Hành trình của mẹ

Mẹ con “siêu nhân"

13/09/2023 - 11:04

PNO - Hình ảnh thầy hiệu trưởng Trường đại học Luật Hà Nội dắt cô sinh viên bại não Nguyễn Mai Anh lên nhận bằng tốt nghiệp đã và đang truyền cảm hứng đến những người yếu thế nói riêng và cả cộng đồng nói chung. Nếu gọi Mai Anh là siêu nhân thì mẹ cô - bà Đinh Thị Thu Hảo - là siêu nhân mẹ.

Có người mẹ nghẹn ngào rơi nước mắt

Gần 1 tháng sau lễ tốt nghiệp đặc biệt của sinh viên Trường đại học Luật Hà Nội, Nguyễn Mai Anh (phường Âu Cơ, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ) vẫn nhớ như in khoảnh khắc bất ngờ ấy. Cô kể: “Khi đọc đến tên em, em bước ra sân khấu trong chiếc áo cử nhân rất dài (không phải Trúc Anh ra nhận thay như kế hoạch của gia đình).

Vừa đi, em vừa phải cầm áo cao lên cho khỏi ngã. Thầy hiệu trưởng thấy vậy đã vội vàng bước đến dắt em ra. Lúc đó, em nghĩ khoảnh khắc này thật đặc biệt”.

Cũng thời khắc ấy, có người mẹ nghẹn ngào rơi nước mắt. Những giọt nước mắt hạnh phúc. Bà là Đinh Thị Thu Hảo.

Vợ chồng bà Hảo cùng con gái Mai Anh (bìa trái), Trúc Anh (bìa phải)
Vợ chồng bà Hảo cùng con gái Mai Anh (bìa trái), Trúc Anh (bìa phải)

Sau lễ tốt nghiệp, thi thoảng Mai Anh lại xuất hiện trên truyền hình. Những người bạn của gia đình bà Hảo vốn theo dõi hành trình lớn lên, học tập và phấn đấu của Mai Anh, ai cũng xúc động: “Mai Anh bây giờ đã tự tin hơn trước rất nhiều”.

Những lúc ấy, bà Hảo lại nói đùa: “Cháu đã ăn hết bao nhiêu đùi gà của mẹ mới được thế đấy”. Bà đùa vui vậy, chứ ai cũng hiểu, hành trình của Mai Anh là hành trình của cả siêu nhân con và siêu nhân mẹ.

Gồng mình đối mặt với định kiến 

Mai Anh vốn là một bé gái bại não bẩm sinh. 22 năm trước, vợ chồng bà Hảo sinh đôi Mai Anh và Trúc Anh. Chị em Mai Anh, Trúc Anh là trẻ sinh non, chào đời khi thai kỳ mới ở tháng thứ bảy.

Vợ chồng bà Hảo phải nuôi con bằng sữa ngoài - loại sữa đặc biệt dành riêng cho trẻ sinh non. Vợ chồng bà đều là giáo viên lương ba cọc ba đồng. Có thời điểm không xoay được tiền, Mai Anh và Trúc Anh phải uống sữa phổ thông, giá tiền ở mức trung bình, thay vì sữa dành cho trẻ thiếu tháng. “Có lúc, tôi đành nuốt nước mắt khi vào cửa hàng phải chọn loại sữa nào giá thấp nhất cho các con” - bà Hảo rơm rớm nước mắt kể.

13 tháng tuổi, cô em Trúc Anh đã biết đi, cô chị Mai Anh thì chưa. Đôi vợ chồng giáo viên vẫn đang oằn vai nuôi cặp song sinh thì vấp phải cú sốc khi các bác sĩ ở Bệnh viện Nhi Trung ương thông báo: Mai Anh bị bại não thể co cứng. Bà Hảo hoang mang, buồn, lo lắng đến mức bấn loạn.

Bấy giờ khoa học chưa phát triển, mạng internet cũng chưa phổ biến nên mọi thông tin, kiến thức về “bại não” với vợ chồng bà hoàn toàn là con số 0. Bà chỉ biết níu áo bác sĩ, đòi “các bác phẫu thuật cho con hay làm gì cũng được, miễn là giải quyết được tình trạng của con. Thế nhưng, các bác sĩ nói rằng không được…” - bà Hảo nhớ lại.

Thầy hiệu trưởng Trường đại học Luật dắt Mai Anh ra sân khấu nhận bằng tốt nghiệp
Thầy hiệu trưởng Trường đại học Luật dắt Mai Anh ra sân khấu nhận bằng tốt nghiệp

Ở cái thị xã bé nhỏ, nghèo và còn nhiều định kiến ngày đó, những lời xì xào kiểu “chắc kiếp trước bố mẹ ăn ở thế nào nên kiếp này con mới bị như vậy” cứ vô tình xát muối vào tổn thương của gia đình bà Hảo. 

Với trẻ bại não, việc đứng vững được đã khó, dò dẫm từng bước tập đi còn khó khăn gấp ngàn lần. “Lẩy bẩy như con cua bấy”, “mỗi bước chân tập đi là 1 lần chực ngã”… là tình trạng của Mai Anh suốt những năm tháng tuổi thơ.

Ngoài giờ lên lớp, mỗi bước Mai Anh dò dẫm cũng là 1 bước bà Hảo cùng con học đi. Xót con mỗi lúc con ngã đau; bà Hảo nuốt nước mắt để vừa dỗ dành, vừa nghiêm khắc yêu cầu con tiếp tục đứng dậy và bước… 

8 tuổi, Mai Anh mới có thể phẫu thuật để cải thiện khả năng đi lại, những bước chân chập chững đã bớt nhón gót hơn trước rất nhiều. Hễ nghỉ hè, 2 mẹ con lại xuống Hà Nội để tập luyện, phục hồi chức năng cho Mai Anh. Hễ Mai Anh và Trúc Anh đi cùng nhau là người ta bảo: “Mày ăn hết cả phần của chị à?”.

Thậm chí, khi 2 chị em nỗ lực học, thi vào trường chuyên của tỉnh, người ta cũng lại bỉ bôi: “Bại não thì thi chuyên làm sao được mà đòi”… Ngay cả khi biết Mai Anh muốn vào đại học, người ta vẫn thốt lên: “Người như thế thì thuê lấy cái cửa hàng mặt đường mà bán đồ lưu niệm, chứ thi đại học làm gì”…

Những năm học phổ thông, mỗi khi đến trường, Mai Anh phải đối diện với những lời nói, ánh mắt tò mò lẫn châm chọc, coi thường của các bạn. Nhiều khi, em còn bị ném đồ vật vào người. Ban đầu, em buồn và luôn muốn lảng tránh.

Chính mẹ đã động viên, cùng em vượt qua, cùng em chọn tiến về phía trước với ý nghĩ đó chỉ là thử thách rất nhỏ trong vô vàn thử thách mà mình đã, đang và sẽ còn phải đối mặt… 

Hành trình của con và những bước chân của mẹ 

Năm 2019, Mai Anh đậu đại học luật, Trúc Anh đậu đại học dược. 2 chị em cùng về Hà Nội nhập học. Việc đi quãng đường xa hay các hoạt động đứng lên, ngồi xuống, đặc biệt là cúi người nhặt đồ - Mai Anh chẳng thể tự mình làm. Đôi chân yếu ớt không trụ/đỡ được cơ thể, lại ngã. Những lúc ấy, bà Hảo chính là chỗ dựa cho con cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Dần dần, Mai Anh đã tự đi 7 - 8km từ đường Nguyễn Chí Thanh (quận Đống Đa) sang phố Kim Ngưu (quận Hai Bà Trưng) khám mắt; chủ động đặt vé xe khách từ Hà Nội về Phú Thọ và ngược lại. Em cũng hoàn thành khóa học giáo dục quốc phòng như mọi sinh viên.

Bà Hảo vừa như tâm sự, vừa như nói với cô con gái siêu nhân của mình: “Với những cha mẹ khác, đó là chuyện bình thường nhưng với gia đình mình, đó là điều phi thường”. 

Tháng 7/2022, lần đầu tiên Mai Anh có chuyến đi xa. Mẹ và con cùng nhau trải nghiệm 6 ngày ở Tây Nguyên, Quy Nhơn với cơ quan của mẹ. Con vui vẻ, tự tin, hòa đồng. Mẹ yên tâm lắm.

Tháng 8/2022, mẹ và em tháp tùng con vào Sài Gòn tham dự talk show Lắng nghe cả khi đứa trẻ chưa lên tiếng. Chuyến đi thật bổ ích vì cả 3 mẹ con đều có những thay đổi trong nhận thức về hiện tại, tương lai của chính mình.

Mẹ đã từng định hướng cho con theo ngành tâm lý học đường đơn giản vì mẹ muốn con tìm thấy sự cân bằng cảm xúc. Nhưng hóa ra, chân ái của con là luật. Cảm xúc thì con tự cân bằng một cách âm thầm, lặng lẽ, kiên trì nhất.

Giờ đây, mẹ mặc định con đã lớn. Con có suy nghĩ, lựa chọn riêng. Lúc đầu, mẹ hơi hẫng. Nhưng rồi mẹ nhận ra, cuộc sống tất yếu sẽ thế. Đến lúc trưởng thành, con sẽ có cuộc sống riêng.

Cũng bởi mẹ hiểu rằng giới trẻ bây giờ không thích phụ huynh hỏi nhiều. Cũng được. Mẹ sẽ không hỏi nữa. Khi nào cần, tự con sẽ lên tiếng. 

Cha mẹ hãy trả con về với cộng đồng

Khi Mai Anh vào đại học cũng là lúc bà Hảo biết đến Hội Gia đình trẻ bại não Việt Nam (CPFAV). Từ đó, 2 mẹ con luôn đồng hành trong các hoạt động liên quan đến người khuyết tật.

Mai Anh tâm sự: “Khi tham gia các hoạt động, nhìn nhiều bạn phải ngồi xe lăn, có người đẩy, nhiều bạn trí não không được vẹn nguyên, em thấy trân trọng những gì mình đang có, trân trọng cuộc sống hiện tại của bản thân hơn, thay vì tự ti như trước”.

Hiện tại, Mai Anh đang thực tập tại một văn phòng luật tại Hà Nội, làm thêm ở văn phòng Hội Gia đình trẻ bại não Việt Nam.

Hằng tuần, em vẫn tập trị liệu phục hồi chức năng, học thêm ngoại ngữ… Mai Anh trở thành đóa hoa truyền cảm hứng cho người yếu thế nói riêng và cả cộng đồng nói chung. Gia đình Mai Anh cũng nhận được nhiều sự sẻ chia, giúp đỡ trong những tháng năm Mai Anh học đại học. Và, họ đã chọn cách tri ân đặc biệt: thành lập Chi hội Gia đình trẻ bại não Phú Thọ.

Chi hội đang có khoảng 50 gia đình sát cánh bên nhau. Bà Hảo trăn trở: “Tôi chỉ muốn nhắn gửi tới tất cả cha mẹ có con chưa được “vuông tròn” một điều: Dũng cảm đối diện sự thật, dù sự thật ấy có nghiệt ngã thế nào. Đừng né tránh, đừng giấu con trong nhà. Hãy cho con ra ngoài, hãy trả con về với cộng đồng. Nơi ấy, con sẽ được yêu thương, đồng hành. Và rồi khi lớn lên, con sẽ nhận ra giá trị bản thân, sẽ nỗ lực thật nhiều để sống có trách nhiệm - trước hết là với chính bản thân”. 

Minh Tu 

(Ảnh do nhân vật cung cấp)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI