Mẹ chồng mặc nhiên coi 'cái bếp là của con dâu'

04/10/2018 - 14:00

PNO - “Con đi vậy mỗi tuần, cơm nước nhà mình ai lo?”, nghe mẹ chồng nói vậy, tôi nhìn sững bà, nước mắt tự nhiên chảy ra.

Ngay hôm đầu tiên sau ngày cưới, mẹ chồng nói với tôi: “Kể từ hôm nay cái bếp là của con”. Bà sẽ không nấu nướng hay dọn dẹp gì nữa. Là con dâu mới, mẹ bảo gì nghe nấy, tôi im lặng không nói gì. Trong lòng ngổn ngang vừa mừng vừa lo. Lo vì mình chưa bao giờ thật sự là chủ của gian bếp nào cả, biết nấu nướng làm sao cho hợp với khẩu vị nhà chồng? Và mừng khi nghĩ mình sẽ được tự do nấu ăn trong gian bếp ấy một mình không giống mẹ và bà nội khi xưa.

Me chong mac nhien coi 'cai bep la cua con dau'
Ảnh minh họa.

Tuổi thơ tôi ám ảnh mối quan hệ của hai người đàn bà thân yêu ấy. Cho đến tận bây giờ, khi bà đã trở thành người thiên cổ, mẹ tóc đã bạc, da đã mồi nhưng thi thoảng nỗi chua xót đắng cay trong mẹ vẫn trào ra. Nhiều lần, tôi khuyên mẹ buông bỏ cho nhẹ người. Mẹ bảo, cũng không muốn nhớ nhưng cứ nhắc đến là nhoi nhói. 

Tôi còn nhớ không khí nặng trình trịch và lạnh lẽo trong căn bếp nhà mình dù lửa vẫn tí tách nóng đượm. Nội chê mẹ làm món này không đúng, không sạch. Có khi mẹ rửa cá, nội giằng lấy rửa lại rồi bóng gió xa gần. Nội nói mẹ không nhẹ nhàng, đụng tới đâu là bể chén sứt nồi của nội tới đó, những thứ nội giữ gìn cả một đời. Ban đầu mẹ lặng im, lâu dần thành những cơn dằn hắt, có khi tôi còn nghe lời qua tiếng lại. Cơn hờn giận lan đến những bữa cơm. Anh em tôi ngồi ăn mà thấp thỏm. Cho đến lúc nội nói mẹ đoảng là do nhà ngoại không khá giả, bà ngoại không rành nữ công gia chánh, không biết dạy con gái thì không còn là cơn giận hờn thường nhật nữa mà tụ thành một miếng thủy tinh nhọn xuyên thẳng vào lòng mẹ. Nó nằm im đó mặc cho thời gian trôi qua.

Ngày ấy, tôi đã nhiều lần nghĩ thầm, tại sao có những chuyện đơn giản như thế mà đàn bà lại tự làm khổ nhau và khổ những người xung quanh? Ăn thôi mà, nếu không ngon thì lần sau sẽ ngon. Dọn dẹp chưa sạch thôi mà, hôm sau sẽ dọn lại. Có cần thiết chỉ vì một cái chén bể, một góc bếp chưa sạch, một món ăn chưa thật ngon mà đánh đổi bầu không khí gia đình hay không? Mẹ và nội tôi khi đứng về hai phía đối đầu nhau, có lẽ không nhìn thấy ba tôi ở giữa, ánh mắt nặng trĩu cúi xuống; cũng không thấy ánh mắt ngơ ngác của chúng tôi. Ký ức không vui ấy dù muốn hay không vẫn bám riết theo tôi thành một nỗi sợ hãi.  

Vậy nên, khi mẹ chồng bảo: “Con muốn làm gì đó thì làm, nấu ngon mẹ ăn nhiều, nấu dở mẹ ăn ít. Nhà mẹ cất cho ở, giữ gìn sạch sẽ thì ở được lâu. Mẹ già rồi, muốn nghỉ ngơi…”, tôi nghĩ mình thật may mắn. 

Thời gian đầu, mọi việc có vẻ ổn. Tôi cũng thích nấu nướng, đi làm về là lúi húi, bày vẽ những món ngon, món lạ. Nhưng đến khi tôi thai nghén nhọc nhằn, rồi sinh con, nuôi con nhỏ thì khác. Mẹ vẫn không hề vì tôi nghén đến ngất xỉu mà nấu cái gì để ăn hay cho con dâu ăn. Mẹ không vì tôi phải nuôi con mọn, không nấu nướng đúng bữa để xuống bếp. Mẹ không vì tôi đi làm về muộn mà bắc hộ nồi cơm, nồi canh cho cháu. Cũng hơn mười năm rồi, nếu vì bất cứ lý do gì tôi không xuống bếp thì chồng tôi phải ra ngoài mua đồ ăn cho cả nhà.

Mới đây, ba tôi bệnh, mẹ lại yếu, tôi nói với chồng mỗi tuần tranh thủ hai ngày cuối tuần chạy về đi chợ, nấu nướng cho ông bà ngoại. Chồng tôi ủng hộ. Trong bữa cơm tối, tôi nói với mẹ, bà nói thẳng: “Con đi vậy mỗi tuần, cơm nước nhà mình ai lo?”. Tôi nhìn sững bà, vội vàng đứng lên, bỏ lại chén cơm, nước mắt tự nhiên chảy ra không dừng lại được. Cái bếp này là của riêng tôi thôi sao? Tôi sinh ra là chỉ để phục vụ thôi sao? 

Có phải cái gì cũng có giá của nó? Hay tôi quá đòi hỏi?

Tôi ước gì mình nghe lầm. Tôi rất sợ lại có một mảnh thủy tinh ghim sâu vào tim và ở đó đến khi tôi bằng tuổi mẹ, khi trái gió trở trời, lại nhói đau. 

Loan Duyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI