Tiễn Nhiên ra về, cô Nhật khẽ khàng khép cổng mà ý nghĩ cứ hướng về cô bé học trò như vệt sóng loang, miên man trong đầu không dứt ra được. Không có cảm quan nào về thời gian rõ ràng cho bằng đồng hành cùng một đứa trẻ. Nhiên gắn bó với cô đã 15 năm, lúc vừa lên 5. Mười lăm năm mà sao như một cái chớp mắt. Có những sáng giật mình thảng thốt soi gương thấy những sợi tóc trắng như ngạo nghễ thách thức, lớp da trên mi mắt trĩu xuống nặng nề.
|
Ảnh minh họa. |
Ly trà xanh dang dở trên bàn nghe như thể còn vương mùi nước hoa, mùi hương tóc và tiếng cười tựa chuông reo trong gió của cô gái. Tuổi trẻ là món son phấn đẹp nhất cho cõi nhân sinh này. Cô Nhật nghe lòng rộn lên ký ức thanh xuân ngày cũ. Có cái gì như một nỗi ngậm ngùi muốn trào lên nhưng nén lại để nó không thoát ra bên ngoài và phủ trùm lên cô. Cô không muốn buồn. Người già, ai cũng vậy, ai cũng có một vùng lân tinh rực rỡ của những ngày xa xưa. Những giấc mơ dang dở âu cũng là một phần đời. Thiếu nó biết đâu cuộc sống mang một màu sắc khác, kém thú vị hơn.
Những ngày ấy, Sài Gòn bời bời hoang mang trong một cuộc đổi thay. Giấc mơ được mặc áo đầm voan trắng lòe xòe, biểu diễn piano trong dàn hợp xướng nơi nhà hát lớn coi như khép lại. Tựa chuỗi hợp âm cao vút đột ngột im bặt. Hụt hẫng. Bẽ bàng. Nhìn thấy mười ngón tay thon dài từng lướt trên phím dương cầm tẩn mẩn thái rau chuối cho con heo nuôi ở khoảnh sân sau nhà, mẹ cô khóc rưng rức. Vài vết thương không sâu vì những phút lơ đễnh giờ vẫn còn lưu lại thành dấu tích mờ mờ trên ngón tay trỏ của cô.
Gió quật phần phật trên tán cây xoài cạnh khung cửa sổ nhỏ. Áng chừng trời muốn đổ mưa. Buổi chiều mấy hôm nay cứ bị nuốt chửng bởi những cơn mưa ầm ĩ, mới xê xế rồi tối sầm lúc nào không hay. Cô bật lửa thắp cây nhang lên bàn thờ cho mẹ mà cứ trầy trật mãi. Cái lạnh theo hơi gió lướt trên da thịt nghe gai gai người. Không có mẹ, không biết chừng cô có trở thành cô giáo dạy đàn gần 30 năm nay không hay là chạy chợ may vá kiếm chút tiền đắp đổi qua ngày.
- Mẹ dạy con may, con phụ với mẹ lo cho em nghen mẹ.
- Thì con vẫn đang đơm nút áo phụ mẹ đó thôi.
- Nhưng chỉ là việc vặt mẹ... Con không biết may.
- Mười hai năm học đàn của con bỏ đi đâu con gái? Con sẽ tiếp tục đàn. Mẹ hứa. Đời con người chỉ có thể hạnh phúc khi làm điều mình thích. Con hãy còn một đời dài phía trước, nhất định phải làm điều mình thích, con à!
- ...
- Con vẫn sẽ tiếp tục đàn, đó là cuộc sống của con.
Không biết bao nhiêu lần trong đời mình, như một đoạn phim, cuộc nói chuyện với mẹ trong một đêm khuya ngày cô 17 tuổi cứ thi thoảng trở đi trở lại trong tâm trí cô Nhật. Chưa bao giờ cô nghĩ mình có thể trở thành cô giáo dạy đàn. Vậy mà đã hơn 30 năm...
Trẻ con quả là kỳ diệu. Bước chân vào thế giới của chúng, rất nhiều người vĩnh viễn không rời khỏi được. Ước mơ, tâm hồn trong trẻo thơ ngây của các con có hấp lực như một thỏi nam châm vậy. Cô không nghĩ mình thích trẻ con, cho đến khi cô dạy chúng. Có rất nhiều giờ dạy, bản thân rã rời mệt đến ngỡ như thở thôi cũng nhọc nhằn, như thể nếu đứng lên là ngã nhào không bao giờ gượng dậy được nữa, vậy mà nhìn những ngón tay mũm mĩm trẻ thơ lướt vụng về trên phím đàn, cả cái bặm môi, chau mày ngộ nghĩnh là cô lại mê man thương mến mà quên đi. Ngẫm đời con người cũng chỉ vì một chữ thương mà đi qua bao nhọc nhằn, cũng vì một chữ thương mà làm nên biết bao nhiêu điều kỳ diệu.
Nhiên là cô bé tài năng nhất trong rất nhiều học trò của cô Nhật. Chùm hoa lavender cạnh con búp bê Nhật, rồi con sư tử đá Singapore, tượng nữ thần tự do be bé... tất cả nằm ngay ngắn trên giá sách cạnh cây đàn của cô là kỷ niệm những chuyến học tập và lưu diễn của cô bé. Đôi khi tỉ mỉ lau chùi những món quà nhỏ ấy, từng tế bào trong thân thể cô nhẹ tênh bay bổng bởi một niềm vui và tự hào không sao diễn tả được. Nó là nỗi niềm hạnh phúc, là ước mơ của chính mình được thực thi bởi người mình thương mến. Tựa như ngày còn bé cứ dõi mắt theo cánh chim thiên di, lòng miên man về một vùng trời khác xa xăm, nơi mà mình mãi mãi không có cơ hội biết đến.
Làm cô giáo tiếp xúc với biết bao trẻ, buồn có vui có, với cô đó là một gia tài vô giá. Cô Nhật lại nhớ chuyện của mấy năm trước. Cũng tầm giờ này, cũng cơn gió thốc rin rít như hôm nay…
Tiếng chuông cửa vang lên rụt rè. Là khách. Con trai cô đi làm xa, không về vào giữa tuần bao giờ. Mưa ào qua nhanh như suy nghĩ.
- Chào cô, chào cô đi con.
- Con chào cô.
- Dạ chào anh. Cô chào con.
- Chắc cô không còn nhớ cháu?
- Vào nhà đã anh, mưa to.
Mãi cho đến khi đặt ba ly nước trà xanh xuống bàn và ngồi ngay ngắn đối diện với hai cha con, cô Nhật vẫn không nhớ ra mình đã từng quen họ hay không. Hẳn nhiên cô có rất nhiều học trò và đôi khi bất thình lình không nhớ ra các em cũng là điều dễ hiểu. Nhất là ở tuổi ngoài 50.
Người đàn ông không trẻ nhưng cũng còn lâu mới già, hơi đậm người, khuôn mặt ánh lên vẻ thông minh và cương nghị. Cậu bé nhìn cô bằng ánh mắt rất sáng. Ánh mắt giống ba như tạc. Ánh mắt này cô mang máng nhớ dường như đã gặp ở đâu rồi thì phải.
- Con tên Quân. Con đã đến đây với mẹ hồi con học mẫu giáo lá. Cô nhớ con không? Mẹ con dẫn con đến xin cô học đàn. Mẹ con thích con học đàn lắm nhưng hồi đó con không thích. Giờ con lại đến xin cô học. Cô dạy con nghen cô.
Cô Nhật lấy làm lạ vì chưa bao giờ có đứa trẻ nào đến học mà nói những lời chắc nịch già dặn như thế. Có rất nhiều em được cha mẹ đưa đến một lần rồi không bao giờ đến nữa. Học đàn không thể ép được, nhất là cần có năng khiếu thẩm âm và rất nhiều khao khát đam mê. Cô nhìn cậu bé, rồi nhìn sang người đàn ông bình thản đưa tay gác hờ lên vai con chở che bảo bọc. Có một cái gì tựa hồ như một bí mật đang tồn tại giữa hai người đàn ông.
- Con bao nhiêu tuổi rồi Quân?
- Dạ con học lớp Sáu, 11 tuổi cô ạ!
Về lý thuyết thì ai cũng đều có thể học chơi một loại nhạc cụ ở bất kỳ thời điểm nào trong đời, miễn là mình thích. Thế nhưng, tuổi lý tưởng nhất để học piano là 5 tuổi. 11 tuổi đã hơi trễ. Học piano khó khăn hơn các nhạc cụ khác. Cô Nhật phân vân suy nghĩ.
- Trễ quá phải không cô? Cô đừng lo lắng, cháu thích quá. Cô cứ dạy cháu chơi vài bài là tốt rồi cô ạ! Gia đình không đặt nặng việc cháu thành nhạc công hay nhạc sĩ gì đâu.
Giọng nói của người cha thật ấm, truyền cảm. Một giọng nói đẹp. Không biết có phải gần trọn đời sống trong âm thanh, tiết tấu giai điệu hay không, mà cô Nhật đặc biệt quan tâm đến giọng nói của những người mình tiếp xúc. Một hình thể đẹp, chưa hẳn đi cùng một tâm hồn đẹp, nhưng một giọng nói đẹp, theo cô, luôn hàm chứa bên trong một nội tâm phong phú, đáng trân trọng.
Cô Nhật nhận lời. Và nhiều ngày sau đó, cô vẫn vương vít chút hối hận vì đã đồng ý dạy Quân. Quân gần như không có năng khiếu về piano, độ thẩm âm của em không tốt. Em vất vả để ghi nhớ nốt nhạc. Rồi vật lộn với những bản nhạc đơn giản như Happy Birthday, Canon in D, Song from a secret garden, Fur Elise... mà gần như bất cứ đứa trẻ nào cũng có thể chơi sau vài tháng học. Em học trước quên sau.
Duy có một điều cô lấy làm lạ là em rất chịu khó. Kể cả một vài lần do cơn đau nửa đầu tái phát, do mất bình tĩnh, cô hơi cáu gắt, em cũng chỉ nhìn cô bằng ánh mắt biết lỗi rồi cắm cúi trên những phím đàn. Không nghỉ học buổi nào, em cứ lặng im gõ gõ những ngón tay hãy còn mũm mĩm thơ trẻ trên phím, miệt mài suốt giờ này qua giờ khác. Những âm thanh vụng về rơi ra trong góc phòng và tấm lưng nho nhỏ thanh mảnh ấy không thôi ám ảnh cô mãi về sau này mỗi khi nhớ về Quân.
- Cô ơi, sáu giờ rồi! Quân đâu cô?
- Bạn ấy không đến hả cô?
- Còn 30 phút mới tới giờ biểu diễn, tụi con cứ chuẩn bị trước đi.
Đó là buổi biểu diễn của trường nhạc A.S, nhằm tạo sân chơi cho các em thiếu nhi có cơ hội giao lưu. Các học sinh của cô được mời biểu diễn. Cô Nhật đã từng phân vân mãi, không biết có nên cho Quân đi cùng các bạn nhỏ khác không. Bởi lẽ Quân đàn yếu. Một ý nghĩ sượt qua tâm trí cô: em đến muộn giờ biểu diễn hoặc không đến hóa ra lại hay. Cô thở nhẹ, lờ đi suy nghĩ vừa yếu ớt trỗi dậy trong mình, nó như cảm giác áy náy, xấu hổ. Cô muốn Quân đừng đến giống như muốn che giấu đi cái phần nào chưa tốt, lồi lõm ở mình. Cũng như bao kẻ tầm thường khác trên cõi đời phù phiếm này, cô chỉ muốn trưng bày cái tốt cái đẹp, khoe những học trò giỏi để thỏa mãn niềm tự kiêu phù phiếm của chính cô.
Cô còn nhớ mình nhanh chân đi chỉnh lại chiếc váy cho em gái, thắt lại chiếc nơ bướm trên cổ sơ-mi lịch lãm của em trai, dặn dò em này em kia, quên bẵng Quân tựa hồ như cất được một gánh nặng.
Chiếc màn nhung đỏ của sân khấu buông xuống, sắp đến tiết mục của học trò cô.
- Xin lỗi cô... Tôi có việc... nên đưa cháu đến trễ.
Quân đến.
Cô Nhật nhìn sững hai cha con, không kịp nói gì. Tiết mục sẽ bắt đầu trong giây lát. Thằng bé đầu tóc bù xù, mặc bộ đồ đồng phục thể dục nhàu nhĩ cáu bẩn, chân mang đôi dép lê tuềnh toàng. Đôi mắt Quân ngầu đỏ như vừa khóc. Nó gật đầu chào cô, chăm chăm nhìn lối cầu thang bước lên
sân khấu.
***
- A, Quân đến rồi cô ơi!
- Lên sân khấu nào Quân.
Tiếng bọn trẻ lao xao, đưa nhau lên sân khấu. Cô Nhật không kịp nói hay phản ứng gì. Cô đưa mắt nhìn người đàn ông. Vẻ đĩnh đạc chỉn chu, áo sơ-mi quần tây, lái xe ô tô đưa Quân đến nhà cô như mọi khi dường như đã bị đánh rơi ở đâu đó. Không biết có phải do hôm nay có đeo mắt kính cẩn thận nên cô Nhật nhìn thấy rõ hai hốc mắt sâu thăm thẳm như vừa trải qua một đêm dài không ngủ của anh. Có cái gì đó như gãy đổ trong thẳm sâu người đàn ông này.
Khuôn mặt anh rũ xuống nặng nề bất lực. Tự nhiên cô chợt nghĩ đến mẹ Quân. Ừ, mẹ Quân đâu nhỉ? Chỉ có một hai lần trong gần một năm qua, thằng bé có nói qua là mẹ bận lắm. Cô cũng chưa lần nào hỏi. Sao có một người mẹ để con đến buổi biểu diễn trước mặt nhiều người lại ăn mặc như thế? Cô chợt nghĩ đến những bà mẹ trẻ hiện đại, giàu có, thật đẹp, thật thơm tho, sành điệu tung tẩy đi làm, đi du lịch... Và quên nắm tay con...
Bản hợp xướng tốt quá. Quân chơi không vướng vấp như những lần tập trước. Tiếng vỗ tay vang khắp khán phòng. Bất ngờ Quân bước ra sân khấu, trên tay cầm micro, mắt hướng ra cửa, em nói lớn:
- Mẹ ơi, mẹ có nghe con đàn không mẹ?
Bỗng Quân đổ thụp xuống, ôm lấy ngực mình, nước mắt trào ra.
- Mẹ Quân vừa mới mất lúc năm giờ chiều cô ạ! Bệnh ung thư. Ước mơ cả đời của cô ấy là nhìn thấy Quân ngồi bên phím đàn piano. Con đi học một năm nay là đợi ngày này đàn tặng mẹ...
Giọng nói trầm ấm, vang lên sát bên tai mình. Cô Nhật lập cập tháo cặp mắt kính lão di di trên vạt áo: “Cô xin lỗi con, Quân ơi!”.
Triệu Vẽ