Mẹ có hạnh phúc không?

21/07/2022 - 11:26

PNO - Con gái hỏi: "Có ai được hoàn toàn hạnh phúc trong hôn nhân không?”. Bà mẹ trả lời: “Theo mẹ thì không".

 

Hạnh phúc trong hôn nhân rất khó tìm, nhưng đừng vì thế mà sợ hãi hôn nhân (Ảnh minh họa)
Hạnh phúc trong hôn nhân rất khó tìm, nhưng đừng vì thế mà sợ hãi hôn nhân (Ảnh minh họa)

Cô con gái một hôm hỏi mẹ: “Mẹ có hạnh phúc khi lấy bố không?”.

Bà mẹ suy nghĩ rồi trả lời: “Hai con người, hoàn toàn khác nhau về giáo dục, môi trường, hoàn cảnh sống, cách ăn uống, nếp sinh hoạt..., không phải một hai năm mà khác nhau đến mấy chục năm. Về sống chung với nhau làm sao tránh khỏi những xung đột, cãi vã. Từ những chuyện rất nhỏ nhặt như đôi đũa, cái bát cho đến công ăn việc làm, quan điểm sống thay đổi theo thời gian, tác động bên ngoài...

Tuy nhiên, không phải vì thế mà hôn nhân là “nấm mồ chôn tình yêu” như người ta vẫn nói. Hôn nhân ngoài tình yêu được làm nên từ cái nền hai người cảm mến nhau, quyết định về sống cùng mà còn là trách nhiệm.

Cái trách nhiệm to lớn nhất là giữ hạnh phúc gia đình, tạo nên một thế hệ mới, tham gia vào chuỗi phát triển loài người. Nói về hôn nhân, người xưa có một câu, ngẫm ra khá có lý: “Cá trong lờ đỏ hoe con mắt/Cá ngoài lờ ngúc ngắc muốn vô”.

Có nghĩa ngay từ những ngày rất xa xưa, ông bà đã khẳng định, hôn nhân không phải là hoàn toàn hạnh phúc. Tuy nhiên, không vì “con cá trong lờ đỏ hoe con mắt” mà từ chối hôn nhân. Do vậy, khi bước vào cuộc sống lứa đôi, mọi người phải hiểu rằng, hôn nhân sẽ là một cuộc sống hoàn toàn khác với suy nghĩ của chính mình. Ở đó, có cả yêu thương, thù hận và tha thứ nữa”.  

Cô con gái trầm ngâm: “Thế có ai được hoàn toàn hạnh phúc trong hôn nhân không?”

Bà mẹ trả lời: “Theo mẹ thì không. Gia đình nào cũng có việc này việc kia. Nhà nào cũng có quyển kinh khó đọc. Ngay cả con cái cũng không hoàn toàn giống bố mẹ hay được như ý bố mẹ. Cần phải chấp nhận một dung sai (cộng trừ) cho phép trong hôn nhân, nếu quá ngưỡng đó, phải có cách giải quyết. Thử hình dung ra các kịch bản: chia tay hay chấp nhận, ngay cả việc chấp nhận tốt và xấu rồi điều chỉnh”. 

Cô gái ngấp nghé tuổi 30, nghe mẹ nói vậy, cô hiểu theo ý của cô là hôn nhân không phải con đường màu hồng, tuy nhiên người trong cuộc có thể quyết định tô màu hồng hay bôi đen nó, tùy theo tình huống, môi trường sống và quan trọng là phải có sự hòa hợp mới mong có cuộc hôn nhân điểm trung bình. Điểm số trung bình đã là quá tốt cho một cuộc hôn nhân đến “răng long đầu bạc”. Quy luật cuộc đời là càng tham, con người càng khổ sở kia mà!

Có phải chính vì những suy nghĩ đắn đo thiệt hơn mà việc kết hôn ở các nước phát triển hiện nay có xu hướng chậm lại? Trong các phim Hàn Quốc, họ thường đưa các chủ đề về quan niệm sống độc thân hay kết hôn. Nếu kết hôn thì nuôi dạy con cái như thế nào, vợ chồng cần phải biết xin lỗi nhau để bỏ qua, tha thứ...

Nếu ngày xưa, người phụ nữ hoàn toàn lệ thuộc vào kinh tế của người chồng, vai trò của bà mẹ là ở trong bếp, nuôi dạy con cái, nâng khăn sửa túi cho chồng... nói chung chỉ là công việc một vế, thì trong xã hội phát triển, người phụ nữ phải làm cả hai vế vừa công việc bên ngoài xã hội và đảm đương việc gia đình. 

Đa phần, người phụ nữ nào cũng muốn chu toàn cả hai việc. Việc bên ngoài phải giỏi và việc nhà cũng phải tốt. Nhiều cô gái hiện nay, nhìn “gương” người mẹ của mình mà “ngán ngẩm” hôn nhân nếu chẳng may gặp phải người phối ngẫu trái tính, trái nết, xem nhẹ gia đình. Mười hai bến nước, biết bến nào đục, bến nào trong?

Bà mẹ ở trên biết con gái mình đắn đo trước ngưỡng cửa hôn nhân, bèn nói: “Nếu con đã yêu ai và quyết định đồng hành cùng người đó suốt đời thì đừng ngại ngần.

Được mất cuộc đời đôi khi do may mắn nhưng quyết định chính vẫn là bản thân mình. Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài, phải biết hòa hợp và tha thứ, bỏ qua để chung tay xây dựng một gia đình. Hạnh phúc hay không còn ở quan niệm sống, cách suy nghĩ của mỗi người. Hôn nhân không phải từ một phía, người chồng hay vợ mà phải là sự cố gắng của cả hai, biết điều chỉnh để tương thích là quy luật căn bản của bất kỳ hai chi tiết nào cần gắn kết vào nhau. 

Bởi, ngay chính cuộc hôn nhân gần 40 năm của bà mẹ, gọi là hạnh phúc thì không đúng mà không hạnh phúc cũng không đúng. Bà coi đó là bổn phận và trách nhiệm. Khi người chồng không thể thì người vợ phải có thể và ngược lại.

Quan trọng nữa, nhìn lại cuộc hôn nhân của mình, bà phải khẳng định, cái đức hy sinh của người phụ nữ quả là to lớn. Mà bà mẹ là một phụ nữ hiện đại chứ không quê mùa như các cụ xưa đâu nhé!

Kim Duy

                                                            

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Jennynguyen 23-07-2022 19:17:00

    Vẫn suy nghĩ cũ. Phụ nữ, người vợ, người mẹ phải nhường nhịn, phải hy sinh, phải chịu đựng... Những họ có nghĩ rằng con cái lớn lên trong những gia đình đó thì hoặc là chán ghét hôn nhân, hoặc là nhu nhược chịu đựng ..., và hoàn toàn không có cảm giác vui vẻ hạnh phúc.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI