Chị Hạnh Dung kính mến,
Em và người yêu quen nhau được 8 tháng. Anh là con một gia đình trí thức, ba mẹ anh đều là giáo viên đại học. Bản thân anh cũng đang học cao học. Còn em lại chỉ là con của một gia đình có nghề truyền thống. Nhà em có hiệu bánh khá lớn ở Cần Thơ, em được ba mẹ cho lên Sài Gòn để học thêm nghề bánh.
Từ nhỏ đến lớn, em đã sống trong ý nghĩ là sẽ trở thành người làm bánh giỏi, nên em không thi đại học, mà chuyên tâm học những nghề trong bếp, kể cả nấu ăn, pha chế. Em cũng không thấy như thế là thua kém gì bạn bè, vì mẹ em thường nói: "Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh", và bánh ngọt luôn là sở thích của mọi người...
Khi quen anh, em cũng đã nói với anh điều đó, và anh cũng tán thành với em. Anh nói rằng anh luôn tôn trọng những sở thích, mong muốn và thiên hướng của em. Anh còn vẽ ra viễn cảnh sẽ cùng em mở một cửa hàng bánh, có kèm một quán cà phê nhỏ thật xinh đẹp cho em chăm sóc và phát triển.
Thế nhưng cách đây một tháng, khi anh đưa em về ra mắt gia đình, thì mọi việc có vẻ không đơn giản như thế. Điều em lo lắng thành hiện thực: mẹ anh cứ hỏi em hoài là em có ý định học đại học để có một cái nghề đàng hoàng hay không? Em cũng nói với cô về nghề của gia đình em và dự định tương lai của em, thì cô có vẻ không vui.
Vài lần gặp sau, cô vẫn tiếp tục gợi ý đó, rằng em có thể học một đại học nào đó, lấy một chuyên môn đàng hoàng, để có một cái bằng đàng hoàng. Cô nói bằng cấp, tri thức, văn hóa là những đảm bảo tốt nhất cho tương lai, và hai vợ chồng nên ngang bằng nhau về trình độ để có thể thông cảm và hiểu nhau hơn... Rằng khi có trình độ thì có thể dạy dỗ con cái tốt hơn...
Ngay cả anh cũng bắt đầu xiêu lòng, và nói em thôi cứ nghe lời cho mẹ vui lòng. Giờ chuyện học cũng đơn giản, em có thể đăng ký học online một ngành nào đó mà em thấy thích nhất. Anh sẽ tài trợ em học phí và giúp em...
Vấn đề với em không phải là em không học được hay không có học phí, mà hướng đi đã chọn của em là bánh, và em không muốn mất thời gian hay tiền bạc cho những việc mình không hứng thú và thấy không cần thiết. Em muốn đầu tư vào hướng đi của em nhiều hơn.
Hơn nữa, dù không học đại học, nhưng em không phải là người không có kiến thức và trình độ. Em đọc nhiều và thích tìm hiểu mọi việc. Khi nói chuyện với anh, thậm chí em thấy kiến thức của em còn phong phú hơn anh, còn anh chỉ biết đúng chuyên môn của mình.
Điều quan trọng hơn nữa là em có cảm giác anh phản bội lời hứa với em, dù anh ra sức thuyết phục em rằng đây chỉ là sự đối phó với mẹ, để có thể được mẹ chấp nhận chuyện hai đứa dễ dàng hơn thôi.
Anh cũng nói có thêm một bằng cấp trong thời buổi này cũng tốt cho em, rằng em có thể học cái gì đó gần gũi với sở thích của em mà có bằng cấp đàng hoàng cũng tốt...
Khi tranh luận với anh, anh nói rằng mẹ anh muốn tốt cho em thôi, chứ có hại gì em đâu mà em phải chống đối. Kể cả nếu tụi em không thành, thì chia tay nhau, em cũng có được một điều gì đó tốt đẹp từ tình cảm với anh.
Nhưng em cảm thấy không phải là như vậy. Bà làm thế vì thể diện của bà, bà không muốn con bà lấy một cô nấu bếp, và con dâu bà là người làm bánh. Bà có vẻ coi thường em và nghề nghiệp của gia đình em. Liệu với tư tưởng này, thì hai bên sui gia có thể vui vẻ với nhau hay không?
Em cũng đang bối rối và có chút mâu thuẫn với người yêu vì những tranh cãi này. Em xin chị Hạnh Dung giúp em một lời khuyên sáng suốt.
Hà Minh
|
Ảnh minh họa |
Em Hà Minh thân mến,
Trước tiên, hãy nói về những điều đang là vấn đề cốt lõi trong câu hỏi của em: Chuyện học hành, nghề nghiệp, bằng cấp. Và cũng buộc lòng phải làm em thất vọng chút ít, là không có ai đúng hay sai hoàn toàn trong chuyện này. Nó chỉ là quan niệm của mỗi người, nhìn từ góc riêng của mình.
Trước tiên, chắc chắn là em không sai. Gia đình em có một nghề truyền thống đáng trân trọng và hãnh diện. Em yêu quý và tự hào về nghề của gia đình. Em cũng đã dành niềm đam mê cho công việc đó, học hỏi và phát triển bản thân trong niềm đam mê này.
Chắc chắn là với niềm đam mê và sự học hỏi, cộng với sự trợ giúp của gia đình, em sẽ có thể phát triển bản thân, chăm lo cho cuộc sống tương lai của mình, và làm được những điều có ích cho cuộc sống.
Gia đình bạn trai em có một hướng đi, một con đường khác: bước đầu vào cuộc sống của họ là sự trau dồi tri thức, và tấm bằng đại học là điều kiện đầu tiên không thể thiếu. Xét từ góc độ của họ và thậm chí của xã hội, hướng đi đó cũng là một hướng đi đúng, không thể phê phán hay trách móc gì.
Điểm không gặp nhau ở đây là hai hướng đi của em và gia đình bạn trai hoàn toàn khác nhau, dù chắc chắn là chúng hướng về cùng một mục đích: tạo lập cuộc sống tốt đẹp hơn, trước tiên là về vật chất, và sau đó là cả tinh thần. Để có thể cùng đồng hành với nhau, yêu thương nhau, thì bên này phải hiểu bên kia, chấp nhận con đường của bên kia, tôn trọng chọn lựa của nhau và ủng hộ nhau.
Để có được điều đó, cả hai bên cùng phải thay đổi tư duy của mình, có những sự hiểu biết, chấp nhận, thỏa hiệp và có những nỗ lực riêng. Quan trọng nhất lúc này là nên có một người đứng giữa, hiểu cả hai bên, thuyết phục hai bên, giúp hai bên thay đổi tư duy, quan niệm của mình để đến gần nhau, hòa hợp với nhau.
Bạn trai em đang phải nhận lãnh trách nhiệm khó khăn đó, và em hãy cố gắng thông cảm cho sự khó khăn của bạn trai. Đứng giữa cha mẹ và người yêu (hay vợ) luôn là một điều hết sức mệt mỏi và đau đầu.
Cho nên, cách giải quyết vấn đề của bạn là mong có một sự thỏa hiệp nào đó từ những người là phận dưới, nghĩa là em và bạn, chỉ là một cách giải quyết vấn đề mà bạn cho là dễ hơn thôi, chứ bạn không hề nghĩ như em, rằng bạn đang "phản bội" em.
Khi mà trong một mâu thuẫn nào đó, khó tách bạch được ai đúng ai sai, hay nói đúng hơn ai cũng có cái đúng của mình, nhưng cái đúng đó không phù hợp với bên kia; thì chỉ có cách là hoặc tự bảo vệ mình, chứng minh mình đúng, thuyết phục hay thỏa hiệp với bên kia vì một mục đích cao hơn; hay là... ai đi đường nấy, nhưng vẫn tôn trọng quyết định và chọn lựa của nhau.
Để quyết định được nên làm gì, thì chỉ có một cách là hãy xem xét nhiều khía cạnh: sự ưu tiên của mình cho điều gì, mình muốn sống như thế nào và sống như thế nào mới là hạnh phúc, mới phù hợp với mình. Rồi khi đã chọn lựa thì phải mạnh mẽ, loại trừ mọi phân vân và không bao giờ hối tiếc.
Hạnh Dung
Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn