Mẹ con “tám” bên bồn rửa chén

07/04/2021 - 18:08

PNO - Để con có thể biết dùng đôi tay cầm bút chăm sóc mình, giúp mẹ chăm sóc ngôi nhà yêu thương của mình, là cả hành trình nhẫn nại của cả hai mẹ con.

Thời gian dọn rửa chừng 20 phút trong gian bếp chỉ còn hai mẹ con trở nên vô cùng quý giá với bà mẹ như tôi.

Tôi tập cho con gái tráng chén từ mùa hè năm con chín tuổi, khi chiều cao của con vừa vặn với chiếc bồn rửa chén hai ngăn trong bếp. 

Tôi đứng bồn rửa bên trái, con gái đứng bồn bên phải để tráng những thứ tôi đã rửa bằng nước rửa chén. Cậu con trai 14 tuổi đã được “huấn luyện” việc rửa chén nhiều năm trước, bây giờ chuyển sang lau cầu thang, lau cửa kính, bưng nước hoặc những việc cần sức mạnh và chiều cao.

Những ngày đầu, vừa làm phần việc của mình tôi vừa dán mắt vào thao tác tráng từng cái chén, xoay từng cái tô, vuốt từng cái muỗng, vần từng nắm đũa… của con. Hai bàn tay bé bé, non non, mũm mĩm, vụng về của cô gái nhỏ làm tim tôi cứ thon thót.

Tôi tỉ tê: “Miễn là con chịu tập làm thì nhỡ có vỡ mẹ cũng đâu la rầy”. Rồi tôi “bật mí” hồi nhỏ mẹ còn từng làm vỡ cả rổ chén đã rửa xong. 

Ảnh mang tính minh họa. SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa. SHUTTERSTOCK

Rồi cũng êm. Trừ những cái xoong hay chảo to, chỉ một tuần đào tạo thì có thể yên tâm khi con tráng chén sạch và… nguyên vẹn. Việc tiến lên đảm nhận toàn bộ việc rửa chén đến sau đó hai - ba tuần, khi tôi than mệt hay có khách đến nhà giờ cơm. “Mẹ cứ lên phòng tắm rửa nghỉ đi, để đó con rửa cho”, lời con đầy trách nhiệm. 

“Năm Covid thứ nhất” được nghỉ học nhiều, thời gian con ở nhà học online cũng trở thành thời gian học việc nhà. Bà ngoại ngoài quê vào ở chơi, hay giành làm thay cháu. Bà bảo: “Nhìn thấy con bé rửa chén cứ thương thương. Thôi mình làm được thì làm, lớn hơn chúng nó làm không muộn”. 

Nhưng tôi nói: “Mẹ ơi, nếu ngày xưa mẹ cũng không cho con động tay động chân thì giờ con có tháo vát được thế không”. Trẻ con bây giờ sướng hơn ngày xưa, nhưng cũng nhác việc hơn vì thiếu cơ hội được rèn kỹ năng cơ bản.

Ngay cả đứa thích làm cũng ít có điều kiện được làm (có người giúp việc hay bà nội bà ngoại đảm trách việc nhà rồi) hoặc không có người hướng dẫn đủ kiên nhẫn.

Người lớn hay sợ con làm sai, làm hỏng việc và đây cũng là lý do khiến trẻ quen với nếp sống hưởng thụ. Khi hoàn cảnh bất đắc dĩ phải làm thì trẻ bối rối, sợ hãi. Hình ảnh không ít sinh viên ở trong những phòng trọ bừa bộn, ngập quần áo bẩn và rác khiến tôi ám ảnh.

Năm nay con gái đã bước sang tuổi 12. Trừ những lúc huyên thuyên với bạn bè, hay hào hứng tám chuyện với anh trai, con cũng ít trò chuyện gần gũi với mẹ. Chúng thường chốt hạ sau khi tranh luận về chuyện gì đó: “Những gì mẹ nghĩ rất khác tụi con” hay “Hồi mẹ tuổi teen chắc chán lắm nhỉ?”. 

Đưa con đến trường, rồi đón con về, tôi thường tìm chuyện này chuyện kia để dặn dò, hỏi han. Vài hôm mới nghe con “bùng nổ” chuyện bạn nọ, bạn kia. Còn hầu như câu trả lời là “bình thường thôi mẹ”. 

Con ít bày tỏ tình cảm, tính tự lập cao, thời gian trong ngày đã học bán trú nên chỉ còn buổi cơm tối mẹ và con gần gũi nhau, quan sát nhìn ngắm và tìm hiểu nhau.

Ví như lúc nhỏ chúng hay ôm gối sang phòng ba mẹ xin ngủ chung thì bây giờ ba mẹ mời mọc, năn nỉ thì con cũng không mặn mà, còn bảo: “Để con suy nghĩ xem có nên qua không nha”.

Vì lẽ đó, khi gian bếp chỉ còn hai mẹ con, tuy việc dọn rửa chỉ khoảng 20 phút, nhưng vô cùng quý giá đối với tôi.

Ví dụ cuộc hội thoại thế này:

- Hôm nay con và bạn T. làm hòa với nhau chưa?

- Dạ rồi, nó cho con cái bánh rồi cười, vậy là hòa thôi. Con đâu thèm giận nó làm gì…

- Tối qua sao con thức khuya vậy? Gần 11 giờ mà mẹ thấy phòng con còn sáng đèn?

- Con bị dí deadline. Tụi bạn con nó đòi đọc tập tiếp theo… (Con gái có biệt tài viết vẽ truyện tranh, deadline theo ý con gái là phải sáng tác tập truyện tranh mới. Có khi hai ba ngày không viết, sẽ bị bạn hối thúc).

- Nhưng mà thức khuya sẽ nổi mụn đấy.

- Dạ, con biết rồi.

- Bao nhiêu ngày rồi con chưa “có” lại? Con thấy trong người có gì không ổn không?

- Dạ cũng hơn một tháng rồi mẹ, nhưng con thấy bình thường, trừ mấy cái mụn đáng ghét lại nổi lên.

- Đấy, ai bảo con gái thức khuya… 

- Tối nay sao ba không về ăn cơm vậy mẹ?

- Vì ba có công chuyện.

- Ba lúc nào cũng có công chuyện nhỉ? Vậy sao mẹ không có công chuyện buổi tối như ba?

- Vì mẹ là chủ nhà mà. Chuyện quan trọng nhất của mẹ là chăm sóc gia đình và tụi con còn gì? 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

“Năm Covid thứ hai”, con gái đã cao gần bằng mẹ. Bàn tay nhỏ của cô ấy cũng lớn thêm một chút, tuy vẫn ngán ngại xoong chảo to, nhưng đã thuần thục chuyện dọn rửa.

Con cũng đã biết tự giặt quần áo lót, tự lau dọn phòng riêng, quét cả cái sân đầy lá khô rộng 180m2 dù lần nào quét xong cũng than thở “eo ôi, con sắp gãy cái tay”. Con cũng siêng tắm cho con Mèo Mốc.

Để con có thể biết dùng đôi tay cầm bút chăm sóc mình, giúp mẹ chăm sóc ngôi nhà yêu thương của mình, là cả hành trình nhẫn nại của cả hai mẹ con. 

“Này bàn tay non non, mềm mại kia ơi, con sẽ còn cùng mẹ tráng chén bao nhiêu năm nữa?”, tôi luôn tự hỏi, rồi có chút chạnh lòng khi nghĩ rồi đến lúc con cái sẽ rời xa. Nhưng tôi biết mình sẽ vui khi tin tưởng đôi tay ấy có thể vun vén những việc đơn giản nhất, từ sự thấu hiểu và yêu thương. 

An Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI