|
Sau sinh, người mẹ cần người thân trợ giúp, yêu thương, nâng đỡ... để tránh bị trầm cảm (Ảnh minh họa) |
Thông tin về người phụ nữ ném con từ tầng 5 bệnh viện Nhi đồng TPHCM xuống đất, làm bé tử vong khiến nhiều người xót xa. Một lần nữa, bệnh trầm cảm sau sinh ở phụ nữ được gọi tên.
Nhiều người cảm thông, xót xa cho bà mẹ trẻ bị trầm cảm nhưng không được phát hiện kịp lúc, dẫn đến hành động bộc phát nhất thời gây nên cái chết thương tâm cho con trẻ. Bản án lương tâm cũng đủ làm bà mẹ ấy ăn năn cả đời.
Nhiều người nghe câu chuyện, đã phán xét rằng phụ nữ ngày nay rất kém kỹ năng sống. Do cha mẹ quá bảo bọc con nên khi cô gái trẻ lần đầu làm mẹ, không chịu nổi áp lực con đau ốm, quấy khóc, lại thêm tiền nong thiếu hụt… tất cả tạo nên tấm lưới khiến bà mẹ trẻ không lối thoát.
Chồng cô ấy ở đâu, ba mẹ cô ấy ở đâu khi cô ấy có vấn đề? Bởi nhiều người vẫn xem nhẹ bệnh trầm cảm, cứ nghĩ xảy ra ở đâu đó, nhà ai đó. Còn nhà mình, thấy con gái hoặc con dâu buồn bã chút thôi, có sao đâu…
Tôi cũng từng chủ quan như thế, cứ nghĩ dâu nhà mình được cưng như trứng mỏng, sao có thể trầm cảm gì đó. Đến lúc con dâu xảy ra chuyện, tôi mới học được bài học để đời.
|
Những ý kiến trái chiều của cộng đồng mạng quanh việc bà mẹ bị trầm cảm |
Sau cưới vài tháng, ngay đợt COVID-19 đầu tiên, con dâu út bị mất việc. Vừa may bà bạn đang tìm người sang lại tiệm tạp hóa, tôi bàn với vợ chồng con nhân cơ hội này thử vận. Vốn sang tiệm 400 triệu, tôi cho 300 triệu, phần còn lại vợ chồng con đi vay. Mấy tháng đầu, chưa quen khách nên doanh thu không cao. Con dâu lại cấn bầu. Dâu hay than “lấy chồng rồi không còn vui như trước”. Dĩ nhiên làm dâu, làm vợ nên đâu thể thảnh thơi sung sướng như thuở độc thân. Tôi khuyên dâu phải biết sống thích hợp hoàn cảnh, đâu thể mãi nuối tiếc quá khứ…
Sau đó, chồng tôi bị tai biến, đi đứng khó khăn. Tôi bận chăm chồng nên không có thời gian ra tiệm phụ con dâu. Thằng út đi làm xa, mỗi chiều cũng chịu khó vượt hơn 35km về nhà phụ vợ. Những tưởng mọi thứ rất ổn, nhưng thấy con dâu vẫn không vui. Trên Facebook thì đầy những dòng tâm trạng buồn bã, tuyệt vọng. Có khi còn dẫn những link bài viết ám chỉ việc chán ghét sự sống.
Tôi động viên con dâu, dịch dã thì mua bán cầm chừng vậy cũng không đến nỗi nào. Vợ chồng còn trẻ từ từ kiếm tiền, đừng nóng vội quá. Cơm nước chi dùng mọi thứ đã có mẹ lo… Dâu dạ dạ nhưng mặt mũi vẫn không khởi sắc.
Tôi biết bà bầu tâm sinh lý thường bất ổn, nên hết sức nhẹ nhàng với dâu. Con dâu đi bán về, cơm nước tôi nấu sẵn, chén bát tôi giành rửa. Quần áo, tã lót, thau tắm bé… tôi cũng sắm cả rồi.
Con dâu sinh thằng cháu trai nặng gần bốn ký. Mặt mũi khôi ngô giống cha y hệt. Bà sui tình nguyện lên ở nuôi cháu ba tháng. Tôi không tiếc tiền thuê bảo mẫu và hai người giúp việc để phụ với con dâu.
Một bữa, tôi ra tiệm thăm cháu nội. Nhỏ giúp việc thầm thì méc: “Chị Hoa không biết buồn gì mà hay chui vô kẹt ngồi khóc, có bữa còn bỏ thằng Ku Bi ở ngoài cửa phòng. Con thấy mấy lần rồi”. Tôi nghe mà điếng cả hồn.
Thằng út hồn nhiên: “Vợ chồng con ổn mà mẹ, đâu có gì”. Con dâu cũng nói: “Con không sao”.
Tôi lạnh người khi nhớ ra những người bị trầm cảm luôn tin mình rất ổn, còn từ chối việc điều trị, đến lúc xảy ra chuyện mới biết không ổn chút nào. Lẽ nào căn bệnh trầm cảm bấy lâu chỉ nghe đâu đó, giờ đã tới lượt con dâu tôi?
Thằng út không dính vụ bồ bịch, vợ chồng cũng không lấn cấn tiền nong, tôi thì là mẹ chồng khá tâm lý. Vậy vấn đề ở đâu?
Nhiều lần quan sát, tôi thấy thằng út đi làm về hay ngồi phịch ra, thở. Bế con thì chỉ chốc lát, con quấy khóc là chuyền tay cho vợ. Khách tới mua hàng, thằng út réo: “Em ơi bán đồ”, “Em ơi thối tiền”, hễ vắng khách thì lại lôi điện thoại ra quẹt…
Thùng hàng để trên cao, thằng út cũng khó chịu cằn nhằn: “Sao em không đứng lên ghế, vói vói lỡ té sao” mà không lấy giúp vợ.
Tới đây thì tôi hiểu ra vấn đề. Thằng út mang tiếng về giúp vợ nhưng làm khá miễn cưỡng và không chú tâm. Nhiệm vụ chăm con cũng là của vợ... Trách sao con dâu cảm thấy cô đơn, buồn tủi.
Lễ tết, thằng út mang tiền thưởng về lì xì vợ. Sinh nhật vợ, cũng mua hoa và quà tặng. Nhưng đằng sau những món quà tưởng chừng đủ đầy lại thiếu sự chăm sóc tinh tế, chia sẻ với vợ, trong khi vợ đang trong giai đoạn biến động tâm lý, cần món quà tinh thần hơn là vật chất. Những hành động vô tâm, tưởng nhỏ nhưng không hề nhỏ, bởi có thể trở thành sự tổn thương tâm lý sâu sắc ở mẹ trẻ sau sinh…
Hiểu ra vấn đề, tôi liền nghiêm khắc chấn chỉnh con trai; đồng thời động viên con dâu nên nhìn mọi việc tích cực và lạc quan, tự thương lấy mình, đừng nghiêm trọng hóa vấn đề rồi làm khổ bản thân. Hãy nghĩ về đứa con của con. Niềm vui, hạnh phúc và trí tuệ của đứa bé phụ thuộc phần lớn vào tâm trạng của mẹ nó. Con phải tự mình đứng lên, yêu lấy bản thân…
Hiện tại, con dâu đã vui vẻ hơn nhiều nhờ tôi luôn theo sát, nhắc từng chút để con trai không lơ là với vợ. Cởi được nút thắt phải do chính người thắt nút. Chỉ cần thằng út chiều chuộng, thấu cảm… tôi tin bệnh của con dâu sẽ được chữa lành.
Nghe ai đó bị trầm cảm, làm ơn giúp họ, đừng lên án, phê phán nọ kia. Ai có trải qua rồi mới hiểu, căn bệnh tưởng chừng đơn giản, nhỏ xíu nhưng hậu quả lại vô cùng to lớn.
Yến Phượng