Mẹ chủ quan, con bị cắt ruột

30/07/2016 - 15:42

PNO - Mới đây, bé P.T.L. (hai tuổi rưỡi, ngụ Q.Phú Nhuận, TP.HCM) nhập Bệnh viện An Sinh (TP.HCM) trong tình trạng nôn ói dữ dội. Bé nằm quằn quại, khóc thét từng cơn.

Sau khi khám, siêu âm, các bác sĩ (BS) phát hiện bé bị lồng ruột và được chuyển gấp sang BV Nhi Đồng để… tháo ruột.

Người nhà bệnh nhi kể, trước đó, bé L. đang chơi bình thường bỗng ôm bụng khóc thét, kêu đau rồi nôn ói, gia đình liền đưa bé đi khám ở phòng mạch tư. BS ở phòng mạch kết luận bé bị rối loạn tiêu hóa và kê toa cho uống thuốc chống ói, thuốc tiêu hóa. Dù đã uống thuốc bé vẫn liên tục ói, người nhà vội vã đưa đến BV An Sinh.

Me chu quan, con bi cat ruot
Ảnh mang tính minh họa

BS Trần Hùng Dũng - Trưởng khoa Nhi, BV An Sinh, cho biết nếu bệnh nhi nhập viện trễ, ruột sẽ bị hoại tử do tắc nghẽn mạch máu. Theo BS Dũng, do các triệu chứng lồng ruột khá giống với rối loạn tiêu hóa nên nhiều cha mẹ rất chủ quan. “Khi trẻ ói liên tục ra mật xanh, không ăn cũng ói, ói khi không có thức ăn; kèm đau bụng nhưng không tiêu chảy, phải nghĩ ngay đến chứng lồng ruột. Nếu trẻ ói kèm đi tiêu phân lỏng thì khả năng cao trẻ bị rối loạn tiêu hóa. Khi trẻ ói vào ban ngày, nếu theo dõi sáubảy tiếng mà hết thì không phải đưa trẻ đi khám. Ban đêm, nếu trẻ đau bụng, nôn ói dữ dội thì phải đưa trẻ đi khám ngay, chứ không đợi đến sáng.

Sai lầm là, nhiều gia đình thấy trẻ ói đã tự ý cho trẻ uống thuốc chống ói, thuốc tiêu hóa. Chỉ cần chậm trễ hai ngày, trẻ sẽ bị tắc ruột, dẫn đến hoại tử ruột, phải cắt ruột. Đơn cử trường hợp bệnh nhi N.H.A. (ba tuổi, ngụ Q.Gò Vấp, TP.HCM), khi nhập viện, bé A. đã trong tình trạng nguy kịch vì ruột bị hoại tử do bệnh lồng ruột  phức tạp, các BS phải mổ cắt bỏ đoạn ruột hoại tử. Đứa trẻ này bị béo phì, ăn thức ăn nhanh nên bị đau bụng, ói… Mẹ bé nghĩ con bị trúng thực, ăn không tiêu, rối loạn tiêu hóa, nên ra nhà thuốc mua cốm Xitrina cho bé uống. Bé không than đau nữa và chơi đùa bình thường. Nhưng hôm sau, bé lại ôm bụng kêu đau, dù không ăn gì vẫn ói, ói ra cả mật xanh…

Lồng ruột là tình trạng một đoạn ruột chui vào trong lòng một đoạn ruột kế cận làm cho thức ăn hoặc chất lỏng không thể đi qua, gây ra hội chứng tắc ruột. Hầu hết các trường hợp lồng ruột ở trẻ em không có nguyên nhân. Thống kê cho thấy, lồng ruột thường gặp trẻ nhũ nhi (ba - chín tháng), nhưng hai năm nay, các BS nhi ghi nhận những trường hợp bệnh nhi bị lồng ruột, thường là trẻ từ chín tháng tuổi đến ba tuổi. Ngoài trẻ hai-ba tuổi do chạy nhảy mạnh, chơi trồng chuối; trẻ nhỏ hơn bị bế dốc ngược đầu xuống đất, thì phần lớn là trẻ béo phì, táo bón cũng dễ bị lồng ruột khi trẻ đi tiêu rặn nhiều, rặn mạnh. Trong đó, có trẻ do cơ địa bị lồng ruột thường xuyên và tái đi tái lại nhiều lần, thậm chí lồng ruột bốnnăm lần/tháng.

Cũng theo BS Dũng, phương pháp điều trị lồng ruột hiện nay là tháo ruột cơ học bằng ôxy, bơm từ hậu môn, dùng áp lực thổi. Riêng trường hợp lồng ruột bị hoại tử ruột thì phẫu thuật cắt đoạn ruột hoại tử. Cần đưa trẻ đi khám ngay khi trẻ đau bụng khóc thét từng cơn, nôn ói, tiêu ra máu vì thời gian lồng ruột càng lâu thì tình trạng bệnh càng nặng. Bởi nếu trẻ bị lồng ruột phức tạp, việc chậm nhập viện sẽ gây khó khăn trong điều trị. Có những trường hợp, sau mổ, trẻ bị dính ruột, phải mổ lại. Mổ nhiều lần sẽ khiến ruột hư hỏng, hấp thu không tốt, ảnh hưởng đến sự tăng trưởng, phát triển của trẻ.

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI