Mẹ chồng mong muốn gì ở con dâu?

23/10/2024 - 06:26

PNO - Làm sao cho con trai biết thương mẹ và con gái biết cư xử tốt với mẹ chồng, hệt như những gì mình mong muốn ở con dâu...

Rất nhiề cô con dâu ban đầu rất tốt, nhưng được vài năm lại hỗn hào (ảnh minh họa)
Rất nhiều cô con dâu ban đầu rất tốt, nhưng được vài năm làm dâu lại hỗn hào (ảnh minh họa)

Đọc bài viết Cô dâu cởi váy cưới từ hôn ngay trong đám cưới: Bài học hôn nhân đắt giá, tôi thấy tác giả đứng hẳn về phía cô con dâu trong mối quan hệ nhạy cảm với mẹ chồng. Tôi không phản đối tác giả, nhưng từ góc người mẹ, tôi xin chia sẻ vài ý sau đây.

Cuối tuần rồi tôi dự một đám cưới ở nhà thờ. Cô dâu chú rể đều đẹp, hai bên anh chị sui hãy còn trẻ và "đẹp đều". Sau khi dứt lễ, chú rể bước đến ôm vai mẹ, nói nhỏ lời cảm ơn mẹ công lao khó nhọc nuôi anh nên người, dựng vợ gả chồng. Đường đi phía trước còn dài và không hứa hẹn suôn sẻ, nhưng anh cố gắng có trách nhiệm với gia đình nhỏ và mai mốt lo cho cha mẹ về già…

Những người chứng kiến cảm động lắm. Con trai biết nghĩ đến mẹ trong ngày hợp hôn, quả là hiếm thấy!

Cha mẹ chú rể đều là công chức nhà nước. Từ thời còn nghèo, thiếu thốn đủ thứ, mỗi tháng chồng đưa vợ bao nhiêu phần trăm lương, phần còn lại giữ phòng thân, giao tiếp… Vật giá leo thang, lương tăng, anh đưa vợ nhỉnh hơn nhưng cũng không bao nhiêu, chị phải giật gấu vá vai lắm mới đủ lo cho con trai và con gái đều có tấm bằng thạc sĩ; tất nhiên, chị chỉ lo 2 con xong đại học, còn học thạc sĩ con cái tự lo, nhưng vẫn có sự hỗ trợ của mẹ ít nhiều.

Con trai biết bố vô tư, phần cũng do mẹ quán xuyến hết nên bố thành bị động. Và, cũng trong ngày đám cưới, cậu chính thức ngỏ lời cảm ơn mẹ.

Chuyện đơn giản vậy, mà có người suy nghĩ rồi “tán” rộng ra rằng cậu con trai ngầm ý với vợ rằng cậu muốn sau này vợ cũng tôn trọng và yêu quý mẹ. Người khác lại bảo, chú rể làm vậy là áp lực cho cô dâu, theo kiểu "tôi kính trọng mẹ, cô cũng phải biết điều với mẹ". Dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về thật là khéo!

Có thể thấy, hiện nay gia đình nào cũng ít con, nên cha mẹ thương quý con là chuyện bình thường. Các bà mẹ thương con, lo từ trong bụng đến khi trưởng thành, bao nhiêu khó nhọc. Từ miếng ăn, giấc ngủ, học hành. Mới ngày nào nhìn con ăn hết chén bột, mẹ như trút được gánh nặng, mà ngày nào cũng phải hồi hộp “trút gánh nặng”.

Con bệnh, vừa ăn xong chén cháo, chưa kịp vỗ nhẹ vào lưng cho con ợ, thì cháo phụt ra miệng có vòi, ai xót bằng mẹ! Con lớn lên, đưa đi, đón về, chính khóa, học thêm… ngày mưa cũng như nắng. Vào năm thi, con đi học về, mẹ sắp sẵn ly nước cam, tô cơm. Mẹ đánh thức con dậy học bài, pha ly cà phê chống buồn ngủ, nhắc con đi rửa mặt cho tỉnh…

Những điều này hầu như “phổ cập” với rất nhiều gia đình. Do đó, không tránh khỏi tâm lý mẹ “ích kỷ” khi con trai đi lấy vợ. Lo rằng, không biết con dâu thế nào, có biết cư xử tốt với chồng hay không? Thiếu gì đứa con dâu vài năm đầu thì được, nhưng mấy năm sau lại hỗn hào với mẹ, với chồng? Ôi trăm thứ lo…

Chuyện một bà mẹ khác, con dâu sinh, bà ở quê vào chăm cháu khi con dâu đi làm, thay ca cho chị sui đã chăm cháu 4 tháng đầu đời. Là con độc nhất, anh con trai rất thương và lo lắng cho mẹ. Ngoài giờ đi làm, anh chở mẹ đi ăn, mua sắm… Vậy mà bà mẹ này vẫn có chút “lợn cợn” trong suy nghĩ vì chưa hài lòng con dâu. Một chuyện rất nhỏ nhặt là, con dâu đi làm về, cô xuống bếp lấy cơm mẹ đã nấu sẵn, bới một tô rồi cứ thế ăn, mẹ ngồi ngay đó mà không mời câu nào. Vậy thôi mà bà thấy tủi. Nó làm như mình là kẻ ăn người ở trong nhà, không phải mẹ chồng.

Tùy theo tính người, có người mồm miệng đỡ tay chân, có người ít nói, không dám biểu lộ cảm xúc hay sự thân thiện. Người mồm miệng, trong trường hợp này sẽ “giả lả” vài câu: “Con đói quá, con ăn trước rồi còn trông em bé cho mẹ ăn”. Như vậy bà mẹ sẽ hài lòng hơn.

Trong khi đó, cô con dâu ít nói thật thà nghĩ, mẹ chồng cũng như mẹ ruột, đói bụng thì mình ăn trước rồi lo cho em bé, lát nữa chồng về ăn cùng với mẹ. Chuyện rất nhỏ mà làm bà mẹ chồng buồn lòng, bà mong ngày tháng qua mau, em bé cứng cáp để bà về quê. Biết là sẽ nhớ cháu, nhưng bà không hợp với con dâu, sợ tình cảm sứt mẻ…

Bà mẹ khác có con gái nghe chuyện đó thì giật mình, mình đã dạy con gái chi tiết nhỏ nhặt trong cư xử vậy chưa? Rất nhiều chuyện nhỏ nhưng dễ sinh mâu thuẫn, dễ gây ra mối bất hòa mẹ chồng - nàng dâu.

Mới thấy, việc giáo dục con cái của một bà mẹ có cả con trai và con gái đều phải thật tế nhị, chu đáo. Làm sao cho con trai thì biết thương mẹ và con gái thì biết cư xử tốt với mẹ chồng, hệt như những gì mình mong muốn ở con dâu. Chuyện này không dễ chút nào!

Kim Duy

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Giang 24-10-2024 11:37:47

    Đừng mong gì cả, thì sẽ không khổ khi không đạt được mong muốn. Mẹ chồng và nàng dâu, đều là con người. Vậy hãy cư xử sao cho đúng với đạo đức làm người với nhau thôi là đủ.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI