Mẹ chồng mắng tôi hỗn vì hay chỉnh sửa chồng

05/10/2023 - 09:47

PNO - Tốt nhất là chồng vợ trò chuyện được với nhau, thông cảm với nhau về những thói quen xấu cũng như sự khó chịu của đối phương với thói quen của mình.

Chị Hạnh Dung thân mến,

Tôi lấy chồng được 2 năm, chưa có con. Ngày trước, lúc yêu nhau, mọi việc khá êm đềm và hạnh phúc, vì anh tính tình nhỏ nhẹ, chững chạc và rất biết quan tâm, chăm sóc, nên tôi thấy vô cùng mãn nguyện. Thế nhưng từ khi sống chung, tôi mới thấy anh đúng là kiểu con út, được nuông chiều và chăm sóc kỹ lưỡng.

Có nhiều điều ở anh khiến tôi rất không thích. Lúc đầu thì có thể chịu đựng được, nhưng kéo dài ngày này qua ngày khác thì tôi dần mất kiên nhẫn. Thí dụ như việc anh thức quá khuya để lướt mạng, chơi game. Sáng thì không bao giờ có thể tự thức dậy được. Nếu không gọi anh dậy thì anh có thể ngủ tới 12 giờ trưa, bất chấp cả việc đi làm.

Ngày nào tôi cũng phải canh giờ để kêu anh dậy ăn sáng, uống cà phê, đi làm. Hôm nào tôi đi công tác hay bận đi đâu sáng sớm, thì chắc chắn là hôm đó anh nghỉ làm luôn, vì khi anh dậy là đã quá trễ giờ đi làm.

Có rất nhiều việc lặt vặt trong nhà, nghe thì tưởng nhỏ, nhưng vô cùng khó chịu nếu nó cứ lặp đi lặp lại. Thí dụ như anh mở tủ lạnh, lấy chai nước uống, xong là bỏ chai nước trên bàn, không cho lại vào tủ lạnh. Anh ăn, uống gì xong là bỏ đó, không dọn, không rửa. Anh thay đồ chỗ nào thì quăng đồ dơ ngay chỗ đó, không bao giờ bỏ chậu giặt. 

Nói chung toàn chững chuyện nghe thì thấy nhỏ nhặt, nhưng suốt ngày cứ phải theo anh để dọn dẹp, dần dần tôi cảm thấy rất khó chịu. 

Hôm rồi, mẹ chồng lên chơi, tôi mới nói luôn những chuyện như vậy, để mong mẹ chồng ủng hộ tôi mà bảo anh phải thay đổi dần lối sống. Một trong những chuyện đó là việc chồng thường xuyên ngủ trễ, dậy muộn. Tôi bảo người ta nói những người không bao giờ thấy mặt trời buổi sáng, là những người không thể thành công. 

Ai dè mẹ chồng tôi nghe vậy thì tự ái, mắng tôi xối xả, nói con bà, bà dạy từ nhỏ tới lớn, cũng học hành tới nơi tới chốn, cũng đỗ đạt, có công ăn việc làm như mọi người, thua kém gì ai, mà giờ tôi lại chửi xiên chửi xéo bà.

Bà nói tôi hỗn, dạy chồng từ chuyện nhỏ tới chuyện lớn, trong khi chăm sóc, phục vụ chồng, dọn dẹp nhà cửa cho gọn gàng là nghĩa vụ làm vợ. Chỉ có chuyện dọn cái ly, cất cái chai mà suốt ngày bà nghe tôi cằn nhằn chồng vậy, thì không nên sống với nhau nữa.

Chuyện nhỏ giờ thành chuyện lớn khi bà khăng khăng nói chồng tôi ly dị đi. Chồng tôi thì tự dưng xưa giờ cũng cười cười khi bị tôi nhắc nhở, nay cũng có vẻ như được nước vì có mẹ bênh. Còn tôi, nửa nghĩ chả ai ly dị vì những chuyện như vậy, nửa nghĩ: chẳng lẽ sẽ sống với những điều khó chịu như vậy suốt đời?

Xin chị Hạnh Dung cho tôi lời khuyên: tôi nên nhịn để không phải ly dị, hay là giải thoát cho cả tôi lẫn chồng?

Thanh Mi

Chị Thanh Mi thân mến,

Quả thật trên đời có những việc mà nghĩ nó nhỏ thì nó nhỏ, thấy nó lớn thì nó lớn, tùy cảm nhận của mỗi người, rồi sau đó nữa là tùy sức chịu đựng của mỗi người với những nỗi khó chịu đó.

Thật tình những việc như chị kêu ca về chồng, Hạnh Dung cũng được nghe ở rất nhiều người, và có nhiều việc còn nhỏ hơn, li ti hơn nữa, cũng khiến người ta vô cùng bực mình. Thí dụ tiêu biểu mà nhiều người thường nhắc, là có những cặp vợ chồng cãi nhau chỉ vì chồng nặn kem đánh răng từ chuôi lên, còn cô vợ thì nặn... bất kể chỗ nào.

Những cũng có những người vợ phải chịu đựng những điều kinh khủng hơn, những thói hư tật xấu của chồng như ngoại tình, nhậu, thậm chí bạo hành..., nhưng họ vẫn bỏ qua hoặc cố gắng nhìn vào những điều nào đó còn tốt đẹp ở chồng (thí dụ như người đó thương con, người đó vẫn chịu trách nhiệm về kinh tế gia đình, thậm chí là chỉ vì người đó đối xử tốt với cha mẹ mình...), để chịu đựng, bỏ qua, thậm chí là "mắt nhắm mắt mở" mà sống.

Lấy những ví dụ như thế, cho chị tự "thông cảm" với bản thân mình, chứ không có nghĩa là khuyên chị phải bỏ qua hay là nên ly dị để khỏi bận tâm. Chọn lựa đó phải là của chị, làm sao để chị được nhẹ nhàng và bình an.

Tốt nhất, theo Hạnh Dung, vẫn là chồng vợ trò chuyện được với nhau, thông cảm với nhau về những thói quen xấu cũng như sự khó chịu của đối phương với thói quen của mình.

Thậm chí, nhắc, thì cứ nhắc, nhưng nên tìm một cách nhắc dễ chịu, như đùa giỡn, trêu chọc và... ghi điểm, tính nợ với nhau... Tùy anh chị có thể có những thỏa thuận vui, để tình huống bớt căng thẳng, mình bớt căng thẳng...

Nhưng, việc sai của chị ở đây là mang những chuyện như thế ra trách móc trước mặt mẹ chồng, lại bằng một cách rất dễ làm bất cứ bà mẹ nào cũng phải tự ái, như bà đang tự ái với chị. Vì chưa có con, nên có lẽ chị chưa cảm nhận được điều này, người ta có thể tự mắng con mình được, nhưng nghe người khác chê bai con mình, tự ái lắm chị à.

Chồng chị bây giờ đã là một người trưởng thành, và ở một nghĩa nào đó, anh ấy là "của chị", chứ không chỉ là "câu con trai của mẹ" nữa. Vợ chồng giúp nhau trưởng thành cũng là một nghĩa vụ, trách nhiệm trong đời sống lứa đôi. Chẳng nên lôi nhau ra "mách cha, mách mẹ", thậm chí là "trách cha, trách mẹ" chị nhé.

Còn hơn thế nữa, là lời khuyên của Hạnh Dung với chị. Chuyện hai vợ chồng giờ chỉ nên để cho gia đình hai bên biết càng ít càng tốt. Kể lể, mách, than thở, trách móc... không biết là có giúp được gì hay không, mà có khi còn có những sự can thiệp không vô tư, khiến tình huống xấu đi, như chị đang gặp bây giờ.

Dù chị có quyết mọi việc như thế nào đi nữa, thì với mẹ chồng, rõ ràng là chị đã làm tổn thương bà. Phận làm con, phải nhìn nhận lỗi của mình trước, nên dù chị quyết định thế nào thì cũng nên có lời với bà, làm sao cho bà hiểu được rằng chị không cố ý chê bai, trách móc sự dạy dỗ, giáo dục con của bà...

Hy vọng rằng khi bà thông cảm được với chị, thì chị sẽ có đồng minh để cùng giúp chồng thay đổi những thói quen xấu.

Hạnh Dung 

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(5)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI