Mẹ chồng tương lai quá phong kiến?

26/12/2023 - 19:05

PNO - Bà đã khéo léo, tế nhị, chỉ dạy em lúc không có ai, nhưng em cũng cho đó là sai; không lẽ theo em, bà nên chỉ dạy em khi có đông người hay sao?

Chị Hạnh Dung thân mến,

Em và bạn trai quen nhau hơn một năm, hai nhà đã làm lễ dạm ngõ, nhưng giờ em lại thấy lấn cấn về cuộc hôn nhân sắp tới.

Trong mắt mọi người, kể cả bạn trai em, mẹ chồng tương lai của em là một người tần tảo, có học thức, khéo léo, biết chăm lo gia đình. Khi chỉ có bà với em, bà bắt đầu dạy dỗ em đủ thứ, từ lời ăn tiếng nói, phép tắc, cho đến bếp núc, dọn dẹp nhà cửa. Mà bản thân em thấy em không hề yếu kém việc nội trợ.

Bà dặn là phụ nữ thì phải luôn vui vẻ chăm sóc chồng, như thời phong kiến vậy. Nếu tụi em kết hôn, bà sẽ không ở cùng, mà cứ 1, 2 tháng sẽ lên nhà tụi em và ở hẳn 1 tuần.

Vấn đề khiến em suy nghĩ nữa là chồng sắp cưới của em rất nghe lời mẹ. Lúc nào anh cũng sợ mẹ buồn, mẹ dỗi. Anh đã từng ly hôn vì vợ cũ cũng bất đồng với mẹ anh. Anh rất hiền và dễ tính, có lẽ bà sợ con trai bị bắt nạt nên phải răn đe con dâu trước thì phải?

Khi ở bên nhau, anh rất chiều chuộng em, lúc nào cũng sợ em buồn, em mệt. Dù rất bận rộn, nhưng anh vẫn thường xuyên giúp em làm việc nhà. Em nghĩ bản tính đó của anh vừa là ưu điểm vừa là nhược điểm. Ở bên em, thì anh là một người đàn ông tốt, nhưng khi bên mẹ, em thấy anh như một đứa trẻ sợ làm sai.

Em đã nói chuyện với anh về suy nghĩ của mình, nhưng anh luôn bảo gia đình anh không như em nghĩ đâu, ai cũng tốt, cũng yêu quý em. Nhưng chị biết không, cái kiểu sử dụng lời nói khôn khéo mà gây áp lực lên người khác của mẹ anh, còn đáng sợ hơn là cách nói thô mà thật.

Em thật sự thấy lo lắng cho cuộc sống hôn nhân sau này. Vì sau nhiều lần tiếp xúc với mẹ anh, có lúc em còn tủi thân oà khóc ngay lúc ấy mà không dừng lại được.

Mong chị cho em xin lời khuyên ạ.

Thanh Hoa

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

Em Thanh Hoa thân mến,

 

Đọc thư em, dù cảm nhận được những lo lắng, bất an của em, nhưng Hạnh Dung vẫn phải mỉm cười khi nghĩ đến điều này: người ta thường đùa rằng, trong một cái bếp, không thể có hai bà chủ.

Hình như em và mẹ chồng đang lâm phải cảnh này. Mẹ chồng muốn dạy bảo, truyền đạt cho con dâu tương lai những kinh nghiệm bếp núc, chăm sóc chồng con của mình. Con dâu cũng tự tin vào tài nấu nướng, nội trợ, thành ra cảm thấy khó chịu, không hài lòng...

Hạnh Dung hiểu tâm trạng hiện tại của em. Nó vừa là tự ái, vừa là sự bất an, nghi ngờ... Tuy nhiên, đọc những điều em kể, thì thật lòng Hạnh Dung cũng chưa cảm thấy mẹ chồng em khó chịu đến mức đáng sợ như thế.

Thứ nhất, dù gì bà cũng ở xa, 1, 2 tháng mới đến chơi một lần, cho nên cái bếp vẫn là của em. Em vẫn có thể làm mọi việc theo ý mình, làm chủ cái bếp của mình mà không ngại bị xét nét, chê bai, bắt lỗi gì cả.

Thứ 2, việc mẹ chồng chỉ dạy cho em, Hạnh Dung cũng không thấy có gì quá đáng. Bà đã khéo léo, tế nhị, chỉ dạy em lúc không có ai, nhưng em cũng cho đó là sai; không lẽ theo em, bà nên chỉ dạy em khi có đông người hay sao? Lúc đó em sẽ càng ấm ức, khó chịu hơn mà thôi.

Có thể, vì bà nghĩ con trai bà đã quen với nếp sống và cách chăm sóc của mẹ, nên giờ bà muốn chia sẻ những kinh nghiệm và thói quen của anh ấy, để em dễ dàng hơn trong việc bắt đầu cuộc sống chung mà thôi.

Đó là tấm lòng của người mẹ, và Hạnh Dung nghĩ rằng nhiều người mẹ chồng cũng sẽ muốn như vậy. Người con dâu hiểu và chấp nhận việc đó thì sẽ thấy bình thường, có khi còn cám ơn mẹ chồng. Bởi nếu cơm nấu ra mà chồng mình không thấy ngon, hay miễn cưỡng ăn, thì người vợ cũng nào có vui.

Hơn nữa, mẹ chồng em là người có học thức, khéo léo, chăm lo... có lẽ vì vậy mà bà là hình mẫu của con trai bà. Vậy thì em cứ lắng nghe, đừng tự ái, đừng nghi ngờ, học được gì tốt thì học. Còn không, em chỉ cần mỉm cười cám ơn mẹ chồng, thì mọi chuyện cũng trở nên nhẹ nhàng rồi. Làm theo cách của bà hay không, là quyền của em cơ mà.

Tất cả mọi việc đều là bình thường, theo chiều hướng tốt, vì mẹ chồng em không đến mức làm khó, xét nét, hay coi thường em. Thế nhưng, chính em lại đang suy diễn mọi việc theo chiều hướng xấu, rằng mẹ chồng sợ em bắt nạt chồng, nên răn đe em trước; rằng mẹ chồng khôn khéo mà gây áp lực lên em. Thậm chí, cả cách đối xử của chồng với em được xem là ưu điểm, thì em lại coi đó là khuyết điểm khi anh ấy cũng đối xử như thế với mẹ mình.

Hạnh Dung hiểu tâm trạng của một người sắp bước vào cuộc sống mới như em. Chuyện gì cũng lo, cũng nghi ngờ, rồi cố gắng đoán định tương lai. Điều quan trọng nhất, là em hãy nhìn vào tình yêu của mình, vào chồng tương lai, và tự cảm nhận xem em có thể tin tưởng anh ấy hay không? Anh ấy có thể chăm sóc, giữ gìn, bảo vệ em khi xảy ra chuyện không? Nếu em không thấy có niềm tin đó, thì cũng nên xem xét lại quyết định của mình, em nhé.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(5)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI