Chị Hạnh Dung thân mến,
Ngay lúc này em không biết nên làm thế nào, liệu em sai hay chồng em quá gia trưởng. Chồng em không phải là người tệ bạc nhưng cuộc sống hôn nhân cứ tù túng, bức bách.
Chồng em không bài bạc, không ngoại tình, cũng không phải là người không làm ra tiền nhưng rất gia trưởng. Mỗi lần em đi họp lớp, đi chơi với bạn, anh ấy đều rất khó chịu.
Hôm em đi tiệc cuối năm có xe công ty đưa đón cùng mọi người, 10g hơn em về rồi nhưng trước đó anh ấy đã nhắn tin với lời lẽ rất khó chịu. Hồi lớp cấp III của em họp lớp nhân kỷ niệm 10 năm ra trường, em xin đi thì anh ấy bảo khi nào em già sẽ cho đi, giờ thì không.
Em không phải kiểu chơi bời hay bỏ bê con cái, mỗi năm đi chơi với lớp với bạn bè chỉ 1-2 lần vào dịp tết, 20/11 hay khi lớp có đám cưới... Vậy nhưng mỗi lần em xin phép đi, anh ấy đều rất khó chịu.
Anh ấy cũng hay ghen. Từ khi lấy chồng, biết anh ấy hay ghen nên em không nói chuyện với bạn bè khác phái.
Anh ấy cũng thuộc kiểu nóng tính, khi nóng lên thì không kiểm soát được cảm xúc, có những lời nói và hành động khiến người khác tổn thương. Cưới nhau 5 năm mà đã 2 lần anh ấy đánh em thâm mặt.
Tết năm nay em về nhà nội từ 26 tết, lo dọn dẹp nhà cửa nấu ăn dọn cỗ cúng cùng mẹ chồng. Nhà chồng em vẫn giữ nếp tết truyền thống nên nấu cỗ cúng từ 30 tết đến mùng Ba.
Sáng sớm mùng Hai em dậy sớm làm cỗ cúng thắp hương xong mới về nhà ngoại. Em xin anh ấy cho em chiều mùng Ba về lại nhà nội nhưng anh ấy không đồng ý, mẹ chồng em cũng vậy. Thế nên sáng mùng Ba em lại quay về nhà nội làm mâm cúng đưa ông bà. Nhà ngoại và nhà nội cách nhau 45km.
Cả một cái tết suốt ngày em tất bật chỉ lo chăm 2 con nhỏ và dọn dẹp cúng kiếng bên nội. Mùng Năm, lớp em họp lớp cấp II cũng là bạn bè cùng làng chơi với nhau từ nhỏ. Em xin phép chồng chiều mùng Năm cho em về nhà ngoại sớm gửi con cho bà ngoại để đi chơi với các bạn 1 hôm bởi từ tết đến lúc đó chưa hôm nào em được thảnh thơi đi chơi. Anh ấy đồng ý.
Trưa mùng Năm, gia đình chị gái chồng em qua ăn cơm, mọi người lấy bia ra uống, anh ấy bảo uống ở đây thì được nhưng chiều không được uống. Em không phải là đứa rượu chè bê tha, từ nhỏ đến giờ chưa bao giờ uống hết 1 lon bia. Em chỉ bực với cái kiểu gia trưởng lúc nào cũng cấm đoán của chồng. Em hỏi: "Ở đây thì uống được mà đi với bạn sao lại không?". Mẹ chồng em nói: "Chứ còn gì nữa". Tức quá, em nói: "Con đã gia trưởng thế rồi còn bênh".
Vậy là anh ấy nóng lên, cấm em chiều đó không được ra khỏi nhà, mẹ chồng cũng nói em như thế là láo. Mẹ chồng lúc nào cũng muốn em hành xử theo kiểu là vợ thì phải nhẫn nhịn dù chồng có nóng tính như thế nào.
Đối với mẹ chồng em thì chồng em luôn đúng, anh ấy nổi nóng hay có chuyện gì là cũng do em. Đối với chồng em thì mẹ anh ấy cũng luôn là số 1. Anh ấy từng tuyên bố trước cả nhà rằng có thể bỏ vợ nhưng không bao giờ bỏ mẹ và tuyệt đối không bao giờ được đụng vào mẹ của anh ấy, dù bà sai thế nào cũng chỉ được nói với anh ấy chứ không được nói gì bà.
Chiều đó, em không đi chơi với bạn mà đưa 2 con sang ngoại ăn cơm. Anh ấy không cho sang ngoại nhưng em vẫn bắt taxi. Tối về anh ấy đuổi em ra khỏi nhà, bảo nhà của anh ấy không phải thích đi thì đi thích ở thì ở.
Vậy là giữa đêm em phải bế 2 con bắt taxi sang ngoại trở lại.
Em đã suy nghĩ rất nhiều. Nếu sống với người chồng gia trưởng và người mẹ chồng luôn bênh con thì chắc chắn không thoải mái chút nào. Vậy nhưng, em thương 2 con (5 tuổi và 3 tuổi). Anh ấy sai với em nhưng không sai với con. Xin chị cho em lời khuyên.
Lan
|
Ảnh minh họa: Internet |
Em Lan thân mến,
Đọc thư của em, thật lòng Hạnh Dung vừa thấy thương, vừa thấy giận. Bức thư dài kể lể nhiều chi tiết rất cụ thể giúp Hạnh Dung có thể hình dung ra cuộc sống của em rõ ràng và vì thế mà vừa buồn, thương em vừa thấy giận. Vì sao em chấp nhận một cuộc sống bị lệ thuộc, bị xem thường, bị bạo hành như thế?
Tất cả những gì xảy ra với em, từ việc bị chồng đánh đập, ngăn cấm, xúc phạm đều là những việc mà Hạnh Dung có cảm giác rằng ở góc độ nào đó, được em cho phép, em thấy bình thường. Em chấp nhận rằng em làm gì cũng phải xin phép, phải được cho phép mới dám làm. Kể cả chuyện em bị đánh tới thâm mặt 2 lần thì hình như với em cũng là chuyện... bình thường.
Khi em đi đâu, làm gì cũng phải xin phép, không được cho phép thì không dám đi, bị đánh cũng phải chấp nhận, chồng đuổi ra khỏi nhà thì đành ôm con đi... nghĩa là em đã tự nguyện sống dưới sự ức chế, bạo hành, coi thường của cả chồng và mẹ chồng.
Em nghĩ rằng chồng em không sai với con em? Một người cha tử tế có bao giờ để vợ phải bế 2 con nhỏ ra khỏi nhà vào giữa đêm? Em nghĩ con em chưa biết gì? Có những ký ức tự nhiên hằn sâu vào tâm trí những đứa trẻ và rất khó quên đấy, em ạ.
Những đứa trẻ trong một gia đình mà chuyện cha đánh mẹ là bình thường, cha đuổi mấy mẹ con bồng bế nhau ra khỏi nhà giữa đêm, mẹ làm gì cũng phải xin phép và phải được qua đến 2 tầng cho phép... sẽ có tâm lý như thế nào khi lớn lên?
Giờ đây, sự bạo hành của chồng em dưới sự ủng hộ của mẹ chồng đã trở thành điều tất nhiên, được em (ở một chừng mực nào đó) coi là bình thường. Nếu muốn thay đổi, em cần rất nhiều sự mạnh mẽ, quyết tâm, kiên định.
Nhưng cần hơn cả là chính em phải tự coi trọng bản thân. Hãy tự suy nghĩ về quyền được tôn trọng, độc lập, tự chủ của một người vợ trong gia đình. Đừng để cho người khác, dù là chồng hay mẹ chồng, được coi thường mình dù bằng lời nói hay hành động.
Hạnh Dung
Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn