Mẹ chồng muốn góc bếp chia đôi

10/07/2018 - 15:37

PNO - Một bữa, chị trong nhà tắm nghe loáng thoáng thằng út nói với mẹ chồng: “Con của ai, người đó tự nấu ăn, mẹ không có nấu nữa, giờ già rồi, mắt mũi kém”.

- Tiền tháng rồi còn 1 triệu đồng, con cầm lấy, từ mai vợ chồng con tự nấu ăn.

- Thôi mẹ cứ giữ đó, con còn tiền.

- Không, con cầm đi, mẹ già rồi, không nấu nướng gì được nữa.

Mẹ chồng chị nói đoạn rồi đặt hai tờ 500.000 đồng trên bàn, bỏ lên gác. Chị quay lại thấy một tờ rơi xuống đất, cúi nhặt, nước mắt lăn dài.

Me chong muon goc bep chia doi
Mẹ chồng đặt hai tờ 500 ngàn đồng  lên bàn rồi bỏ lên gác. Bỗng dưng nước mắt chị lăn dài. Hình minh họa

Ở chung được một thời gian thì gia đình người em kề của chồng đi định cư ở Úc. Hai gia đình nhỏ mỗi tháng gửi tiền chợ và sinh hoạt cho mẹ chồng chi tiêu cho cả nhà. Mẹ chồng hằng ngày đi chợ nấu ăn. 

Chị lấy chồng được 5 năm, quen chồng tình cờ qua chat Yahoo thời đó. Chồng chị hiền lành, tốt bụng. Sau nhiều lần thử thách, cuối cùng chị cũng gật đầu ưng.   

Bỏ qua lời cảnh báo của bạn bè, bỏ qua lời nhắc nhở của ba mẹ, chị một mực tin rằng mình đủ trình độ và hiểu biết để có thể sống chung với đại gia đình nhà chồng bao gồm ba gia đình nhỏ.

Chị còn tự tin với cô bạn trọ cùng phòng “tánh tui xởi lởi vầy, không đến nỗi cảnh mẹ chồng nàng dâu”. Cô bạn cười nhếch mép “để rồi coi”. Chị cười, xách va-li chào tạm biệt chị em trong xóm trọ.

Hai năm đầu tiên trôi qua nhẹ nhàng. Đến năm thứ ba thì trong bữa ăn với chồng, chị bắt đầu có chuyện để kể. Năm thứ tư chị tìm đến cô bạn cùng phòng trọ năm nào: “Ước gì tui có thể dọn về sống chung với bà như hồi đó”. 

Gia đình chồng có ba anh em trai, chồng là con trai đầu nhưng lập gia đình trễ nhất. Hai em trai của chồng đã vợ con đề huề. Mỗi gia đình chia nhau mấy mét vuông ngăn cách bởi tấm ván gỗ.

Chị sinh con được sáu tháng thì gửi về cho mẹ ruột. Mẹ chồng bảo, giờ sức khỏe không có nên không thể chăm cháu được nữa.

Khi chị cấn bầu đứa thứ hai thì đứa lớn cũng hơn ba tuổi. Mẹ chồng không ưng “đã bảo thôi không đẻ nữa mà cứ đẻ”. Mối quan hệ giữa chị và mẹ chồng ngày một xấu đi, nhất là từ sau khi chị sinh đứa nhỏ. Ngày chị sinh con trong bệnh viện cách nhà chồng chỉ vài cây số, bị băng huyết phải truyền máu, vậy mà không thấy mẹ chồng xuất hiện. 

Sinh con được ba tháng, chị phải gửi con cho mẹ chồng để đi làm lại. Qua sáu tháng chị bắt đầu mua bột cho con ăn dặm, một năm thì cho ăn cháo từ từ. Một bữa, chị trong nhà tắm nghe loáng thoáng thằng út nói với mẹ chồng “con của ai người đó tự nấu ăn, mẹ không có nấu nữa, giờ già rồi, mắt mũi kém”.

Mẹ chồng vốn dĩ rất sợ và cưng chiều vợ chồng đứa em. Lần này, bà lại tiếp tục nghe lời nó. Bà bảo từ nay chị tự nấu ăn, cháo cho đứa nhỏ cũng tự nấu lấy. Chị nghe nghèn nghẹn nơi cổ họng. Thật ra, chị cũng đã tính nấu ăn riêng từ trước, nhưng chưa phải lúc này.

Công ty chị làm cách nhà gần 20 cây số. Cả đi và về mỗi ngày chị phải chạy gần 40 cây số, chưa kể kẹt xe. Nếu nấu ăn riêng, với vợ chồng chị không vấn đề gì, nhưng với con bé thì quá tội. Nó còn quá nhỏ, chị không nỡ mua cháo ngoài cho nó. 

Me chong muon goc bep chia doi
Nấu ăn riêng nên mọi thứ chị phải bắt đầu sắm sửa, từ cái chén, đôi đũa. Hình minh họa.

Mẹ chồng chị nói vậy nhưng vẫn nấu và ăn uống chung với vợ chồng em út. Chị hiểu ý, nói chồng dọn dẹp một góc nhà và khoan tường làm một cái kệ bếp. Nấu ăn riêng nên mọi thứ chị phải bắt đầu sắm sửa, từ cái chén, đôi đũa cho đến chai nước mắm, lọ tiêu...

Chị cũng đã biết tự xoay xở bữa cơm cho chồng dù có lúc tối muộn hơn 21g. Nhà chị, góc bếp đã nhỏ nay chia ra còn chật hẹp hơn. Chủ nhật, cả hai góc bếp đều đỏ lửa nhưng sao lòng chị vẫn cảm giác lạnh tanh. 

Hà Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI