Ở tuổi teen, tôi chơi thân với mấy đứa bạn học giỏi, lễ phép nhưng cũng thích giao du với cả nhóm bạn mà mẹ tôi cho là xấu. Nhóm bạn đó nhuộm tóc xanh đỏ, quần áo rách te tua, hay trốn học. Mẹ tôi không chấp nhận việc tôi kết bạn với họ.
Sao mẹ lại cấm con?
Sự cấm cản của mẹ khiến tôi càng thân với họ hơn, bởi muốn chứng tỏ cho mẹ biết rằng bà không thể cấm đoán tôi. Các bạn ấy còn thú vị ở chỗ: không vâng lời 100% những gì người lớn bảo, có người còn rất thông minh. Có điều họ không theo bất kỳ khuôn phép nào xã hội đặt ra. Tôi thấy họ thật đáng khâm phục. Tôi cũng muốn được như họ.
Thấy vậy, mẹ tôi càng phản đối dữ dội hơn nữa. Mẹ không giữ được bình tĩnh khi tôi cố tranh luận với mẹ về những người bạn này. Có lúc đỉnh điểm mẹ đã tát tôi. Tôi bị sốc, xô bát đũa, bỏ bữa, tấm tức khóc và cho rằng mẹ không thương mình. Giá mà mẹ nhẹ nhàng phân tích cho tôi hiểu đúng sai, và đừng quá định kiến về vẻ bề ngoài của họ, thì có lẽ tôi đã không đau khổ đến vậy. Tôi nghĩ mình thật bất hạnh khi có một người mẹ không hiểu mình.
Sau này, gia đình tôi đổi chỗ ở, tôi chuyển sang trường mới, và ít có dịp giao du với nhóm bạn kia. Mâu thuẫn giữa tôi và mẹ bớt đi nhưng lại xuất hiện mâu thuẫn khác. Mẹ không hài lòng về cách ăn mặc, đầu tóc, quần áo của tôi. Tôi thích để tóc dài nhuộm màu sặc sỡ, thích mặc đồ bụi bặm, vá chằng vá đụp. Còn mẹ lại muốn tôi ăn mặc dịu dàng, kín cổng cao tường. Có lần, ghét cái quần tua rua có dòng chữ “Love me, Kiss me” mà tôi mới mua, mẹ cắt vụn ra khi tôi nói sẽ diện vào dịp Giáng sinh cùng chúng bạn.
Tôi giận không nhìn mặt mẹ cả tháng trời.
Sau này khi có con, tôi mới thấm thía câu nói “nước mắt chảy xuôi”. Vì mẹ quá thương tôi, lo lắng, xót xa cho tôi nên mẹ mới làm vậy. Cả đời mẹ chỉ mang lại cho các con những gì tốt nhất có thể trong khả năng của mình. Tôi và mẹ đã có nhiều buổi nói chuyện để hiểu nhau hơn. Có lần, tôi gục vào lòng mẹ, khóc nấc: “Mẹ tha lỗi cho con ngày xưa mẹ nhé! Làm sao con trả hết nợ ân tình của mẹ bây giờ?”. Mẹ cười hiền hậu: “Bố cô! Tôi cần gì cô trả nợ tôi”. Đoạn, mẹ vuốt mái tóc tôi: “Thực ra, chỉ cần con nhận ra lòng mẹ, đã là cách báo hiếu tốt nhất cho mẹ rồi”.
|
Hình minh họa |
Mẹ cho con làm người lớn đi
Khi có con, tôi luôn dặn mình phải bình tĩnh trong khi tranh luận cùng con. Tôi sẽ phân tích cho chúng hiểu phải, trái. Nhờ vậy, các con tôi khá ngoan ngoãn và ý thức học hành cho đến khi chúng vào tuổi teen - tuổi nổi loạn.
Vợ chồng tôi cùng du học, tốt nghiệp một trường danh giá ở châu Âu. Năm xưa cũng tự thi được học bổng và sự nghiệp cũng gặt hái thành công nhất định. Vì thế, gia đình tôi có một số tích lũy cho các con, dẫu không nhiều. Con trai lớn của tôi lại không nghĩ vậy. Cu cậu đi dạy thêm, tự kiếm tiền để làm những việc mình thích. Tôi thì không đồng ý cho con đi dạy thêm, nhất là hoàn cảnh gia đình cũng không thiếu thốn.
Mỗi khi thấy con mệt lả, đi về khuya khoắt, tôi xót con vô hạn. Tôi ra sức thuyết phục con không làm gia sư nữa, khuyên con tập trung học là đủ rồi, mọi việc đã có bố mẹ lo. Con phản đối: “Con muốn tự lập. Con muốn làm điều mình thích”. “Thì con cứ làm điều mình thích, chỉ có điều đừng để mẹ lo lắng như thế”.
Thấy con gầy yếu, tôi càng lo hơn. Nói con không được, tôi nhờ họ hàng thuyết phục nhưng con vẫn không từ bỏ ý định của mình. Một hôm, có đám bạn con đến chơi, tôi nhờ các bạn nói thêm, nào ngờ con giận dữ to tiếng với tôi trước mặt bạn bè của nó. Tôi thấy xấu hổ và thất vọng. Sau khi các bạn của con về, tôi kìm lòng phân tích cho con, nhưng con vẫn khăng khăng: “Mẹ đừng nói rằng mẹ thương con. Mẹ áp đặt thì có. Mẹ sĩ diện thì có…”.
Tôi giận sôi người. Trời ơi, hóa ra tôi thương nó mà nó bảo tôi như thế. Khi mọi việc đã khá hơn, tôi lại lâm vào cảnh xung đột với cậu con trai út. Cu cậu không muốn học hành, chỉ muốn chơi game và giao du với đám bạn nghiện game.
Nhiều lần tôi khuyên nhủ nhưng nó cãi: “Con vẫn không ở lại lớp là được chứ mẹ. Con có vi phạm điều gì đâu?”. Đành rằng con không vi phạm điều cấm kỵ, nhưng đôi mắt đã lên tới 8 đi-ốp vì game. Với sức học của con, con đã có thể đạt tới top 3 của lớp, chứ không phải trung bình như bây giờ.
Tôi phải tham khảo nhiều ý kiến chuyên gia, đọc sách báo và tham gia khóa học “rút ngắn khoảng cách xung đột giữa các thế hệ”. Tôi đã thành công trong việc chủ động san lấp khoảng cách về tâm lý giữa mẹ và các con.
Tôi không còn gay gắt tranh luận với con, góp ý con nhẹ nhàng hơn, cùng con tham gia hoạt động ngoại khóa. Đặc biệt không còn quan niệm các con phải học giỏi để vào đại học như trước đây nữa.
Tôi đã tiếp thu và điều chỉnh theo sự đổi mới của cuộc sống và nhận ra rằng, nếu con thực sự đam mê sáng tạo game, thì cũng có thể làm lập trình, nếu con xem đó là việc làm đúng đắn và tự chịu trách nhiệm với việc mình làm, thì mọi thứ đều ổn.
Con có thể chơi game nhưng không được ảnh hưởng đến việc học, không được làm điều gì ảnh hưởng đến gia đình. Bên cạnh đó, tôi liên hệ chặt chẽ với nhà trường, với hội phụ huynh để hướng con vào những hoạt động tích cực, tạo ra sự gắn kết bên ngoài giúp con khi cần.
Tôi đã nhận ra sự phát triển của cơ thể, tâm sinh lý của con ở tuổi dậy thì, và có ứng xử phù hợp, nên không còn căng thẳng rầu rĩ như trước đây nữa.
Khánh Phương