Mẹ - con, ai lại đi nói chuyện tiền bạc?

15/01/2018 - 13:49

PNO - Khi tình trạng con cái ngược đãi cha mẹ không còn là chuyện hiếm thì không ai đảm bảo rằng nuôi dạy một đứa trẻ nên người, là sự cam kết đứa trẻ ấy sẽ hiếu thuận mai sau.

Các nhà tâm lý học cho rằng, thói quen tránh né minh bạch giữa chuyện tiền bạc với tình cảm của nhiều người đã gây ra những tổn thương trong mối quan hệ cha mẹ - con cái khi đứa trẻ ấy trưởng thành.

Vụ kiện của người mẹ Đài Loan gần đây - buộc con phải trả tiền ăn học - đã làm dấy lên những tranh luận quanh chuyện tình thương, trách nhiệm và nhiều thứ khác…

Tình nghĩa và trách nhiệm tài chính

Tòa án tối cao Đài Loan vừa ra phán quyết, yêu cầu một nha sĩ họ Chu trả cho mẹ ruột của anh ta số tiền 744.000 USD công nuôi dưỡng ăn học theo đúng hợp đồng họ đã ký với nhau vào năm 1997, lúc anh 20 tuổi.

Me - con, ai lai di noi chuyen tien bac?
Ngôi sao bóng bầu dục Phillip Buchanon từng vướng phải nỗi buồn mâu thuẫn tài chính với mẹ - Ảnh: Pinterest

Bà Luo (mẹ anh Chu) là một người mẹ đơn thân. Sau khi ly hôn, bà nhận nuôi hai con trai. Lo lắng rằng khi thành tài, các con sẽ không phụng dưỡng mình, bà đã yêu cầu hai con ký tên vào bản “hợp đồng báo hiếu”. Theo đó, các con bà phải hoàn lại cho mẹ 60% thu nhập thực tế, sau khi đã học xong, có việc làm ổn định.

Năm 2010, bà Luo khởi kiện hai con ra tòa vì họ đã lơ là trong việc thực hiện hợp đồng. Người con trai cả, sau đó, đã thu xếp trả tiền cho mẹ nhưng anh Chu - con trai thứ của bà Luo - thì không. Anh Chu đã chọn cách đối diện với mẹ tại tòa án. Anh Chu cho rằng, bản hợp đồng mình đã ký với mẹ đi ngược với cách nghĩ truyền thống rằng cha mẹ phải có nghĩa vụ chăm lo cho con.

Tuy nhiên, tòa án cho rằng, anh Chu ký hợp đồng trên khi anh đã 20 tuổi, tức hoàn toàn có đủ năng lực hành vi dân sự, đủ hiểu biết về các quyền cũng như nghĩa vụ của một công dân. Anh Chu có quyền từ chối nhận khoản chu cấp của mẹ ở thời điểm đó vì đã ở tuổi có thể tự lo cho bản thân theo quy định pháp luật. Nhưng anh đã chọn nhận tiền của mẹ nên tòa buộc anh phải thực hiện đúng nghĩa vụ theo hợp đồng.

Bản chất vụ việc xuất phát từ nỗi lo có thật của bà Luo, trong bối cảnh cụ thể ở xứ này. Theo luật Đài Loan, con cái phải có trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ già, nhưng trách nhiệm này lại không được quy định chặt chẽ trong các văn bản quy phạm pháp luật nên có nhiều người con đã thản nhiên bỏ mặc cha mẹ. Trong khi đó, số vụ bố mẹ khởi kiện đòi con cái chu cấp lại vô cùng hiếm hoi. Đó là lý do bà Luo phải đưa ra ràng buộc bằng hợp đồng.

Từ tháng 7/2013, ở Trung Quốc, Luật Bảo vệ các quyền và lợi ích của người già với những quy định sửa đổi chính thức có hiệu lực. Một người trưởng thành phải thường xuyên tới thăm hoặc ít nhất giữ liên lạc với bố mẹ già, nếu không sẽ bị coi là vi phạm pháp luật. Tính đến nay, số vụ bố mẹ kiện con cái không nhiều vì không phải cha mẹ nào cũng có thể đưa ra những cam kết rạch ròi, ràng buộc tình nghĩa từ con cái.

Năm 2015, giới hâm mộ thể thao thế giới sững sờ khi đọc tự truyện của cựu ngôi sao bóng bầu dục nhà nghề Mỹ - Phillip Buchanon. Chi tiết độc giả quan tâm nhất là mâu thuẫn tiền bạc làm sứt mẻ tình cảm mẹ con. Khi Phillip Buchanon ký hợp đồng với đội Oakland Raiders năm 2002, mẹ của anh đã đòi số tiền khá lớn từ con trai, lên đến 
1 triệu USD, gọi là công nuôi dưỡng.

Đó là cú sốc lớn với Phillip, vì theo anh, việc chăm sóc, nuôi nấng một đứa trẻ là điều tối thiểu mà bất cứ người làm cha làm mẹ nào cũng phải dành cho đứa con mình sinh ra. Anh chỉ chấp nhận mua cho mẹ một căn hộ và sau đó, nhiều rắc rối phát sinh, anh buộc mẹ chọn 15.000 USD rồi tự chăm sóc bản thân.

Việc chu cấp, phụ giúp tài chính là minh chứng của suy nghĩ con cần được chăm sóc. Điều này cũng là suy nghĩ bình thường ở Mỹ. Nó hoàn toàn ảnh hưởng đến thái độ của con cái, khiến họ nghĩ cha mẹ hiển nhiên phải chu cấp tiền bạc cho con và việc tính toán tiền bạc với con là vô lý. Đó là lý do Phillip tin rằng, giữa những người ruột thịt không bao giờ tồn tại những vấn đề tiền bạc và con cái chỉ nợ cha mẹ tình yêu, sự kính trọng.

Bất luận là trong xã hội phương Đông hay phương Tây, tiền bạc giữa bố mẹ và con cái là vấn đề “tế nhị” nên các bên thường né tránh đề cập, từ đó dẫn đến nhiều hoàn cảnh trớ trêu. Tác giả Jayne A. Pearl của nhiều quyển sách viết về nghĩa vụ tài chính của cha mẹ, cho biết: thiếu minh bạch tài chính trong gia đình là vấn đề hầu hết các gia đình Mỹ đều gặp phải.

Phụ huynh thường tránh trò chuyện với con về vấn đề tiền nong trong gia đình cũng như về trách nhiệm của từng cá nhân đối với vấn đề tài chính. Từ đó dẫn đến gánh nặng phụ thuộc từ cả hai phía mà không thể tách bạch giới hạn đâu là tình nghĩa cha mẹ - con cái và đâu là trách nhiệm tài chính cá nhân. Theo Jayne A. Pearl, một khi mâu thuẫn tài chính xảy ra, khả năng mối quan hệ đổ vỡ sẽ rất cao. 

Một khảo sát từ trang creditcards.com trên quy mô rộng, công bố cuối năm 2017 chỉ ra: đến 75% phụ huynh ở Mỹ hiện vẫn còn chu cấp tài chính cho những đứa con đã trên 18 tuổi.  


Anh Thông
(theo )

Hợp đồng hóa.... đạo hiếu

Yêu thương, nuôi dưỡng, dạy dỗ một đứa trẻ nên người và thành đạt không hề là sự bảo chứng hay bắt buộc đứa trẻ ấy sẽ trở thành một người con hiếu thuận. Nhưng, một hợp đồng ràng buộc con cái phải có trách nhiệm đối với bậc sinh thành, liệu có… kỳ lạ?

Bà Luo thắng kiện không phải dựa trên một đạo luật yêu cầu con cái phải có nghĩa vụ chăm sóc, phụng dưỡng người đã sinh ra mình. Nó đơn thuần dựa trên giá trị hiệu lực thỏa thuận giữa hai bên: khi ký hợp đồng, cả anh Chu lẫn bà Luo đều đã trưởng thành và đủ năng lực chịu trách nhiệm pháp lý cho những gì mình đã cam kết.

Bước ra khỏi tòa án, dư luận không khỏi ngạc nhiên khi những điều tưởng không thể đong đếm, mang tính tất yếu, nhuốm màu sắc thâm tình lại phải đem ra định giá, buộc nhau thanh toán sòng phẳng.

Chưa nói đến hàng loạt điều luật từ hệ thống pháp lý, tự thân mối quan hệ cha mẹ - con cái đã quy định một cách tự nhiên trách nhiệm và nghĩa vụ của hai bên, như một đạo lý căn cốt, phổ quát. Yêu thương, nuôi dạy con và yêu thương, phụng dưỡng mẹ cha là bổn phận tất yếu của bất cứ người nào, dù ở nơi đâu trên thế giới.

Do đó, việc định giá và đòi lại công nuôi dưỡng của người làm cha mẹ, thoạt nghe, thật khó chấp nhận. Hơn nữa, thông qua bản hợp đồng thanh toán công nuôi dưỡng, tức cho phép sự hiện diện của pháp luật trong phân xử đạo lý, lẽ thường, càng là chuyện khó tin, thậm chí… không hay.

Me - con, ai lai di noi chuyen tien bac?
Ảnh minh họa

Thế nhưng, ngày nay, khi tình trạng con cái ngược đãi cha mẹ không còn là chuyện hiếm, nỗi lo bị con cái bỏ mặc khi tuổi già bóng xế đang ngày càng phổ biến; không ai đảm bảo rằng nuôi dạy một đứa trẻ nên người, thành đạt chính là sự cam kết đứa trẻ ấy sẽ hiếu thuận mai sau.

Song song, dù Bộ luật Hình sự quy định chặt chẽ mức trừng phạt lỗi “bất hiếu” thì rào cản từ nếp nghĩ, văn hóa, tâm lý và tấm lòng của hầu hết bậc sinh thành dành cho con cái đã vô tình khiến luật pháp khó chạm tay bằng những phiên tòa cụ thể; dẫn đến họ phải gánh chịu bao nhiêu thiệt thòi, bất hạnh, đau khổ.

Một hợp đồng cụ thể, yêu cầu thanh toán công sức nuôi dạy - thực chất là yêu cầu con cái có trách nhiệm với mình, về phương diện nào đó, cho cha mẹ cảm giác an toàn, xua nỗi lo già đi trong nghèo túng và giúp đảm bảo được cuộc sống tương đối trong tuổi già nơi người làm cha mẹ.

Đối với tuổi già, hết khả năng làm việc, tình cảm, sự phụng dưỡng của con cháu là điều cần thiết; song, trường hợp bị ngược đãi, một khoản tiền sẽ giúp họ tránh được cảm giác bị xã hội bỏ rơi và vẫn đảm bảo được chăm sóc thông qua các dịch vụ.

Câu hỏi đặt ra là, liệu một hợp đồng như vậy có khiến cho những điều quý giá, thiêng liêng, mang ý nghĩa cao đẹp trong quan hệ tình thâm bị giảm giá trị? Từ nghiên cứu hàng chục năm, Sigmund Freud - bác sĩ thần kinh và là nhà tâm lý người Áo - đúc kết rằng, sâu trong tiềm thức con người, việc phải trả tiền cho điều gì đó riêng tư, ý nghĩa, thiêng liêng thuộc phạm trù cảm xúc luôn là sự bất thường, luôn không hợp lý.

Ngay khi chào đời, chúng ta đã nhận được sự bảo bọc, chăm sóc vô điều kiện; đến tuổi trưởng thành, ý niệm những gì thuộc về tình thương phải được miễn phí đã nằm lòng, hằn sâu.

Sau đó, dẫu cuộc sống có dạy ta rằng nhiều thứ nhất định phải được mua bằng tiền, thì tiềm thức kia vẫn bật lên sự kỳ vọng sẽ không phải thanh toán cho những điều thuộc về lẽ hiển nhiên phải nhận được, hòng bảo toàn sự “trong sạch” của nó. Là một cá nhân tồn tại độc lập, con người cần hiểu những gì mình nhận được luôn có “giá” tương ứng. Do đó, không có sự thấp kém hay thuyên giảm giá trị khi định giá hoặc thương mại hóa những điều ý nghĩa, thiêng liêng; bởi sự kỳ vọng - chối bỏ kia khởi nguồn từ một tiềm thức.

Và, chúng ta ai rồi cũng già đi. Không ai không mong mỏi một sự an toàn, cảm giác được đầy đủ dù tương đối ở mai sau. 

Tuyết Dân

Giao kết nuôi dưỡng cha mẹ: Cần chứ! 

Giả định, nếu bà Luo không yêu cầu con ký giấy thỏa thuận gửi lại mẹ 60% thu nhập sau ngày ra trường, đi làm thì tuổi già của bà liệu có được bảo đảm chăng? Người con trai có tự nguyện đưa tiền cho mẹ chăng khi mà trước tòa, anh ta vẫn cho rằng lúc ký giấy, anh mới 20 tuổi - còn quá nhỏ.

Ở ta, nhiều bậc cha mẹ đầu tư cho con ăn học, kinh doanh… đến tuổi già cũng lo sợ bị con cái bỏ mặc; nhưng việc yêu cầu con ký kết một “hợp đồng kinh tế” ràng buộc trách nhiệm rạch ròi, sòng phẳng và đầy “tầm nhìn” như bà mẹ Đài Loan thật hiếm; hoặc nếu có thì nó vẫn nằm im trong tủ. Khi có vấn đề phát sinh, làm cha/mẹ, chẳng lẽ lại cầm tờ giấy đó đi kiện con ruột?

Truyền thống gia đình Việt là “nước mắt chảy xuôi”. Việc con cái có hiếu thảo, biết nghĩ đến công lao cha mẹ nuôi dưỡng thân xác và vun bồi trí tuệ của mình hay không được xem là cái “phước” của mỗi người làm cha làm mẹ, sướng nhờ, khổ chịu. Các phương tiện truyền thông thường đăng tải nhiều vụ hắt hủi, ngược đãi song thân, đáng bức xúc nhất là những trường hợp các con được ăn học đàng hoàng, thành đạt, có địa vị xã hội.

Với câu hỏi “cha mẹ có nên yêu cầu con ký thỏa thuận bồi hoàn lại số tiền đầu tư cho ăn học và đáp đền công ơn nuôi dưỡng khi cha mẹ già yếu không?”, tôi trả lời ngay là có, rất cần. Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, ở khoản 2, điều 70 nêu rõ, con cái “có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ, giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình”.

Điều 107, khẳng định nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa các thành viên trong gia đình, trong đó đầu tiên là giữa cha, mẹ và con. Một tờ giấy thỏa thuận là cơ hội để con cái nghiêm túc nhìn nhận việc cha mẹ đầu tư cho mình, xây dựng ý thức trách nhiệm, không ỷ lại, phủi ơn; cha mẹ an tâm, mạnh dạn chăm lo cho con; việc giao kết không hề ảnh hưởng, tổn hại đến tình cảm gia đình.

Me - con, ai lai di noi chuyen tien bac?
Ảnh minh họa

Để mua “cái chữ, cái nghề” cho con, nhiều bậc cha mẹ đã phải hy sinh hết khoản tiền tiết kiệm, tích lũy cho tuổi già; phải bán đất, bán nhà, sang nhượng cơ sở kinh doanh, vay mượn họ hàng, vay ngân hàng… Bản chất vấn đề là người con vay mượn để trang trải việc ăn học cho mình, cha mẹ chỉ đứng tên giùm. Vì thế, đến khi có khả năng, người con phải có trách nhiệm chi trả; nếu không trả một lần được thì trả dần.

Cha mẹ cần nói rõ cho con hiểu hoàn cảnh gia đình và có kế hoạch làm việc, sinh sống sao cho tiết kiệm, có dư để trả lại cha mẹ, trả nợ; tránh trường hợp con ra trường, lười biếng, ngại việc, lại tiếp tục buộc cha mẹ cho học nâng cao, hoặc bắt ép cha mẹ bỏ vốn cho mình làm ăn (không phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình khi cha mẹ không còn nguồn sống, già yếu, bệnh tật); con se sua, hưởng thụ cá nhân, ăn tiêu phung phí, lo cung phụng cho người yêu, thờ ơ, quay lưng với cha mẹ, không mảy may nhớ mình đã “tạm ứng” của cha mẹ quá nhiều tiền bạc, ân tình.

Một tờ giấy, một sự cam kết không ai mong một ngày nó trở thành chứng lý chốn pháp đình, nhưng sự hiện diện của nó nhắc nhở con cái về bổn phận, về đạo hiếu, hoặc chỉ là luật vay - trả, là lẽ công bằng, sòng phẳng trong cuộc sống. Dù con cái có những khó khăn riêng, không thể luôn đáp ứng trọn vẹn lời đã hứa, nội dung đã ký nhưng chẳng khó gì để mở lời thương thảo với cha mẹ mình.

Trở lại câu chuyện kiện tụng của người mẹ Đài Loan, nếu người con thấy “ngán” khi phải nộp lại cho mẹ đến 60% thu nhập của mình, sao anh không bỏ nhỏ: “Thôi thì, 30% mẹ nhé!” hoặc có thể xin trả chậm dưới dạng phụng dưỡng cho đến khi mẹ qua đời - chính xác là thứ mà người mẹ mong muốn. 

Một người cha là nông dân ở Quảng Trị, đơn thân nuôi năm người con. Các con lớn đều học hành dở dang vì bận giúp cha mưu sinh, chỉ cậu út học hết phổ thông, học rất giỏi, đậu đại học ở TP.HCM. Trằn trọc nhiều đêm trước ngày con tựu trường, người cha quyết định bán mấy sào ruộng để có tiền đóng học phí cho cậu út.

Ông gọi các con ngồi lại, nói: “Mảnh ruộng là công sức của cha mẹ tạo dựng, mẹ mất sớm rồi, sau này cha mất thì các con chia nhau. Nhưng nay thằng út không có tiền học đại học, cha đành phải bán để lo cho nó”. Quay sang đứa con út, ông nhấn mạnh: “Út này, đây là phần chung của cả năm anh chị em. Tình thế này, cha cho con “mượn”. Chừng nào làm có tiền, con phải mua trả lại mảnh ruộng tương đồng giá trị cho các anh chị em, con nhớ đó”.

Cậu út nỗ lực học hành, đi dạy kèm, làm việc bán thời gian, tích lũy tiền và kinh nghiệm chuyên môn. Hai năm sau ngày tốt nghiệp, cậu đã chuộc lại chính mảnh ruộng ấy cho cha và còn đóng vai chủ lực trong các anh chị em để lo chạy chữa bệnh ung thư của cha. Một lời nói miệng của người cha đã được con thấu hiểu bằng trái tim và ý chí. Câu chuyện gia đình cảm động và đáng khâm phục ấy cho nhiều người cảm hứng dạt dào về sự gieo trồng ân tình.

 Luật sư Võ Thị Anh Loan 
(Đoàn Luật sư TP.HCM)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Minh Trang 03-01-2022 22:34:51

    Nếu cha mẹ ko lo cho con dù có điều kiện, chỉ mê kiếm tiền, nhà cao cửa rộng, xe cộ sang cho có thể diện, đứa con phải tự bươn chải khá nhiều, đến khi già, cha mẹ vẫn còn đất đai, có tiền dành dụm, nhưng vẫn mún con báo hiếu đầy đủ, thường đem chuyện người khác báo hiếu ra sao để nhắc nhẹ, trong khi con vẫn báo hiếu theo hoàn cảnh của con mà vẫn bị chê ít, vẫn bị sỉ nhục, xúc phạm, bạo lực
    Vậy ai sống đúng, ai sống sai?

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI