Mẹ chồng không phải mẹ ruột

11/07/2024 - 11:39

PNO - Chúng ta không thể mưu cầu mẹ chồng yêu mình như mẹ ruột. Dù đúng hay sai, mẹ chồng sẽ luôn đứng về phía con trai của bà. Điều đó là hiển nhiên, không có gì lạ, càng chẳng nên thất vọng hay đổ vỡ.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

20 tuổi cháu bỏ ngang đại học để lấy chồng. Biết rằng học đại học, thời nào cũng vậy, không hứa hẹn bất kỳ một tương lai chắc chắn nào cả. Chỉ là khi học hết đại học, chúng ta có trong tay nhiều cơ hội hơn để lựa chọn công việc, cuộc sống sau này mà thôi.

Tôi vẫn nhớ, mẹ cháu - chị họ tôi - lúc đưa thiệp mời lí nhí không dám nhìn: “Gia đình người ta cũng tốt. Thương cháu. Bà ấy là chỗ bạn bè không thân nhưng quen biết với chị. Chắc cũng đỡ lo…”.

Chị bỏ lửng câu nói. Vì thương con, tôi biết chị tự vuốt ve trấn an mình. Có người đàn bà nào qua tuổi 50, làm vợ, làm dâu người ta gần hết cuộc đời mà không hiểu một điều: mẹ chồng trước sau gì, nhất định, không phải là mẹ ruột! Tôi băn khoăn nhưng không tiện hỏi. Liệu khi tiễn con về nhà chồng chị có dạy con mình điều ấy không?

Mẹ chồng không phải là mẹ ruột, nên mọi cư xử hàng ngày con điều phải hết sức chừng mực và giữ gìn. Con có thể ngủ đến 12 giờ trưa, dậy vừa ngồi tám chuyện với chúng bạn vừa ăn sáng, khi mẹ con đang nấu ăn lau dọn nhà cửa. Nhưng với mẹ chồng thì không! Nếu con không thể chuẩn bị bữa ăn sáng cho bà, bà sẽ tự lo cho mình. Nhưng không có nghĩa là bà sẽ chuẩn bị cho con, gọi con ăn, chăm con từng chút. Con có thể xòe tay xin tiền mẹ lúc thắt ngặt, hay mua sắm cái áo cái quần con thích. Nhưng với mẹ chồng thì không! Con có thể vì chút cảm xúc nào đó không được vui của mình, có thể buông lời nói sẵng làm đau lòng người đàn bà sinh ra con. Nhưng người đàn bà là mẹ của chồng, con phải luôn đắn đo cẩn thận trong mọi lời ăn tiếng nói.

Mẹ chồng không phải là mẹ ruột, nên tình yêu thương nếu muốn có con phải gầy dựng, vun đắp. Chỉ có mẹ con mới cho con thứ tình yêu nguyên vẹn tròn đầy hệt hạt mưa chỉ rơi từ trên cao xuống. Tình mẫu tử của nhân loại, nó lớn đến nỗi vượt qua mọi sự tưởng tượng hình dung của con người thành một nỗi kính ngưỡng không bao giờ nguôi. Còn lại không có ai, không có thứ tình yêu gì con không nhọc công chăm bón mà mong hái quả ngọt lành. Mẹ chồng sao có thể yêu con như con bà rứt ruột sinh ra vì một tiếng con dâu? Mẹ chồng sao có thể yêu con vì con sinh cho bà mấy đứa cháu? Mẹ chồng sao có thể yêu con khi con toàn tâm toàn ý với gia đình con? Con yêu chồng con, con sinh con hay chăm lo cho gia đình của con là việc con cần phải làm. Còn việc bà có yêu con hay không là chuyện hoàn toàn khác.

Vậy nên, chúng ta không thể mưu cầu mẹ chồng yêu mình như mẹ ruột được. Chưa kể, tất cả mọi sự cố gì có thể xảy ra trong cuộc sống vợ chồng, dù đúng hay sai, mẹ chồng sẽ luôn - nhất định luôn - đứng về phía con của mình. Điều đó là hiển nhiên, không có gì lạ thất vọng hay suy sụp, đổ vỡ. Có suy sụp đổ vỡ chăng, đó chính là thân con gái đi lấy chồng, bước vào cuộc sống hôn nhân mà chưa thật sự trưởng thành về cảm xúc, thấu hiểu lẽ đời...

Mới đây, qua điện thoại chị lại lí nhí kể về cuộc sống của con, khi không nghề nghiệp gì ổn định, không thu nhập, lại ốm nghén, mẹ chồng nặng nhẹ….

Tôi im lặng lắng nghe mà lòng dâng lên một nỗi niềm khó diễn tả. Đầu dây bên kia đã yên ắng hồi lâu, tôi vẫn không dứt mình ra khỏi những câu hỏi. Việc coi trọng bản thân, mở rộng sự hiểu biết, nhìn thẳng vào bản chất cuộc đời bằng một tâm thế của một kẻ chủ động với con gái đàn bà khó vậy sao? Tại sao không xem trọng bản thân mình, để trong mắt người khác mình trở nên không có chút giá trị nào, bị vùi dập, phụ rẫy, đau lòng, tổn thương rồi mới đứng lên biết yêu bản thân trong nỗi chua chát nát tan? Niềm tin, niềm vui sống sau này liệu có còn nẩy chồi đâm lộc trên mảnh đất đầy hậm hực, đen tối đó?

Thiết nghĩ, cuộc đời và lòng người trên thế gian này không có gì là lạ. Như bầu trời xanh có mây trắng mây đen. Vạn sự tốt hay xấu ta không thể quản. Càng rượt đuổi theo những áng mây trắng hay xa lánh ghê sợ mây đen, chỉ khiến bản thân nhiều tổn thương. Quan trọng nhất là chuẩn bị cho mình đủ bản lĩnh và hiểu biết mà thôi! Tôi ước gì tất cả đàn bà - nhất là những cô gái trẻ như cháu tôi - thấu hiểu điều đó!

Triệu Vẽ

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
  • Nguyễn Hoa 13-07-2024 19:25:36

    Tôi là một phụ nữ 70 tuổi, có nghĩa cũng đã từng làm dâu và giờ làm mẹ chồng. Mong mẹ chồng thương mình như con ruột ta nên đặt lại vấn đề: mình có thương mẹ chồng như mẹ ruột chưa? Câu trả lời là không thể vì mối quan hệ giữa hai bên do người thứ ba đem lại đó là chồng mình. Muốn thắt chặt mối quan hệ phải trải qua nhiều thử thách... Vậy ban đầu chỉ cần sống biết điều với nhau là đủ, qua thời gian tình cảm mới nảy sinh. Như tôi, sau khi làm dâu gần 50 năm ( dù không ở chung ngày nào nhưng mấy chục năm vẫn so sánh dâu này với dâu kia chủ yếu do địa vị và tiền bạc). Chỉ sau này, khi bố mẹ chồng đã mất mấy cô em chồng mới kết luận " Chỉ có chị là dâu của ba mẹ". Thế nên, cả hai bên, mẹ chồng và nàng dâu, cùng nhau xây đắp mối quan hệ. Cần phải hiểu nhau vì có hiểu mới có thương. Nhưng trước hết là mẹ chồng phải biết bao dung từ đó mới có mối quan hệ tốt. Tuy nhiên, thường hay quan niệm " sinh con cho nhà chồng ". Tôi không chấp nhận quan điểm này. Chuyện kết hôn và sinh con, nuôi con như thế nào là chuyện của hai người, không liên quan đến ai cả. Thậm chí không muốn sinh cũng chẳng sao, cảm thấy hạnh phúc là OK. Với tôi, không thấy cần phải có người nối dõi tông đường. Chết đem thiêu rồi rải tro ra biển. Khi còn sống, con cái chăm sóc tốt mới quý, chứ chết rồi, đám giỗ cho lớn chỉ để ăn với nhau thôi, có khi vợ nó còn kể lễ đám giỗ cha mẹ hết bao nhiêu tiền nữa, đúng là nhắm mắt không yên.

  • Lien1983@ 11-07-2024 23:20:34

    Bài viết sâu sắc lắm. Rất hay, mong ai có con gái nên đọc được bài này. Cảm ơn tác giả.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI