù họ rất thông minh. Nhưng em đã dám thử thách ý kiến của tôi ngay trong lớp.” Tất cả những va chạm nho nhỏ ấy khiến Mai tin rằng mình giống người Mỹ từ bên trong.
Trớ trêu thay, khi vướng vào tình cảm với Antoni, Mai nhận ra dòng máu Việt của mình vẫn còn mạnh mẽ lắm. Tình yêu của người con gái Á Ðông mãnh liệt, nhưng lại luôn bị che đậy nhiều phần vì nỗi e ấp, kiêu hãnh, bí hiểm, và một niềm tin âm thầm vào hai chữ “nhân duyên”.
Bà ngoại dạy Mai rằng “phúc đức” là quả báo tốt cho những việc làm nhân hậu từ quá khứ, trong kiếp này hoặc cả vô vàn kiếp trước. “Nếu kiếp này con đối xử tốt với một người, con đã tạo một nghiệp - hạt giống của một mối quan hệ tốt đẹp với người đó ở kiếp sau. Còn “duyên” là điều kiện để đưa đẩy cái nghiệp đó tới, là đất, nước, khí trời giúp hạt giống lớn lên. Cái duyên đó đến theo một trật tự huyền bí của đất trời, con người không thể nào cưỡng cầu mà có được.
Lúc nghe ngoại dạy, Mai chỉ thấy ông bà thật lạ. Tình yêu của đời mình, mình phải tự đi kiếm, tự đoạt lấy chứ. Phúc đức, duyên phận là cái gì mà phải chờ phải đợi? Ai biết được có kiếp trước, kiếp sau hay không. Ai biết được ngàn vạn năm trước mình đã gieo duyên gì. Mai chỉ thích sống như người phương Tây, biết chỉ một kiếp này thôi, và chỉ tin vào những gì ta nắm bắt được. Nhưng sao bây giờ Mai thấy bất lực quá!
Elisa tốt nghiệp vào mùa đông. Ngày cuối cùng ở bên Elisa, ba người bạn quyết định ra hồ Michigan chơi. Như thường lệ, Antoni và Elisa sóng bước bên nhau còn Mai đi sau họ một vài bước, dù bãi biển rộng mênh mông. Mỗi người theo đuổi một suy nghĩ riêng nên không ai nói gì với ai. Bây giờ, cây đã rụng hết lá, chỉ còn trơ những cành khẳng khiu, khô cằn. Bầu trời Chicago mùa đông nhợt nhạt không khiến lòng người nhẹ nhàng hơn. Mai đã từng mong Elisa tốt nghiệp thật nhanh, nhưng hôm nay, trước mắt Mai hiện rõ những ngày tươi đẹp bên Elisa. Quá khứ đẹp làm sao, mà cuộc chia ly sắp đến buồn làm sao. Lần đầu tiên trong đời, Mai thực sự tin rằng giữa Mai và hai con người trước mặt có một nhân duyên. Rốt cục thì điều gì đã mang ba con người từ ba vùng đất cách xa nhau trên thế giới hội ngộ tại đây?
|
|
Ðột nhiên, Mai giật mình vì một cảm giác lạnh buốt chạm vào chóp mũi. Ðịnh thần nhìn lại, Mai thấy trước mặt là một trời tuyết. Mai hét to lên: “Tuyết kìa! Tuyết đầu tiên trong năm!”. Rồi Mai cười cuồng say, chạy vượt qua hai người. Một dòng nước ấm chảy xuống môi Mai, nhưng Mai vẫn cười thật to, biết chắc rằng hai người kia không thể thấy được nước mắt của mình. Antoni và Elisa hào hứng chạy theo Mai. Elisa bắt kịp Mai rồi ôm chầm lấy Mai từ sau lưng, nâng bổng Mai bé nhỏ một cách dễ dàng. Sau khi Elisa đặt Mai xuống đất, Antoni nói: “Anh thích cách chúng ta tận hưởng thiên nhiên như thế này, không nghĩ gì về những điều đáng lẽ phải xảy ra hay nên xảy ra”.
Elisa đưa tay hứng tuyết rồi điềm tĩnh nói: “Bốn mùa ở Chicago đều đẹp. Vào mùa xuân, chồi non sẽ nở ra rất xanh. Tiếc là mình sẽ không thấy nó nữa”.
“Elisa định đi đâu? Không định quay về thăm tụi mình sao?” - Antoni ngạc nhiên hỏi.
“Không, mình sẽ tiếp tục học thanh nhạc ở Ý. Mình cũng muốn giống hai bạn, có nhiều hơn một mái nhà”.
Cả ba người lại im lặng trong một phút, rồi Elisa chợt tươi vui như thường ngày: “Nhưng như vậy đâu có nghĩa là chúng mình sẽ không bao giờ gặp lại nhau, phải không?”.
Elisa vươn tay ôm lấy Antoni và Mai. Vì dáng người Mai bé nhỏ hơn Antoni và Elisa, Mai thấy mình như một hạt giống được ủ ấm trong đất mẹ. Nếu linh hồn bà ngoại ẩn náu trong những bông tuyết kia, chắc chắn bà sẽ thấy rằng niềm tin xa xưa của bà đã giúp cho đứa cháu gái hiện đại, Tây học tìm một lối đi giữa mê cung của trái tim. Mai đã nhận ra rằng mối quan hệ giữa Mai, Elisa và Antoni sẽ như những chồi non nở đúng vào mùa của nó. Nó sẽ nở thành tình cảm gì cũng không còn quan trọng nữa, không còn làm Mai khổ sở nữa.
Kỳ Nam