Cả đời mẹ chồng tôi đã vất vả, khó nhọc với các công việc không tên trong nhà. Chồng tôi kể vậy, thường kèm theo lời nhắn nhủ tôi nên cư xử với mẹ nhẹ nhàng, tế nhị, đừng để mẹ phải tủi thân khi sống với con trai con dâu.
Tôi sinh non, con có phần èo uột, khó nuôi, nay ốm mai đau. Hết thời gian nghỉ hộ sản, tôi cứ lần lữa mãi chuyện đi làm trở lại vì không nỡ bỏ con một mình. Vợ chồng tôi sống chung với mẹ chồng, nhưng bà bảo trong người vừa cao huyết áp vừa hay đau bệnh, nên không dám ở một mình với cháu nhỏ, sợ nguy hiểm. Tôi đành ở nhà trông con, hy vọng thằng bé mau lớn, để còn có thể tiếp tục đến công sở.
“Đời không như là mơ”. Đến hơn một tuổi mà con vẫn cứ ra vào bệnh viện lẫn các phòng khám tư như cơm bữa. Một mình chồng tôi đi làm, đương nhiên khó mà chu toàn nổi cho bốn miệng ăn. Kinh tế eo hẹp, không khí trong nhà dần trở nên ngột ngạt, khó chịu hơn.
Mẹ chồng tôi không có lương hưu, nhưng có tiền gửi tiết kiệm kha khá. Bà cả đời ở nhà nội trợ, chuyện kinh tế ngày xưa đều do cha chồng tôi gánh vác. Cha chồng tôi khá gia trưởng, nghe bảo hồi trước ít khi chủ động đưa tiền cho vợ, toàn mẹ chồng phải tự lục túi mà lấy. Chưa kể, mỗi khi có chuyện cãi cọ, ông lại mắng vợ là “ăn bám” hoặc “vô tích sự”.
Những ngày tôi ở nhà quanh quẩn chăm con cũng là lúc mẹ chồng bắt đầu xa gần rằng đàn bà mà phụ thuộc vào đồng tiền của chồng là “vứt”, rằng thời buổi nào rồi mà chỉ có mỗi người đàn ông phải nai lưng ra làm, phục vụ vợ con. Tôi buồn, nhưng ráng nhịn, vì không muốn chồng thêm lo nghĩ. Chưa hết, mẹ còn tỏ thái độ xót xa con trai, “mát mẻ” con dâu. Tới bữa cơm, mẹ gắp thức ăn cho chồng tôi, bảo: “Ăn đi cho khỏe, có sức mà đi làm. Khổ thân con tôi, đâu có được sung sướng ở nhà hưởng phước như người ta”.
|
Ảnh: Internet |
Cái “người ta” ấy, sau vài lần choáng váng, đã biết thân biết phận, ráng ăn cho xong bữa, rồi âm thầm tìm chỗ gửi con, rải đơn xin việc. Tôi đi làm thì ổn rồi, nhưng cậu con đi học lại càng thêm khó nuôi, chậm tăng cân, đang có nguy cơ suy dinh dưỡng. Mẹ chồng tôi thở vắn than dài, kêu mình sống sao mà thừa thãi - đến giữ cháu cũng không có quyền, chăm cho cháu hay ăn chóng lớn cũng chẳng có cơ hội.
Tôi bàn riêng với chồng, hay là hỏi ý mẹ, để con ở nhà chơi thêm ít thời gian nữa, chứ bắt thằng bé đi học sớm vậy, cũng xót ruột. Chồng tôi gạt phăng, bảo mẹ già rồi, không thể cứ vô tư đẻ ra rồi bắt bà phải có trách nhiệm với con mình được, phải để cho bà được thong thả tuổi xế chiều. “Đấy là ý anh à?” - tôi hỏi. Chồng tôi ngạc nhiên: “Mẹ tuyên bố không giữ cháu, em quên hay sao mà muốn nhà cửa ồn ào?”.
Em chồng tôi sống cũng gần nhà. Em quản chồng mình khá chặt - cả tiền nong lẫn mọi vấn đề lớn nhỏ, sẵn sàng quát chồng trước mặt người khác. Mẹ chồng tôi bảo đàn ông bây giờ buông ra là hỏng nên phải luôn đề phòng, uốn nắn. Thế nhưng, khi chồng tôi đi nhậu tới giữa khuya vẫn chưa về, tôi nóng lòng đi ra đi vào, chưa dám gọi điện, mẹ đã đánh tiếng: “Nó có phải con nít đâu mà đợi cửa. Đàn ông thì phải quảng giao, bạn bè khách khứa thì mới khá được”. |
Công việc của tôi ngày càng phát triển. Tôi kiếm được kha khá, sắm sửa thêm vật dụng trong nhà, chuyển con sang học trường tốt hơn. Oái oăm thay, lúc này thì mẹ chồng lại đi ra đi vào, chửi chó mắng mèo, rằng đừng ỷ kiếm được nhiều tiền rồi lên mặt với cả họ hàng nhà chồng là không được đâu nhá.
Có lần, không chịu nổi, tôi quyết “chơi bài ngửa” với mẹ chồng. Tôi rủ bà đi mua sắm, thư giãn, xong ghé quán đẹp và yên tĩnh, ăn uống rồi trò chuyện. Tôi đề nghị nếu mẹ có gì không hài lòng về tôi, xin cứ góp ý thẳng. Tôi tin mình là người biết tiếp thu và sẵn sàng sửa đổi khi cần. Mẹ chồng tôi thản nhiên: “Nói ra để cho con dâu nó bảo mình cay nghiệt à?”.
Có dạo, cô em chồng kể lể với mẹ chuyện phía bên nội hay soi ngó, mẹ chồng tôi buông một câu rất tâm lý: “Con dâu nó lạ nước lạ cái về nhà mình, mình không thương nó trước mà đòi nó thương mình sao được”. Hôm đó, tôi tình cờ ngồi cạnh bên, chỉ muốn bật cười mà chẳng dám.
Thực ra thì các bà mẹ chồng muốn gì hay luôn thích tự mâu thuẫn với chính mình? Con mình - trai hay gái - đều là nhất, còn con của “người dưng” thì không đáng để họ bận tâm? Phải chăng muôn đời dâu con vẫn là người ngoài, là kẻ chia sớt tình cảm mẹ con ruột thịt giữa mẹ với con trai? Dẫu con dâu có biết điều, có nhún nhường, có mang tình thật ra mà đối đãi, thì cũng khó mà cải thiện cái tiếng “mẹ chồng - nàng dâu” ghim gút nhau.
An Nhiên