Mẹ con sản phụ mắc bệnh hiểm nghèo thoát chết sau 2 ca phẫu thuật

24/07/2019 - 07:00

PNO - Những nụ cười, những giọt nước mắt của bệnh nhân và thầy thuốc cứ đan xen. Vậy mà cách đó ba tuần, chị và con gái đầu lòng đã vượt qua xác suất tử vong ngặt nghèo của căn bệnh tim ập đến bất ngờ.

Ngày 22/7, chị Nguyễn Thị Đại, 33 tuổi, ở huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, đến Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM tái khám trong sự vui mừng của các bác sĩ Khoa Phẫu thuật tim mạch, Phụ sản. Những nụ cười, những giọt nước mắt của bệnh nhân và thầy thuốc cứ đan xen… 

Cách đó ba tuần, chị và con gái đầu lòng đã vượt qua xác suất tử vong ngặt nghèo của căn bệnh tim ập đến bất ngờ. Ê-kíp bác sĩ (BS) thực hiện hai ca mổ bắt con và mổ tim khẩn cấp với hy vọng mong manh “chỉ cứu được mẹ hoặc con”.

Gian nan hành trình tìm bệnh

Me con san phu mac benh hiem ngheo thoat chet sau 2 ca phau thuat
Nụ cười của người mẹ trẻ sau khi thoát án tử

Bằng cái giọng chân chất quen thuộc của người miền Tây, chị Đại cười hềnh hệch: “Mạng mẹ con em là trời chê, BS giữ. Vượt qua ải này rồi, hai mẹ con em không bị quật ngã đâu à”. 

Cách đây hơn một tháng, ngày 13/6, chị Đại cứ ngỡ “mình đã chết”. Bỗng dưng chị cảm giác có cục gì chạy rần rần từ ngực xuống chân rồi chạy ngược trở lại và chẹn ở cổ. Chị Đại không thở được, phải há miệng để hóp không khí. 

Thật ra, gần 2 tháng trước, chị đã có dấu hiệu mệt mỏi, khó thở giống như bị “thai hành”. Nhưng đến tuần thứ 30 thì chị không thở được. Cơ thể thiếu ô-xy khiến chị lả dần. Đại vốn là công nhân, chồng làm phụ hồ, mỗi lần đến bệnh viện (BV) là một lần cân nhắc kỹ lưỡng. Nhưng hôm đó, thấy cơ thể không trụ được nữa, chị mới giục chồng đưa đi cấp cứu.  

Chị em không nên lơ là trong việc kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân cũng như trước khi mang thai. Việc thăm khám giúp chẩn đoán sớm các yếu tố di truyền có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé.

Như trong trường hợp này, sản phụ mang thai lần đầu có những biến chứng của bệnh bẩm sinh, đột biến gen có thể di truyền sang con. Nếu chẩn đoán sớm sẽ có kế hoạch để điều trị cho cả mẹ và con, tránh những tai biến bất ngờ xảy ra.

Tiến sĩ - bác sĩ Trần Nhật Thăng

Vào viện, nhân viên y tế không đo được huyết áp của chị. Kết quả siêu âm cho thấy thai nhi bình thường, chị được cho về và BS giải thích: hiện tượng khó thở là do thai chèn ép.

Linh cảm mình có vấn đề, Đại nấn ná giải thích tình trạng bệnh nên BS kêu “đi khám nội tổng quát”. 

Đêm đó Đại thức trắng, ngồi há miệng thở và chịu đựng cơn đau nhức dữ dội ở ngực và lưng. Sáng hôm sau, đến khám tổng quát tại một BV đa khoa hàng đầu thành phố, BS chỉ đo được huyết áp tay trái, tay phải không đo được.

Nhưng cũng chẳng nghi ngờ gì ngoài nhận định: thai chèn ép và cho thuốc giảm đau. Những viên thuốc không làm chị đỡ đau đớn. Sau ba ngày đau thắt ngực và không thể ăn uống được khiến Đại sụt 7kg. Đại lặn lội về Tiền Giang, theo chỉ dẫn của mẹ tìm đến một vài vị thầy lang. Người nhà cũng thầm lo sợ chuẩn bị tinh thần để... lo hậu sự.

Me con san phu mac benh hiem ngheo thoat chet sau 2 ca phau thuat
Chị Đại trải qua ca đại phẫu thuật mổ tim chỉ sau sinh mổ 1 ngày

Chị Nguyễn Thị Mộng Thùy, cháu chị Đại kể: “Không ai thấy dì Đại lúc đó mà không khóc. BS không tìm ra bệnh, mà thân xác dì đã suy sụp hoàn toàn”. Chuyến về quê đó, lời “chẩn bệnh” khả tín nhất chị nhận được là của một vị thầy lang, cho rằng chị bị bướu cổ. Chị lại vòng lên Sài Gòn, tìm đến BS chuyên về ung bướu - ông kết luận tuyến giáp của chị bình thường.

Sống ngắc ngoải đến buổi sáng đầu tiên của tuần thai 33, Đại phát hoảng vì thấy con không đạp. Trong cơn hoảng loạn, chị vỗ vào bụng, thều thào: “Con ơi, đạp mẹ đi con!”. Con vẫn im lặng. Chị quày quả vào BV phụ sản. Lần này, suốt 15 phút, BS không thể đo được huyết áp. BS chỉ định siêu âm.

Kết quả: thai chậm tăng trưởng, có dấu hiệu suy. BS kêu chị nhập viện để mổ lấy thai gấp. Phần vì không có chồng theo cùng, phần vì linh tính, chị Đại không đồng ý nhập viện. “Lúc đó, nếu mổ bắt con chắc em “đi” rồi” - Đại nói. 

Cùng với lời từ chối mổ, Đại kiên nhẫn giải thích cho BS những triệu chứng trầm trọng và nỗi lo bị bệnh tim đang thường trực trong mình. Lúc này, BS đề nghị chị sang BV Đại học Y Dược TP.HCM khám tim rồi đem kết quả về cho bà. Rời BV phụ sản để đi khám tim, chị Đại gọi điện thoại cho chị gái dặn: “Nếu em có chết, chị nhớ nuôi con em nghen!”.

Giành hai mẹ con từ tay thần chết

Ngày 28/6, tại phòng siêu âm tim của BV Đại học Y Dược TP.HCM, Đại cảm nhận rõ sự lo lắng của BS khi đọc chỉ số siêu âm cho nhân viên y tế. Chị tiếp tục được chuyển sang siêu âm mạch máu.

Trước khi chuyển kết quả cho Đại cầm xuống phòng khám, BS siêu âm đề nghị lưu số điện thoại của chị, căn dặn: “Em không được bỏ khám, không rời BV, nhất định phải xuống gặp BS. Em cần được cấp cứu ngay”. Gặp BS ở phòng khám, thấy Đại có vẻ chần chừ nhập viện, BS nói: “Em bị bệnh tim rất nặng, có thể tử vong bất cứ lúc nào”.

Đại được chẩn đoán “bị bóc tách động mạch chủ ngực type A, phình gốc động mạch chủ - hở van động mạch chủ nặng - hội chứng Marfan và thai 33 tuần 5 ngày chậm tăng trưởng”.

Phó giáo sư - tiến sĩ - BS Nguyễn Hoàng Định - Phó giám đốc Trung tâm Tim mạch, Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch, BV Đại học Y Dược TP.HCM - nhận định: “Bóc tách động mạch chủ nếu không xử trí kịp chỗ bóc tách sẽ bị vỡ vào khoang màng tim, gây chảy máu, mất máu, gây chèn ép tim làm tim không co bóp và người bệnh sẽ tử vong. 50% bệnh nhân bị bóc tách động mạch chủ sẽ tử vong trong 24 giờ và 50% gặp nguy hiểm sau đó. Riêng trong trường hợp này, vì người bệnh mang thai nên bệnh lý của người mẹ có thể ảnh hưởng đến tính mạng của hai mẹ con”. 

Me con san phu mac benh hiem ngheo thoat chet sau 2 ca phau thuat
Chị Đại trong niềm vui mừng được tái sinh cùng với ân nhân là PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Định

Lúc này, vấn đề nan giải được đặt ra: mổ tim trước hay mổ lấy thai trước? Tiến sĩ - BS Trần Nhật Thăng - Trưởng khoa Phụ sản, BV Đại học Y Dược TP.HCM - phân tích: “Đây là trường hợp thai kỳ vừa non tháng vừa chậm tăng trưởng mạn tính kéo dài. Vì vậy, khi em bé sinh ra sẽ có những khó khăn trong thích nghi với cuộc sống. Nhưng nếu không mổ lấy thai thì những biến chứng của bóc tách động mạch chủ có thể dẫn đến nguy hiểm tính mạng người mẹ, như vậy cũng không an toàn cho thai nhi”. 

Cuộc hội chẩn với gần 20 BS liên chuyên khoa đã quyết định: mổ lấy thai ra trước, rồi mới tiến hành phẫu thuật động mạch chủ cho người mẹ, với “tham vọng” cứu được cả mẹ lẫn con.

Người bệnh bị giãn động mạch chủ do hội chứng Marfan, giãn toàn bộ gốc động mạch chủ, đường kính giãn lên tới 7cm, việc có thai là yếu tố thúc đẩy, khởi phát gây ra biến chứng rách mạch máu trên mạch máu bị yếu.

Như vậy, sản phụ nên đi khám tim mạch để loại trừ những bệnh tim mạch sẵn có có thể gây biến chứng. Y văn cũng ghi nhận nhiều trường hợp sản phụ không bị hội chứng Marfan, động mạch chủ không giãn nhưng vẫn bị bóc tách động mạch chủ trong thai kỳ.

Người ta nghĩ rằng, tình trạng tăng huyết áp, tăng thể tích tuần hoàn ở phụ nữ mang thai, nhất là trong ba tháng cuối thai kỳ là nguyên nhân tác động làm rách động mạch chủ. Do đó, sản phụ cần hết sức cảnh giác với các triệu chứng đau ngực hoặc đau bụng dữ dội, đột ngột.

Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Hoàng Định

Trong giờ phút quyết định, Đại mếu máo: “Em không có tiền để mổ. Toàn bộ tiền tiết kiệm của em chỉ có 9 triệu đồng”. Lúc đó, chi phí cho ca mổ và điều trị ước tính hơn 400 triệu đồng. BS Định trấn an: “Giờ không có tiền cũng phải mổ, BV và gia đình tìm cách sau. Vì không mổ là mẹ con không thể sống”.  

Ngày 29/6, chị Đại được tiến sĩ - BS Trần Nhật Thăng cùng ê-kíp Khoa Phụ sản mổ lấy thai tại phòng… mổ tim. Ê-kíp mổ tim với hơn chục thành viên cũng túc trực, sẵn sàng thực hiện phẫu thuật tim ngay khi xảy ra tình huống cần kíp. Cuộc mổ lấy thai thuận lợi. Con gái chị Đại nặng 1,8kg, khỏe mạnh và lập tức chuyển đến phòng dưỡng nhi. 

Sau một ngày nghỉ ngơi, Đại tiếp tục bước vào ca mổ sinh tử. BS Định cùng ê-kíp Trung tâm Tim mạch đã chuẩn bị thật chu đáo cho cuộc mổ. Ở ca mổ này, chị Đ. phải ngưng hoạt động hệ tuần hoàn tự nhiên và được thay hoàn toàn bằng máy. Theo y văn, tỷ lệ biến chứng của phẫu thuật này là 35% và tỷ lệ tử vong là 25%. Chị Đại trải qua ca mổ trong 6 giờ. 

Đến khi cảm nhận được cái siết tay, nghe được lời chúc mừng của các BS, chị mới biết mình còn sống. Chị đã được các BS thay gốc động mạch chủ, đặt stent graft động mạch chủ ngực. Chị không bị bất kỳ biến chứng nào và hồi phục rất nhanh. 

Đại trào nước mắt: “Em không nghĩ em còn sống và sống khỏe mạnh, lại còn được ôm con, được nuôi con khôn lớn”. Từ lúc sinh, Đại được gặp con hai lần. Đứa bé được đặt tên Ngọc Đan, được đưa về Tiền Giang sau 10 ngày ở phòng dưỡng nhi và phát triển khỏe mạnh “như một chú lính chì”. Phép so sánh văn chương của người mẹ bình dân này làm ai cũng xúc động. Lúc này, Đại được quyền ví von, liên tưởng đến mọi điều vĩ đại, bởi cái ngày được làm mẹ đã được chị khát khao gìn giữ và đánh đổi bằng cả sinh mạng. 

    Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI