Mẹ có thấu tiếng lòng con qua bức tâm thư!

21/02/2025 - 07:58

PNO - Là trụ cột của công ty, mỗi ngày con chỉ ngủ khoảng 2 tiếng đồng hồ, dành thời gian để giải quyết công việc, và kề cận bên mẹ.

Một lần hiếm hoi cất được tiếng nói sau tai nạn dập não vào năm 2018, mẹ bất giác thốt lên: “Con có tiền không, cho mẹ mấy đồng. Lỡ con bỏ mẹ thì mẹ còn đón xe về nhà”.

Con mừng muốn khóc khi lại được nghe tiếng nói hiền lành, chân quê của mẹ. Thế là cả nhà không ai chịu ngủ, cứ thức chờ nghe. Để rồi sau rất nhiều ngày, dù mẹ chỉ hé được vài chữ thôi, con cũng tua camera lại, hăm hở chia sẻ cho đại gia đình như tầm được báu vật.

Oằn vai, mẹ gánh…

Nhưng lòng con không khỏi xót xa khi ký ức còn sót lại ở tuổi xế chiều của mẹ ôi sao lại chỉ là những đoạn đời gian khó, buồn đau, xơ xác… “Đây là nhà của mình nè mẹ ơi mà sao con bỏ mẹ cho được?” – con lặp đi lặp lại cố để mẹ nghe, vừa như một khúc kinh cầu.

Phải rồi, làm sao mẹ có ký ức vui vẻ, thảnh thơi khi tuổi thơ đã sớm chịu cảnh mồ côi, đi ở đậu chăn bò chăn trâu, bị chủ đánh đập; lấy chồng sinh con, đời mẹ lại cột chặt vào đôi quang gánh. Ba đi cách mạng đằng đẵng và sau ngày hòa bình, mất sớm vì bệnh. Mẹ tảo tần bán buôn nuôi 8 đứa con ăn học. Gánh rau, gánh trứng oằn vai thì gánh con cũng trĩu phận đời của mẹ…

Ảnh mẹ bên gánh trứng ở một góc chợ Đà Lạt do một ông Tây chụp dẫu ố vàng theo thời gian vẫn được đại gia đình chị Thanh Hương nâng niu cất giữ. Ảnh do nhân vật cung cấp.
Ảnh mẹ bên gánh trứng ở một góc chợ Đà Lạt do một ông Tây chụp, dẫu ố vàng theo thời gian vẫn được đại gia đình chị Thanh Hương nâng niu cất giữ. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Từng góc phố con đường Đà Lạt nhẵn dấu chân mẹ. Mỏi chân, đói bụng, mẹ tìm gốc cây ngồi ăn bắp, ăn bánh ú lót dạ rồi tiếp tục đi. Tiếng rao “Ai mua trứng không?” kéo dài như thể càng kéo dài thì càng bán được nhiều hơn và con mình có thêm chén cơm, tấm áo...

Mẹ rất ít thay bộ quang gánh mới. Đứt quang, mẹ lấy dây cột lại xài tiếp. Chưa bao giờ con thấy mẹ bệnh, có phải vì gánh đàn con nheo nhóc, mẹ không cho mình có cả cái quyền… “được bệnh”. Mẹ chỉ nghỉ bán vài ngày vào bệnh viện nuôi các con bệnh.

Giờ đây, trước mắt con là lênh láng màu trắng pha hồng của gánh trứng đổ sà xuống đường, lăn lóc, bể nát. Vì nghe tin anh Hai bị tông xe, mẹ vừa gánh trứng vừa chạy, vừa khóc và vấp té. Người dân bên đường ra nhặt phụ, lau phụ mớ trứng còn nguyên và mua ủng hộ.

Con vẫn tự trách mình sao ngày ấy quá vô tư, thờ ơ, để mẹ đối mặt với những nỗi niềm riêng. Con chỉ biết hồn nhiên chơi lồng đèn trung thu mà không biết mẹ đã đứng tần ngần bên cửa hàng trước khi năn nỉ “lấy lồng đèn đổi trứng”. Đã hàng chục lần con thấy bờ vai mẹ rung rung, lén khóc trên giường ngủ, trong bếp, thậm chí ở chuồng heo… mà con chỉ biết đứng nhìn từ xa. Sao lúc đó con không chạy ào đến ôm mẹ, hỏi vì sao mẹ khóc và chia sớt được chút gì?

Nhớ lần con phóng qua mương trước nhà, vì lười đi đường vòng, làm đổ chiếc mẹt đựng đầy bánh kẹo thuốc lá xuống nước (ngoài giờ học, mấy anh em phụ mẹ bán hàng lặt vặt kiếm thêm thu nhập).

Bị mẹ quất mấy roi, con òa khóc rồi há hốc khi thấy mẹ còn khóc nhiều hơn cả con. Mẹ lấy chai dầu chấm chấm xoa xoa những lằn đỏ trên người con. Mấy ngày sau, con hỏi: “Vì sao mẹ khóc: vì bị mất hết vốn hay vì tội cho con bị đánh đau?”. Mẹ đáp gọn “cả hai” rồi mỉm cười.

Ở tuổi dậy thì, đã có lần vì mặc cảm, con đã làm một điều dại dột, không biết mẹ có giận không? Đó là năm con còn học cấp III, trong một hội thi văn nghệ, có nhiều bạn mới từ các huyện trong tỉnh Lâm Đồng quy tụ về TP Đà Lạt. Con đang vui chơi với các bạn thì nhìn thấy mẹ phía xa xa với đôi quang gánh quen thuộc. Con gật đầu chào mẹ, mẹ khoát tay giả lơ ý nói con hãy vui chơi với các bạn.

Không hiểu sao, lúc đó con lại đứng quay lưng, cố tình che khuất mẹ. Con không muốn các bạn mới đến biết mình là con của bà bán trứng kia. Lát sau con liếc nhìn chỗ mẹ ngồi ban nãy thì chỉ thấy mái hiên trống trơ, mẹ đã băng mình giữa mưa giông từ bao giờ… Con khờ khạo, ích kỷ, vô tâm quá phải không mẹ? Đáng lẽ con phải tự hào về gánh trứng của mẹ, gánh trứng dẫu cột dây chằng chéo nhưng đã cho tụi con một cuộc đời lành lặn.

Tranh thủ lúc mẹ thức, chị Thanh Hương sà xuống giường ôm hôn mẹ, kể chuyện ngày xưa, mong khơi gợi chút gì trong ký ức người mẹ bị tổn thương não. Ảnh: Tô Diệu Hiền
Tranh thủ lúc mẹ thức, chị Thanh Hương sà xuống giường ôm hôn mẹ, kể chuyện ngày xưa, mong khơi gợi chút gì trong ký ức người mẹ bị tổn thương não. Ảnh: Tô Diệu Hiền

Chữ hiếu chưa tròn, con chưa thành đạt

Con lập gia đình, sinh con, cái nghèo vẫn đeo bám bởi làm đâu thua đó. Mẹ lại phải tiếp tế lương thực cho gia đình nhỏ. Cứ đến giờ chơi hoặc tan học, mẹ ghé trường học chìa cho cháu ngoại trái bắp, gói xôi. Con quyết chí đi lập nghiệp, buôn bán hai chiều rau cải từ Đà Lạt và nhu yếu phẩm từ miền Tây nhưng lại cũng không thành công. Con báo mẹ tiếp và mẹ vẫn bao bọc con chẳng nửa lời than trách.

Con luôn hàm ơn mảnh đất Sài Gòn – TPHCM, nơi con tìm được lối đi để thoát nghèo, bắt đầu trụ vững trong kinh doanh và cất bớt gánh lo của mẹ. Làm trưởng phòng kinh doanh cho công ty may mặc, thấy đối tác là công ty sản xuất vải có sử dụng chất đốt, con sực nghĩ: “Sao mình không cung cấp củi cho họ?”.

Bén duyên với ngành chất đốt, đầu tiên là những bó củi, về sau con mạnh dạn hùn hạp, đầu tư thuê xưởng ở TPHCM và mua 3 máy ép vỏ điều. Ăn nên làm ra, con tách riêng, mở nhà máy ở Bình Phước. Những chặng đường gian truân và rồi cuối cùng may mắn đã mỉm cười, con luôn có mẹ để tâm sự, chia sẻ, gỡ rối.

Mẹ thường dặn dò con phải luôn tạo ra đồng tiền chân chính. Dù nhà mình ngày xưa luôn thiếu hụt nhưng mẹ vẫn làm từ thiện, chia sẻ với người nghèo khó. Vui nhất là hằng năm đại gia đình Công ty Nguyên Thanh Hương đi du lịch, các em, các cháu nhân viên luôn xúm xít, quây quần và gọi mẹ bằng “ngoại”.

Qua rồi những tháng năm chật vật với cơm áo gạo tiền, mẹ con mình đã có những dịp hạnh phúc bên nhau khi du lịch trong và ngoài nước. Lần nào mẹ cũng sợ con tốn tiền, không chịu đi. Con phải nói dối là đi công tác, kết hợp du lịch và đã đặt vé máy bay, phòng khách sạn cho hai mẹ con rồi.

Còn nhớ năm mẹ tròn 75 tuổi, tụi con đã tổ chức chương trình sinh nhật “Tấm lòng người mẹ” thật đông đủ, ấm cúng. Khách tham dự ai cũng khen mẹ được phước báu, có các con, dâu rể, cháu đều thành đạt và hiếu thuận. Họ đâu biết con vẫn vò xé tâm can khi nghĩ về cuộc đời hy sinh quên mình của mẹ.

Khi mẹ bệnh thuyên tắc phổi rồi té dập não, đời sống gần như thực vật, nỗi tiếc nuối càng cuộn lên trong lòng con. Cả trăm lần bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM báo động “chuẩn bị tinh thần” nhưng con vẫn tin mẹ không thể ra đi. Con không chấp nhận được ngày nào đó phải vắng mẹ. Con cầu mong thời gian đừng cướp đi mẹ của con.

Ngày xưa con hiểu về chữ hiếu chỉ là nghe lời, học hành chăm ngoan, phụ giúp công việc nhà. Giờ đây, tóc đã pha sương, nằm bên mẹ, lắng nghe nhịp thở của mẹ, con hiểu chữ hiếu rộng lớn lắm!

Hiếu đạo không chỉ là lo vật chất đủ đầy mà còn phải hết sức coi trọng đời sống tinh thần của cha mẹ già. Luôn nhớ máu thịt của mình là của cha mẹ, từ đó mà thương quý, nâng niu cha mẹ như bản thân mình. Giờ đây con mới thấm thía rằng tiền không mua được ký ức; tiền không mua được sức khỏe; tiền không mua được gia đình có đủ mẹ cha bên mâm cơm rộn rã tiếng cười. Và mẹ ơi, con biết hiếu đạo không thể là câu chuyện muộn màng.

Những dòng tâm thư này, con gửi đến mẹ. Con mong mẹ cảm nhận được thức ngon vật lạ, bù lại ngày xưa toàn khoai, bắp, cơm độn, ổ bánh mì rắc muối tiêu hay tô bún không thịt của bún bò bà Đạo (mẹ chỉ gọi tô có thịt cho con). Con đau đớn nhận ra làm sao mẹ cảm nhận được hương vị thức ăn nữa vì thức ăn đã phải xay nhuyễn, bơm thẳng vào bụng qua đường ống đặt sẵn. Dù biết vậy, con vẫn cầu mong một phép màu…

Chị Thanh Hương (đứng giữa) cùng mẹ và đại gia đình vui đón một mùa xuân mới lại về. Ảnh nhân vật cung cấp.
Chị Thanh Hương (đứng giữa) cùng mẹ và đại gia đình vui đón một mùa xuân mới. Ảnh nhân vật cung cấp.

Con thèm được cõng mẹ đi chơi như ngày xưa mẹ bồng ẵm con. Con mong mẹ thấy phố phường cao đẹp, người xe tấp nập đông vui. Ở TPHCM, mình đã có căn nhà khang trang như ngày xưa mẹ vẫn lầm rầm cầu nguyện khi gánh trứng đi bán.

Con mong mẹ cảm nhận được tình yêu thương của các con cháu, chúng con tranh nhau thức canh mẹ, canh nhau thay tã. Là trụ cột của công ty, nhưng thời gian ưu tiên nhất, con vẫn dành cho mẹ. Mỗi ngày con chỉ ngủ khoảng 2 tiếng đồng hồ, dành thời gian để giải quyết công việc và kề cận bên mẹ. Với con, chưa trọn hiếu đạo thì không ai được gọi là thành đạt.

Con thèm được mẹ vỗ về, nhịp nhịp ngón tay trên tóc con khi con sà xuống ôm mẹ cho vơi bớt những nhọc nhằn, áp lực trên thương trường. Nhắc đến đây, thức lại trong con ký ức đẹp ngày xưa khi mẹ ôm con, vuốt tóc, động viên con cố gắng học giỏi để sau này trở thành người có ích, và đừng như mẹ, sống đời cực khổ, cơ hàn.

Thể lệ cuộc thi Doanh nhân với chữ hiếu và gia đình

Bài viết tham dự cuộc thi phải giới thiệu những tập thể, cá nhân điển hình trong việc giữ gìn nếp sống hiếu đạo đối với bậc sinh thành và người thân trong gia đình, đóng góp cho cộng đồng. Họ có thể là doanh nhân người Việt, gốc Việt đang sinh sống, kinh doanh trong nước và/hoặc các quốc gia khác.

Bài viết thể hiện lối sống của doanh nhân đối với người thân là: ông bà, cha mẹ, vợ con, cháu trong gia đình; thông qua các câu chuyện/tình huống ứng xử trong gia đình, giúp doanh nhân luôn cân bằng giữa công việc ngoài xã hội với việc chăm sóc gia đình.

Tác phẩm dự thi phải chưa từng tham gia bất kỳ cuộc thi nào khác, chưa được đăng báo. Nhân vật trong bài viết có thể đã được ghi nhận gương điển hình trong các bài viết trên báo chí, là nhân vật trong các cuộc thi viết khác, giải thưởng khác. Bài viết về doanh nhân phải được sự cho phép của nhân vật.

Mỗi tác phẩm từ 800 đến không quá 2.000 chữ, được đánh máy bằng tiếng Việt. Bài viết có hình ảnh (nhân vật, hoạt động liên quan tới việc chăm sóc bậc sinh thành, người thân...) phù hợp với nội dung (cần ghi rõ nguồn, tên tác giả ảnh).

Cơ cấu giải thưởng:

- 1 giải Đặc biệt trị giá 20 triệu đồng.

- 1 giải Nhất trị giá 15 triệu đồng.

- 2 giải Nhì, trị giá 10 triệu đồng/giải.

- 3 giải Ba, trị giá 5 triệu đồng/giải.

- 5 giải Khuyến khích, trị giá 3 triệu đồng/giải.

- 1 giải Bài viết được yêu thích do bạn đọc bình chọn (tính theo lượt like lượt share trên fanpage Báo Phụ nữ TPHCM) trị giá 1 triệu đồng.

Cùng với giải thưởng hiện kim, các tác giả còn được trao giấy chứng nhận của ban tổ chức cuộc thi.

Các tác phẩm được trao giải và đạt chất lượng sẽ được tuyển chọn để xuất bản thành sách (sách giấy và sách điện tử).

Bài dự thi (bao gồm file bài viết, file hình ảnh) gửi về email: doanhnhanvachuhieu@baophunu.org.vn.

Điện thoại: 0966182727.

Nguyễn Thị Thanh Hương

(Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Nguyên Thanh Hương)

Tô Diệu Hiền (chấp bút)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI