Mẹ chồng thờ ơ, con dâu... mất sữa

10/05/2019 - 21:31

PNO - Một tháng 25 ngày sau sinh, tôi thấy Hân chia sẻ trên trang facebook của mình bài viết Về nhà ngoại - liều thuốc lợi sữa và chống trầm cảm sau sinh hiệu quả nhất. Tôi hiểu, Hân đang sống những ngày chịu đựng.

Hân là cháu dâu của tôi. Một ngày tháng Mười cách đây hai năm, tôi về quê dự đám cưới - là cái kết của chuyện tình kéo dài chín năm. Điều tôi quan tâm không phải là niềm vui của cháu trai mình, mà là gam màu xám xịt về cuộc sống hôn nhân của Hân trong hình dung của tôi. Đã có lần tôi khuyên Hân từ bỏ cuộc hôn nhân đó trước mặt cháu mình, bởi tôi nhận thấy, cháu trai yêu thương vợ bằng một thứ tình cảm hời hợt, sẽ không bao giờ có thể làm người chồng tốt. Còn chị gái tôi không hề có thiện cảm với con dâu tương lai.

Me chong tho o, con dau... mat sua
Ảnh minh họa

Chị là người duy nhất trong gia đình mười đứa con không biết lấy một chữ, bởi phải bươn chải để phụ cha mẹ chăm bầy em phía sau. Sáng nào chị cũng quẩy đôi thùng nước vượt 12 cây số, qua mấy con dốc lên rẫy; chiều là hai bó củi hai đầu đòn gánh theo hướng ngược lại. Chị lầm lũi như thế cho đến tận năm 17 tuổi lấy chồng. Có lẽ trời thương nên sau khi lấy chồng, trên miếng đất bạc màu cha mẹ cho, vợ chồng chị quanh năm xoay vần ba mùa dưa, đậu, mì. Trong khi xung quanh thất bát thì vợ chồng chị bội thu, ăn nên làm ra. Rồi cơ may đến, chị mua bán đất, chẳng mấy chốc nắm trong tay tiền tỷ.

Ngày con trai dẫn người thương về ra mắt, chị không nói gì, nhưng trong bụng “không ưa cái dân ở đó”. Trong suy nghĩ của chị, chỉ cái xóm Bàu Trúc nơi chị sống là “dân hiền lành, chịu khó làm ăn”. Còn con dâu chị, cách đó chỉ chục cây số, phải mang tiếng là “cái dân hung dữ, làm biếng”. Ngày đôi trẻ đi thuê váy cưới, con trai chị vui vẻ đặt tiền cọc, nhưng về lại méc mẹ rằng vợ con xài sang, thuê cái váy gần cả triệu bạc. Ngay lập tức, chị gọi con dâu vào, bắt trả váy cưới, về xóm Bàu Trúc thuê cho rẻ. Buồn lắm nhưng cô dâu tương lai chẳng dám cãi. Chị còn dặn con trai mình: “Sau này cưới về, đừng có dại dột để nó giữ tiền”.

Sinh đứa con đầu lòng, Hân không về mẹ ruột ở cữ. Vì tiền chồng giữ nên đồng lương dành dụm được của riêng mình nhanh chóng bay đi sau đợt sinh nở. Hân đề nghị chồng đưa mình ít tiền để chi tiêu thì chồng nói ngay: “Cần gì thì nói anh mua, chứ công việc của anh phải bọc tiền trong người”. “Không lẽ thèm một ly nước mía em cũng mở miệng xin anh?”, Hân phân trần. “Thì có gì xấu hổ đâu?”, cháu tôi cụt ngủn. Để chồng có trách nhiệm trong việc chăm sóc con, Hân quyết định ở cữ nhà chồng thay vì về nhà mẹ ba tháng như đã định trước đó. 

Vậy mà, được mấy ngày, Hân vỡ ra. Chồng thì ngáy khò khò cả đêm, bởi mặc định chăm con là chuyện của vợ. Mẹ chồng thì có vẻ xa cách nên cũng không dám nhờ. Con thì khó ngủ, cứ đặt xuống là giật mình khóc thét, nên Hân hết thức ngày rồi thức đêm, sáng lại nhờ chồng trông con, tranh thủ giặt thau quần áo. Cứ như vậy, Hân không đủ sữa cho con. Tháng thứ hai, con tăng đúng một lạng. Một phần vì mất ngủ, phần cô độc trong ngôi nhà chồng, Hân đâm ra nhạy cảm, mau nước mắt. Đến khi thấy mình thật sự kiệt sức, Hân xin phép về mẹ đẻ thì vô tình tạo cái “lỗ đen” sâu hoắm trong mối quan hệ gia đình. Chị tôi ghét con dâu ra mặt, “sướng quá sinh tệ, ngồi một chỗ ôm con còn đòi gì nữa. Đi thì đi luôn, đừng về”.

Tôi cũng như nhiều người bạn của mình, khi sinh con đã quyết định ở cữ nhà nội. Và đó là quyết định đúng đắn. Bà nội, dù là đàn bà thôn quê nhưng luôn có cái nhìn cởi mở. Trong suy nghĩ của bà, chúng tôi được học hành, được tiếp cận lối sống khoa học, nên cách nuôi con cũng sẽ tiến bộ hơn bà ngày xưa. Suy nghĩ đó khiến bà gạt tất cả kinh nghiệm nuôi con truyền thống mà bản thân đã thẩm thấu trước đó, để “nghe theo con”. Chưa kể, bà luôn có cách cư xử để con dâu cảm thấy thoải mái, ở nhà chồng như nhà mình. Mặc dù công việc bận rộn luôn tay, nhưng bất cứ lúc nào có thể nghỉ là bà giành trông cháu để tôi được ngủ. Buổi tối, bà tranh thủ ngủ sớm, nửa đêm thức dậy thay ca. Đối với bà, “chăm con là công việc vô cùng cực nhọc”, nên “con phải vui vẻ, thoải mái thì mới nuôi cháu tốt được”. Bà không quên dặn dò con trai: “Đàn bà sinh xong rất nhạy cảm, con phải để ý quan tâm, chia sẻ với vợ nhiều hơn”.

Không ai biết trước chuyện của ngày mai, nhưng khi “chọn” được mẹ chồng, tôi trở thành con dâu, mà cũng là người vợ, người mẹ hạnh phúc. 

Ngọc Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI