'Mẹ có biết hôm nay con đi, về bằng đường nào không?'

22/11/2019 - 12:00

PNO - Câu hỏi của thạc sĩ Lê Thị Thanh Nhã - nguyên Phó phòng Gia đình, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM - trong buổi sáng 20/11 làm nhiều ông bố bà mẹ ở xã Lý Nhơn, H.Cần Giờ giật mình.

Thấy con còn nhỏ mà đã biết tự đến trường, nhiều bậc cha mẹ rất mừng, vì con mình tự lập. Dù con đi xe đạp, xe buýt hay xe máy thì cha mẹ cũng chỉ lo lắng vài ngày đầu tiên, sau đó hầu như mọi người sẽ yên tâm và quên luôn là ngoài đường con mình phải đối diện với nhiều nguy cơ khác.

Đó có thể là cơn đói do ham chơi, quên ăn sáng làm tụt đường huyết gây chóng mặt, nhức đầu. Nguy cơ cũng có thể là va quệt xe, là con vào quán net chứ không vào lớp, thậm chí là con bị dụ dỗ, bạo hành, xâm hại.

Theo bà Thanh Nhã, dù con trai chị đã 19 tuổi, học năm thứ hai đại học, nhưng mỗi ngày chị đều nắm được hành trình của con. Con đi học trên tuyến đường nào, có bị kẹt xe không, có bị trễ giờ đến lớp. 

'Me co biet hom nay con di, ve bang duong nao khong?'
Bà Lê Thị Thanh Nhã trao đổi với các ông bố, bà mẹ ở xã Lý Nhơn, H.Cần Giờ về phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em

Chị nói: “Sở dĩ tôi rành đường đi lối về của con mỗi ngày không chỉ vì tôi theo dõi con mà trước khi con tự đến trường tôi thường chở con, cùng con tìm ra những con đường mà mình cảm thấy dễ nhớ nhất, an toàn nhất cho hành trình đó. Khi con đi bộ, tôi chú ý lề đường có bị lấn chiếm, cỏ dại, rác bẩn, nước đọng. Khi con tự điều khiển xe, tôi dạy con chọn những con đường có nhiều cua bên phải để lái xe tránh được những nguy cơ… Con phải nhớ những đoạn vắng vẻ nguy hiểm, đoạn qua chỗ đông người. Và khi con tự đi một mình, tôi cũng không hề chủ quan mà luôn để ý giờ giấc đi về của con mỗi ngày”.

Và lý do để người lớn phải quan sát, phải biết rõ hành trình của con, yêu cầu con đi về bằng tuyến đường quen thuộc không gì khác hơn là để dạy con tự bảo vệ mình. Khi gặp kẻ xấu, hoặc linh cảm có kẻ xấu đang theo mình ở đoạn đường vắng, con phải đạp xe nhanh hơn, tìm cách thoát đến chỗ đông người. Nhờ địa hình quen, khi xảy ra sự cố con sẽ biết được cách thoát thân nhanh nhất. Khi bị tấn công, chạy không thoát, con phải kêu cứu, chống trả kịch liệt…

Tự bảo vệ là các kỹ năng cần học, cần tập luyện chứ không phải chỉ nghe và nói. Khi cha mẹ bắt trẻ phải thuộc đường, quen từng góc phố, đường ngang, ngõ tắt trong hành trình đi về mỗi ngày thì tự trẻ sẽ biết thoát thân khi rơi vào tình huống xấu. Cần dạy con kỹ càng, từ cách hô thật to, rõ tiếng “cứu tôi với” thay cho tiếng “á” vô nghĩa và yếu ớt; từ kỹ năng chuồi người để thoát kẻ vây bắt mình, cho đến tầm quan trọng của việc phải kể lại tình huống đó ngay với cha mẹ, người thân.

Đặt để trẻ trong tình huống xấu, cho trẻ “diễn tập” cách chống trả hành vi xấu, ứng phó với cái xấu là việc mỗi phụ huynh đều phải làm và làm từ rất sớm với con. Tuy nhiên, kỹ năng ấy không hình thành trong một ngày, một bữa mà là cả quá trình dài hướng dẫn và rèn luyện. 

Cần nhớ rằng, không phải chỉ trang bị những kỹ năng, kiến thức tự bảo vệ cho con là xong mà phải nhớ rằng con vẫn hãy còn là đứa trẻ, nên dù bận bịu đến mức nào, bạn vẫn phải nhớ thời gian, hành trình đi về của con để nhận biết ngay những bất thường, can thiệp sớm để không phải ân hận vì không kịp hỗ trợ lúc con cần 
mình nhất. 

Hạnh Chi

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI