Mẹ con khắc khẩu

21/03/2020 - 11:30

PNO - Khá lâu rồi, cô không được gọi một tiếng “má”, dù má cô vẫn còn, cô không phải đứa trẻ mồ côi.

Nhưng cũng có đận, Huyền quyết thi gan với má. Nửa thương nửa giận, Huyền cứ lừng khừng mỗi khi chạy xe ngang cái ngõ hẻm quen thuộc. Cảm giác mỏi mệt và sợ hãi. Bởi những cuộc đấu lý của hai mẹ con đôi khi khiến cho người trong cuộc cũng nếm mùi tổn thương ít nhiều.


Huyền đi công tác tỉnh. Ở đó, đơn vị bạn có diễn một đoạn tiểu phẩm để làm mẫu tình huống bán hàng. Huyền vào vai cô con gái của một bà mẹ quê lẩm cẩm, được nhân viên chào mời mua dịch vụ viễn thông của công ty. Tới lượt bước ra “sân khấu”, Huyền kêu: “Má à...”, và chẳng hiểu sao bỗng thấy mình nghẹn ngào, quên bẵng mất lời thoại kế tiếp.

Huyền giật mình nhận ra, dường như cũng khá lâu rồi, cô không được gọi một tiếng “má”. Dù má Huyền vẫn còn, cô không phải là một đứa trẻ mồ côi.

Trộm vía, má Huyền đương khỏe, và hai mẹ con thường xuyên khắc khẩu với nhau. Chung quy cũng vì mấy chuyện dâu con này nọ trong nhà. Tánh Huyền thẳng, lại nóng nảy. Câu trước câu sau là xoen xoét cãi má.

Má Huyền ít ra ngoài giao thiệp, quanh quẩn ở nhà nên hay suy diễn. Lại thêm cái nỗi cực đoan, má cứ nghĩ rằng ai xấu là sẽ xấu đều, xấu hết, xấu toàn tập. Huyền nhiều lần nhỏ to khuyên má. Bực tức khi má chẳng chịu thay đổi cái nếp nghĩ cũ kỹ của một bà già sống nép mình trong thành phố.

Những trận mẹ con giận hờn thường bắt đầu bằng sự nhẹ nhàng khôn khéo của Huyền. Rồi chuyển sang lan man kể lể kết tội của má. Lên cao trào bởi thái độ quyết liệt hiếu thắng của Huyền. Bao nhiêu lý lẽ hùng hồn cùng khả năng ăn nói của một chị chuyên viên được mang ra xài bằng hết.

Tất cả kết thúc bằng màn nước mắt của cả hai, kèm theo tuyên bố “từ mặt” của má. Rồi thì Huyền hậm hực bỏ về hoặc cúp máy, vừa đi vừa khóc vì ấm ức. Sao má mình cố chấp và… khó cải tạo kinh khủng vậy không biết nữa!

Chiến tranh lạnh sẽ kéo dài vài ngày hoặc hàng tuần, thậm chí sang đơn vị tháng, tùy vào mức độ lời lẽ cũng như cái sự “quê” của Huyền. Tự “diễn biến“, tự làm lành, Huyền ghé chợ mua ít hoa quả má ưa ăn, rón rén ghé nhà. Lặng lẽ quét dọn từ sân trước ra tận sau bếp.

Rửa vài cái chén bát hẩm hiu còn sót lại, lau cái kệ bếp, sắp xếp tủ lạnh. Hỏi má mấy câu vu vơ. Nếu má chịu trả lời, coi như êm. Má vẫn còn giận, nín thinh, là Huyền hiểu rằng mình nên kiên nhẫn đợi bữa sau “bổn cũ soạn lại” từ đầu cái “quy trình hòa bình” của mình… 

Nhưng cũng có đận, Huyền quyết thi gan với má. Nửa thương nửa giận, Huyền cứ lừng khừng mỗi khi chạy xe ngang cái ngõ hẻm quen thuộc. Cảm giác mỏi mệt và sợ hãi. Bởi những cuộc đấu lý của hai mẹ con đôi khi khiến cho người trong cuộc cũng ít nhiều tổn thương.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Huyền đành tự dặn mình, thôi thì đợi bữa sau hai bên nguôi ngoai hơn. Mai mốt gì đấy, hay tuần sau rảnh thì ghé… Rồi cũng Huyền, mỗi đêm trằn trọc khó ngủ, thừa hiểu rằng cuộc đời thì hữu hạn, mà mình thì vẫn đang còn giận nhau với má, hình như cũng hơi lâu rồi…

Đợt “chiến tranh lạnh” này có lẽ là kéo dài nhất từ trước tới giờ. Huyền loay hoay ôm mối muộn phiền, lại thêm bận rộn công tác liên miên. Một trận cảm cúm dai dẳng. Đan xen giữa nỗi nhớ má là cảm giác ngán ngại, day dứt.

Biết mình cãi má là không nên, là dở, là sai lầm, mà sao vẫn mãi không kiềm chế được. Người già ở độ tuổi đó, muốn thay đổi suy nghĩ của họ còn khó hơn lên trời, hà cớ gì Huyền cứ nhất định bắt má phải khác đi mới chịu? Để được gì cơ chứ? Thắng được má, liệu Huyền có vui hơn không?

Hôm rồi đám giỗ bố chồng, bỗng dưng ông xã Huyền mở lòng tâm sự một đoạn. Rằng hồi xưa lúc bố còn tỉnh táo, anh rất hay cãi bố. Khó chịu vì thấy bố sao đã lẩm cẩm dở hơi mà lại thích ý kiến “chỉ đạo” nọ kia.

Để sau này khi bố đã bị lẫn rồi, anh mới thấy hối hận, tự trách bản thân rất nhiều. Rằng nếu được quay trở lại, anh sẽ không bao giờ hơn thua lý sự với bố nữa. Dù một câu cũng không…
Huyền nghe tới đây thì bỗng rơi nước mắt. 

Gia Khánh

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Thu Trang 21-03-2020 22:52:51

    Con biết nghĩ cho cha mẹ như vậy, người làm cha mẹ sao kg biết nghĩ cho con? Hiếu thắng hơn thua với con thì được gì? Ngày xưa con biết nói 1 câu thì vỗ tay khen, vui mừng khoe mọi người. Con lớn rồi, có suy nghĩ riêng lại muốn con kg được nói khác ý mình? 2 miếng gỗ muốn khớp thì mỗi bên cưa đi 1 chút, 2 bên đều kg chịu thì kg ghép lại được. Cứ cho là con mình thì phải nghe mình, mình luôn luôn là đúng thì mong cho con lớn lên làm gì. Tôi kg bất hiếu cũng kg khắc khẩu với mẹ, mỗi lần mẹ tôi nói điều gì sai, tôi im lặng và đợi khi điều ấy lộ ra là sai tôi mới nói, lúc đó mẹ tôi kg cãi được.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI