Mễ Cốc nơi Sài Gòn khởi nghiệp

12/02/2018 - 08:19

PNO - Đất Sài Gòn với bản sắc của nền văn minh sông nước, nhưng không dòng sông, con kênh nào có nhiều cây cầu nối liền các khu dân cư, thương mại bằng Bến Nghé - Tàu Hủ.

Các cầu lớn như Khánh Hội, cầu Mống, cầu Ông Lãnh, cầu Calmette, cầu Chà Và, cầu Bình Tiên, cầu chữ U… và cùng với các cây cầu là các bến sông, bến chợ lớn nhỏ tấp nập người mua kẻ bán suốt ngày đêm.

Nhưng ngày nay, không biết còn bao nhiêu người Sài Gòn đặt chân quay về đường Mễ Cốc - Rạch Cát? Hẳn là không nhiều.

Ghe lui khỏi bến còn dằm / Người thương xa bến, chỗ nằm còn đây (Ca dao)

Me Coc noi Sai Gon khoi nghiep
 

Ði về hướng Tây Nam Sài Gòn, qua cầu Chà Và, ôm bùng binh Xóm Củi, quẹo phải qua mấy dãy phố Tàu, nơi từng có những tiệm bán trứng gia cầm một thời nhộn nhịp và quẹo trái đi theo bến Bình Ðông, cứ đi thẳng miết, thẳng miết hết đường là tới đường Mễ Cốc - Rạch Cát. Nhưng có một hướng khác để đến là đi từ bến Lê Quang Liêm (Trần Văn Kiểu ngày nay), qua cầu sắt chữ U hoặc cầu Nhà Thương.

Ngày xưa, khi đi ngang cầu Vĩnh Mậu, tới cầu Máy Rượu vào đường Mễ Cốc, tất cả hình ảnh ở đây ập vào mắt tôi là một bên kênh nước đen đầy rác, một bên là những dãy phố lầu cũ mục của người Hoa. Ðâu ai ngờ nơi đây từng là thương cảng lúa gạo lớn, một thời là chốn đô hội sầm uất nhộn nhịp chuyện làm ăn vào hàng có cỡ của vùng Viễn Đông.Chính vì nhu cầu phát triển của cái cảng sông quan trọng này mà Sài Gòn - Chợ Lớn đã hình thành như ngày nay.

Nhớ lại ngày chúng tôi hòa nhịp sống chậm với người Sài Gòn, vì nghĩ có khi đến đây là được bước vào cái phông nền, nơi tạo nên những câu chuyện đời ngang trái như trong tuồng cải lương xưa. Và câu chuyện xưa bắt đầu từ số phận của những cô gái từng sống ở đường Mễ Cốc - Rạch Cát, từng có thời mỗi ngày đi qua cầu chữ U đến làm công trong những cái kho gạo đồ sộ và sâu hun hút của các ông chủ Tây, chủ Tàu trên bến Lê Quang Liêm. Câu chuyện được kể từ miệng một Việt kiều Pháp đang ngồi uống cà phê trong một cái quán vắng trước cửa nhà trọ Tuấn Sơn gần chân cầu Vĩnh Mậu.

Ông kể: “Ông nội tôi người Tiều, để lại cho cha tôi vài cái kho ở bến Lê Quang Liêm. Má tôi người Việt, làm nghề vá bao bố trong kho. Cha tôi thấy bả đẹp, biểu tài phán cậy người đến nói dóc với ông ngoại tôi rằng, có một anh người đàng hoàng chạy taxi, ưng cô Út Bột đẹp người, muốn cưới. Cha tôi theo kịch bản đó cưới má tôi gọn hơ. Sau này má tôi mới hay mình làm vợ ba của một ông chủ xuất khẩu lúa gạo. Rồi mãi sau này nữa mới té ngửa là cha tôi cứ theo kịch bản cũ, nhưng vào vai công chức, nhà buôn... để cưới thêm bà tư, bà năm. Mà ngộ thiệt, cha tôi chỉ lựa con gái vùng này!”.

Me Coc noi Sai Gon khoi nghiep
 

Ngày xưa, mỗi khi có dịp đến bến sông này, quả thật chúng tôi không biết phải cư xử sao cho phải cách, bởi không ở đâu người Sài Gòn dễ nổi tính tự ái bằng ở đây. Chúng tôi rất bối rối khi dừng lại hỏi chuyện một người đàn ông vừa đi mò trùn chỉ về. Người đàn ông bê cái thau nhựa từ dưới ghe lên bến, trong thau lẫn với bùn đen là trùn chỉ trông như một đám cỏ màu máu đỏ bầm. Tôi hỏi không đầu 
không đuôi:

- Nước đen kịt sao anh biết chỗ nào có bùn mà mò?

Người đàn ông mặt vẫn còn dính bùn, nói:

- Tôi biết từ hồi còn con nít. Nói sao được!

Từ một con hẻm phía bên kia đường, một đứa bé trai chừng bảy, tám tuổi, tay cầm một tấm nhựa chạy tới:

- Lấy cái này đậy thau trùn nè ba!

Người đàn ông chỉ gật đầu. Ðứa bé trai hai chân dính đầy bùn tới đầu gối. Chúng tôi hỏi:

- Bán hết cái thau trùn này kiếm được bao nhiêu hả anh?

Người đàn ông nhăn mặt:

- Vài chục ngàn đồng, được chưa. Nhưng hỏi làm gì. Ði chỗ khác đi!

Chiều trên kênh nước đen, tiếng máy đuôi tôm phành phạch đưa những chiếc ghe cũ nát của những người đi mò trùn chỉ về nhà. Ðể phục vụ cho thú chơi cá cảnh của người Sài Gòn, hẳn là mỗi ngày người dân nơi đây phải bắt đến vài trăm ký trùn chỉ.

Ðâu ai ngờ những kênh nước đen ô nhiễm lại có thứ “phục vụ” cho những con cá kiểng đắt tiền, lại tạo nên một thứ công việc lạ đời, một thứ nghề lặn hụp trong bùn dơ tanh tưởi, nhưng trong tình cảnh một vùng đô thị bị bỏ rơi, dân cư nơi đây coi như tìm thấy ở nghề mò trùn chỉ, vựa ve chai, làm bột sơn... như là một cơ hội để tồn tại.

Me Coc noi Sai Gon khoi nghiep
 

Trước đây có tin đồn là dân miền Trung đổ xô vào Sài Gòn bán mì - hủ tíu gõ vì họ có công thức nấu nước lèo bằng trùn chỉ. Không biết thực hư ra sao, nhưng một khi đã đến bến sông này, tận mắt nhìn tình cảnh cơ cực của những người đi mò trùn chỉ thì mới vỡ lẽ, những tin đồn đó là không có tính người, bởi không có cái ác nào bằng những lời lẽ (dù vô tình) xô đẩy người nghèo vào cảnh thất nghiệp.

Cảnh chiều xưa ở đường Mễ Cốc - Rạch Cát, từ cầu Mang Cá, cầu Nhà Thương, cầu Vạn Nguyên, từng nhóm thợ thuyền, học sinh, người bán hàng rong, đi bộ hoặc vai vác xe đạp bước chậm xuống từng bậc thang. Tiếng chuông nhà thờ Bình Ðông và tiếng loa của đài phát thanh phường 15, quận 8 cùng ngân động trong thứ gió ngậy mùi nước mắm hãng Liên Thành.

Người bạn đi cùng tôi nói:

- Có để ý gì không? Ở đây mấy tiếng đồng hồ mà chỉ thấy một vài chiếc xe hơi.

Tôi gật đầu:

- Sài Gòn gì mà trên đường xe chạy chỉ thấy con nít đánh đáo với chơi tạt lon, hệt như cảnh trong phim tư liệu của các thế kỷ trước. Ðúng là lạ thường!

Chúng tôi tấp vào chân cầu sắt số 3, nơi có vài chiếc ghe nhỏ từ dưới miền Tây lên neo đậu bày bán trái cây. Người đàn ông mặc cái áo trắng hoen ố mủ trái cây đang chuyện trò rôm rả với dân địa phương, ông nói:

- Dưới tui ly cà phê sữa chỉ có vài ngàn bạc, nước trà ngon đến mức uống nhiều thấy ngại.

Một người chạy xe ôm đang chờ khách hỏi:

- Ba tấn trái cây của anh từ Mỏ Cày chở lên đây. Một chuyến kiếm một triệu đồng được không?

- Năm sáu trăm là giỏi rồi!

Me Coc noi Sai Gon khoi nghiep
 

Người đàn bà đẫy đà, chạy chiếc xe máy đắt tiền màu trắng đang lựa mấy trái đu đủ trong cái cần xé, ngước lên nói:

- Giỏi gì! Anh có con gái mới lớn không? Cho theo tôi làm nghề hớt tóc lấy ráy tai, chỉ cần vài ngày là tiền bo bằng anh bán trái cây cả tháng.

Người đàn ông địa phương, mặc xà lỏn áo thun cũng đang lựa trái cây quay qua nói:

- Thôi đi mẹ! Ở đâu lại đây mà tính dụ người ta bán con gái vậy?

Chúng tôi lên xe quay về hướng Chợ Lớn, ngày xưa chỉ cần qua cầu chữ U là tới nhưng giờ cầu không còn, không biết các cây cầu sắt Tây nơi đây đã thành phế liệu làm giàu cho ai, chỉ biết các di sản đậm chất Sài Gòn này đã dần phai mờ trong ký ức cư dân đô thị mà nó cưu mang.

Bên kia bờ của bến Bình Đông đã sáng rực ánh đèn của các loại xe; phải chăng từ tuyến đường huyết mạch này, ánh sáng phồn vinh sẽ quay lại với vùng đất “oanh liệt” một thời trong cái dáng những cây cầu bê tông bề thế đưa người dân Mễ cốc - Rạch Cát qua sông. Tôi nói với người bạn cùng đi:

- Ê, tụi mình quay lại chụp hình mấy cái cầu sắt để dành! 

Trần Tiến Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI